Hơn 2 tháng nay, chị Lê Thị Dinh (sinh năm 1987), sống tại quận Gò Vấp (TP.HCM), cùng chồng tổ chức hoạt động “sữa 0 đồng” cho những hộ gia đình nghèo, có con nhỏ dưới 2 tuổi.
Nhận cuộc gọi từ Zing cũng là lúc chị vừa kết thúc khâu chuẩn bị cho những gói hàng cứu trợ sẽ được chuyển đi vào sáng mai.
Mỗi lần rà soát thông tin người nhận trên danh sách đăng ký, lòng chị lại nặng trĩu với những cảm xúc khó tả. Nhiều em bé trong số đó đã “đứt sữa” từ khi thành phố bùng phát dịch trở lại.
Chia sẻ với Zing, bà mẹ 34 tuổi cho biết chị và con trai 2 tuổi cũng vừa trải qua 10 ngày chiến đấu với Covid-19.
Bà mẹ một con thực hiện chương trình phát sữa cho trẻ em nghèo trong dịch. |
Bà mẹ F0 cùng con vượt nguy hiểm
Ngày 26/7, chị Dinh nhận tin mình dương tính với virus SARS-CoV-2. 2 ngày sau, con trai chị cũng có những dấu hiệu bệnh như sốt, ho, tiêu chảy.
Vì các triệu chứng còn nhẹ, chị quyết định tự cách ly, điều trị tại nhà. Hai mẹ con dọn vào phòng riêng để tránh tiếp xúc với các thành viên khác trong nhà. Thời gian đó, vợ chồng chị phải tạm ngừng tất cả hoạt động thiện nguyện để tập trung chữa bệnh, đảm bảo an toàn cho cộng đồng.
“Các phần quà chưa kịp chuyển đi thì tôi đặt hàng và nhờ bạn bè, tình nguyện viên đưa đến những nơi cần. May mắn là lúc đó có mọi người hỗ trợ nên tôi cũng yên tâm hơn phần nào”, chị Dinh nói.
Dù đã chuẩn bị tâm lý từ trước, chị vẫn khá lo lắng vì con còn quá nhỏ. Nhờ chồng động viên, chị lấy lại bình tĩnh để bắt đầu hành trình điều trị. Việc đầu tiên chị làm là thông báo tình hình với y tế địa phương và liên hệ bác sĩ để được tư vấn, hướng dẫn và cho toa thuốc.
Chị Dinh và con trai cách ly tại phòng riêng. |
Những ngày đầu, 2 mẹ con cố gắng duy trì thói quen sinh hoạt lành mạnh, ăn uống điều độ, tích cực bổ sung vitamin C để bồi bổ cho cơ thể, tăng sức đề kháng.
Mỗi buổi sáng, chị Dinh uống thêm nước gừng pha mật ong để giữ ấm cổ họng và mở cửa phòng cho không khí thông thoáng, không bị bí bách.
Trong thời gian cách ly tại nhà, chị cũng thường xuyên tập thở, đi lại, vận động nhẹ nhàng để giúp tinh thần thoải mái hơn. Mọi vấn đề khác trong nhà chồng chị sẽ gánh vác thay.
Nhờ sự lạc quan và áp dụng đều đặn những phương pháp trên, đến ngày thứ 10, các triệu chứng của chị và con trai dứt hẳn. Sau khi xét nghiệm lại, gia đình chị Dinh vui mừng vì cả 2 mẹ con đều có kết quả âm tính.
“Nhớ lại ngày hôm ấy, tôi vẫn còn thấy hạnh phúc vì đã chiến thắng Covid-19. Tôi nhận ra rằng bản thân mỗi người phải tự có ý thức bảo vệ mình ngay từ đầu bằng các biện pháp an toàn như 5K, khử khuẩn. Nếu bị nhiễm thì nồng độ virus trong người cũng không quá cao và giảm tỷ lệ tử vong đi rất nhiều”, bà mẹ một con bộc bạch.
"Sữa 0 đồng"
Sau khi tự cách ly thêm 14 ngày, vợ chồng chị khởi động lại chương trình “sữa 0 đồng” cho các bé có hoàn cảnh khó khăn.
“Trong lúc tạm ngừng hoạt động để điều trị, tôi vẫn nhận được rất nhiều tin nhắn cầu cứu từ những ông bố, bà mẹ bỉm sữa. Vì thế, tôi quyết tâm nhanh chóng khỏi bệnh để tiếp tục phát sữa cho các con”.
Ban đầu, mỗi gói quà bao gồm tã giấy, sữa bột và một số nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, khi nhận thấy nhu cầu và nguồn mua tã khá khan hiếm, 2 vợ chồng quyết định đẩy mạnh về sữa hơn.
Giải thích về lý do chọn hỗ trợ cho nhà có trẻ dưới 2 tuổi, chị nói: “Vì các bé 3-4 tuổi đã bắt đầu ăn dặm được, nhưng trẻ sơ sinh đến 2 năm đầu đời vẫn phụ thuộc vào sữa nhiều. Nếu thiếu sữa trong giai đoạn này, các con rất hay quấy khóc, dễ suy dinh dưỡng”.
Theo lời chị Dinh, những trường hợp cần giúp đỡ hầu hết là công nhân thất nghiệp, lao động nghèo và người sống trong các khu xóm trọ nhỏ.
Mỗi gia đình đều có hoàn cảnh riêng. Trong thời gian thực hiện chương trình này, chị và chồng không ít lần chứng kiến đôi mắt bất lực của những ông bố, bà mẹ đã cạn tiền mua sữa cho con.
Trước khi siết chặt giãn cách, vợ chồng chị Dinh tự chở sữa đi phát cho các hộ dân. |
“Nguồn lực có hạn nên tôi không thể trao quá nhiều phần cho một khu vực, phải chia đều ở những nơi khác. Có hôm tôi nhận được đơn đăng ký của hàng nghìn người nhưng chỉ có thể chọn trường hợp khẩn cấp để giúp trước”, người phụ nữ 34 tuổi kể.
Hiện “sữa 0 đồng” đã trao đi 2.000 phần quà cho một số quận, huyện tại TP.HCM và tỉnh Bình Dương.
Trước đây, vợ chồng chị xin giấy thông hành và tự lái xe đến từng hộ dân để phát trực tiếp. Nhưng từ khi TP.HCM thực hiện siết chặt giãn cách từ ngày 23/8, chị liên hệ với chính quyền khu vực để giúp phân bổ quà tặng đến người dân một cách an toàn.
“Chương trình cũng gặp khó khăn vì người cần quá nhiều mà kinh phí lại eo hẹp. Nhìn hoàn cảnh của các em bé khát sữa thấy thương lắm. Tôi tự nhủ phải cố gắng duy trì hoạt động này bằng hết khả năng của mình, có thể là đến khi dịch bệnh ổn định trở lại”.