Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

F0 khỏi bệnh tình nguyện chăm sóc bệnh nhân phòng cấp cứu

Sau gần 1 tháng điều trị Covid-19, Mỹ Tuyên (sinh năm 1987) có kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Dù vậy, chị không về nhà với gia đình mà ở lại chăm sóc các bệnh nhân nặng.

Khoảng 3h chiều ngày 24/7, Mỹ Tuyên vừa kết thúc ca trực tại phòng cấp cứu Bệnh viện dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh, TP.HCM).

Ca trực của chị lần này kéo dài hơn thường lệ một tiếng. Sau khi ăn vội suất cơm trưa muộn, chị gọi điện cho PV Zing theo đúng lịch hẹn.

F0 khoi benh xin o lai tinh nguyen anh 1

Chị Mỹ Tuyên xin ở lại làm TNV tại Bệnh viện dã chiến số 4 sau khi điều trị khỏi.

Trò chuyện qua tín hiệu điện thoại chập chờn, to nhỏ, giọng chị Tuyên nhẹ nhàng, vui vẻ như chưa hề trải qua nhiều giờ trực.

Đã gần một tháng nay, Tuyên làm tình nguyện viên chăm sóc bệnh nhân tại phòng cấp cứu. Chị hỗ trợ các F0 nặng trong việc sinh hoạt cá nhân như ăn uống, tắm rửa, đồng thời làm người bạn động viên tinh thần họ.

Trước đó, chị và gia đình từng mắc Covid-19, tự điều trị tại nhà 2 tuần trước khi nhập viện.

"Phải có tinh thần tích cực, tin tưởng rằng mình có thể vượt qua bệnh tật", chị Tuyên nói với Zing.

Hành trình chiến đấu với Covid-19

Khoảng đầu tháng 7, con trai của Mỹ Tuyên bị sốt 2 ngày. Ban đầu, chị chỉ nghĩ là con ốm bình thường, nhưng sau đó, chính chị cũng bắt đầu sốt. Khi đi xét nghiệm, cả 3 người nhà chị đều có kết quả dương tính.

"Lúc biết cả nhà mắc Covid-19, tôi khá lo lắng vì con trai còn nhỏ quá. Hơn nữa, tôi sợ mẹ mình dưới quê biết tin sẽ căng thẳng vì bà vốn bị bệnh tim, cao huyết áp. Những nỗi lo ấy làm tôi trằn trọc và suy sụp 2 ngày đầu", chị bùi ngùi nhớ lại.

Trong 2 tuần, gia đình chị Tuyên tự điều trị tại nhà. Chồng và con trai chị chỉ sốt nhẹ và mất vị giác, khứu giác, riêng chị Tuyên có đủ những triệu chứng trên kèm ho ra máu và tiêu chảy.

Đến ngày thứ 3 sau khi phát hiện dương tính, chị đuối sức, không ăn được và bị khó thở. Tuy nhiên, vì bệnh viện quá tải, chị đành ở nhà và tập thở theo hướng dẫn của các y, bác sĩ.

Khi điều trị tại nhà, chị tích cực uống thuốc, xông nước chanh, sả, gừng và giữ ấm cơ thể. Quyết tâm khỏi bệnh để chăm sóc con, chị gắng ăn uống đầy đủ để cơ thể có dinh dưỡng, chống lại bệnh tật.

Nhờ tinh thần lạc quan, đến ngày thứ 7, các triệu chứng của chị Tuyên và gia đình đã thuyên giảm nhiều, dù vẫn mất vị giác, khứu giác.

Ngày 1/8, cả nhà chị được đưa vào Bệnh viện dã chiến số 4. Khu cách ly thoáng mát, sạch sẽ, chị và chồng con được chăm lo ăn uống đầy đủ.

Sau 5 ngày ở bệnh viện, vì đã đỡ nhiều, Mỹ Tuyên bắt đầu chăm sóc các bệnh nhân nặng hơn trong phòng cấp cứu. Chị dự định sẽ về nhà với chồng con sau khi có kết quả âm tính, nhưng cuối cùng tình nguyện ở lại tới giờ.

"Bệnh nhân trong khu cấp cứu chủ yếu là các cô chú lớn tuổi, vì mắc Covid-19 mà không có người thân bên cạnh chăm sóc. Vì vậy, tôi không nỡ rời xa họ", chị Tuyên nói.

Những câu chuyện khó quên

"Công việc của tôi không vất vả lắm, chỉ phụ giúp các y, bác sĩ một phần thôi. Cái khó lớn nhất có lẽ là phải ngủ một mình trong phòng buổi đêm vì không quen.

Có một điều lạ là tôi từng khá sợ chuyện đi vệ sinh của người khác, nhưng khi chăm các cô chú trong phòng cấp cứu, tôi không thấy vậy nữa vì rất thương họ. Đến giờ, tôi vẫn không biết vì sao mình có thể làm được", Mỹ Tuyên kể.

Hàng ngày, chị Tuyên động viên, chia sẻ với các bệnh nhân, khuyên họ giữ vững tinh thần, nghĩ về người thân của mình để có động lực chiến thắng bệnh tật. Đó cũng là điều chị rút ra sau quãng thời gian mắc bệnh.

Trong gần một tháng chăm sóc bệnh nhân, chị Tuyên chứng kiến những câu chuyện để lại trong chị cảm xúc khó tả.

"Có một cô lớn tuổi, nhiều bệnh nền nên triệu chứng nặng, phải thở oxy liên tục. Vậy mà khi con gọi đến, cô vẫn cố gắng tỏ ra vui vẻ, khỏe mạnh. 7 người con của cô không quan tâm mẹ nhiều, nhưng cô vẫn nghĩ về con và không muốn ai lo lắng. Nhìn vậy, tôi thực sự rất thương", chị kể với Zing.

Một bệnh nhân khác để lại trong chị nhiều cảm xúc là người mẹ trẻ mới sinh con 20 ngày, sức khỏe yếu nên khi nhập viện đã bị viêm phổi, phải thở oxy.

"Tôi cũng là phụ nữ nên hiểu cảm giác khó chịu khi mới sinh mà không được gần con. Ban đầu, chị ấy còn sợ mình không qua nổi. Nhưng mỗi khi nhìn ảnh con, chị lại được tiếp thêm động lực tinh thần nên giờ cũng đã đỡ nhiều", chị Tuyên xúc động chia sẻ.

Trong thời gian dịch bệnh khó khăn, phức tạp, chị Tuyên hy vọng mọi người suy nghĩ lạc quan và dành thời gian cho gia đình.

Từng mắc Covid-19 và hiện chăm sóc các bệnh nhân, chị hiểu tầm quan trọng của sự gắn kết gia đình hơn bao giờ hết, bởi đó là nguồn động lực lớn giúp chị và nhiều F0 vượt qua căn bệnh.

Dù cũng lo rằng mình có thể bị nhiễm lại vì ở trong môi trường nhiều bệnh nhân nặng, chị Tuyên cố gắng tăng cường sức đề kháng và cẩn trọng khi làm việc. Chị dự định sẽ tiếp tục làm TNV tại bệnh viện đến khi TP.HCM hết giãn cách.

Ước muốn lớn nhất của chị là dịch bệnh mau qua để chị về nhà với chồng con và thăm ông bà nội, ngoại.

"Dịch bệnh mang lại nhiều khó khăn về tài chính, nhưng tôi và chồng vẫn còn trẻ và có thể kiếm tiền. Quan trọng nhất vẫn là sức khỏe và gia đình", chị lạc quan nói.

Chủ doanh nghiệp Hà Nội miễn phí chỗ ở, tặng tiền cho người khó khăn

Dù công việc cũng bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài, Nguyễn Xuân Thông vẫn muốn hỗ trợ những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình vượt qua thời điểm khó khăn này.

Mai Hoàng

Ảnh: NVCC

Bạn có thể quan tâm