Từ ngày 10/7, Lê Thị Hồng Nhung (sinh năm 1996, TP.HCM) bắt đầu có cảm giác mệt mỏi, sốt nhẹ. Chồng làm việc bên ngành dược, cô hỏi ý kiến và uống trước một số loại thuốc ho, hạ sốt song không trị được dứt điểm.
Tiến hành test nhanh Covid-19, Nhung phát hiện mình dương tính với virus SARS-CoV-2. Thời điểm đó, chồng cô cũng nhận kết quả tương tự. Hai người được thông báo sẽ điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh) từ ngày 13/7.
"Xếp đồ vào vali chuẩn bị lên đường, tôi khá hoang mang, lo lắng bởi nghe nhiều người đi trước và một số tin đồn lan truyền trên mạng rằng khu điều trị 'ghê, bẩn lắm, có lúc cơm ăn không đủ no'", Nhung kể với Zing.
Tuy nhiên, sau 19 ngày điều trị tại đây, những gì cô và chồng trải nghiệm trái ngược hoàn toàn với những điều đồn thổi trên mạng.
Hồng Nhung và chồng mắc Covid-19 vào giữa tháng 7. |
Như đi nghỉ dưỡng
Phát hiện sớm và chủ động uống thuốc trước, các triệu chứng bệnh của Hồng Nhung và chồng không nặng, chỉ mất vị giác trong vài ngày đầu. Hai người được sắp xếp chung phòng với 3 bệnh nhân khác cũng là nhóm có ít hoặc không triệu chứng.
"Vì bệnh viện được trưng dụng từ khu tái định cư nên phòng ốc khá ổn, chỉ hơi bụi một chút. Tuy nhiên, tôi hiểu việc chuẩn bị gấp rút nơi điều trị cho hàng nghìn bệnh nhân trong thời gian ngắn không đơn giản và không thể kỹ càng mọi thứ được. Tôi và mọi người chủ động dọn dẹp một chút là ổn ngay".
Tình hình các bệnh nhân đều khá ổn định, phòng của Nhung lập một nhóm chat với bác sĩ để tiện theo dõi.
Mỗi ngày, bác sĩ sẽ gọi video cho từng bệnh nhân trao đổi tình hình, hướng dẫn theo dõi sức khỏe. Mọi người cũng tự đo thân nhiệt, chỉ số oxy trong máu qua máy được phát và báo cáo lại, ai có diễn biến bất thường sẽ được kiểm tra kỹ hơn.
Hai vợ chồng cảm nhận được sự chu đáo, tận tình của đội ngũ y tế, tình nguyện viên ở bệnh viện. |
Vì lo lắng, vợ chồng Nhung đem theo khá nhiều đồ như một số loại thuốc ho, hạ sốt, nước muối, vitamin C bên cạnh đồ dùng cá nhân, quần áo và ít đồ ăn liền. Song, cô khá bất ngờ với công tác hỗ trợ của bệnh viện.
"Vừa đến nơi, mỗi bệnh nhân như tôi được phát bánh, sữa, khăn mặt, sữa tắm, dầu gội, bàn chải, nước, nhiệt kế và thuốc hạ sốt kèm hướng dẫn sử dụng. Dù vậy, tôi vẫn cho rằng các bệnh nhân khi đi điều trị nên tự chuẩn bị một số loại thuốc cơ bản nếu có thể để khi cần sử dụng luôn, không quá phụ thuộc vào bác sĩ".
Khoảng 7h mỗi ngày, các tình nguyện viên, dân quân sẽ đem đồ ăn sáng đến trước cửa từng phòng, khi là bánh bao, khi bánh giò. Đến trưa, các suất ăn nóng hổi, đầy đặn cũng được chuẩn bị sẵn và thay đổi món theo ngày, kèm theo bánh, hoa quả tráng miệng.
"Trước sự tận tình, chu đáo của các y bác sĩ và tình nguyện viên, hai vợ chồng tôi còn đùa là thời gian ở đây giống như đi nghỉ dưỡng: ngày 3 bữa có người phục vụ, có hôm còn được xem các nghệ sĩ tới biểu diễn ca nhạc, khuấy động không khí và tinh thần mọi người rất nhiều".
Lưu luyến không muốn về
Khoảng 10 ngày cuối tháng 7, Nhung và chồng bắt đầu hồi phục. Mỗi ngày, hai vợ chồng chủ động súc họng, rửa mũi, xông hơi sả, gừng, chanh và bổ sung nhiều nước, vitamin C.
Ở phòng Nhung, tinh thần mọi người khá ổn định, tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ điều trị. Những lúc rảnh rỗi, mọi người chia sẻ, trò chuyện với nhau để cùng động viên tinh thần.
Các bệnh nhân thường xuyên nhận được tin nhắn sát sao, động viên từ bác sĩ. |
Vì "ăn no ngủ kỹ", tinh thần cũng thoải mái nên sau đợt điều trị, Nhung tăng 2 kg. Cô cũng có thêm nhiều bạn mới, giữ liên lạc qua mạng xã hội sau khi ra viện và hẹn nhau hết dịch sẽ tụ tập.
Khi dịch bệnh bùng phát, Nhung thấy nhiều tin tức, hình ảnh về sự vất vả của nhân viên y tế, tình nguyện viên tại các khu cách ly, bệnh viện dã chiến.
Song khi được tự mình trải nghiệm, cô mới hiểu những gì được chia sẻ mới chỉ là một phần nhỏ.
"Có hôm trời khuya, khi phần lớn bệnh nhân đã ngủ, tôi để ý có nhiều y bác sĩ vẫn miệt mài làm việc, thấy tội lắm. Bởi vậy, tôi hy vọng mọi người hãy tự ý thức bảo vệ sức khỏe trong thời gian này, không chỉ cho bản thân, gia đình mà còn để giảm bớt áp lực lên đội ngũ y tế".
Ngoài ra, cô gái sinh năm 1996 cũng ấn tượng với sự nhiệt tình, chu đáo của các bác sĩ, luôn theo dõi sát tình hình bệnh nhân và động viên kịp thời.
Ngày 1/8, vợ chồng Nhung và hàng trăm bệnh nhân tại khu điều trị được ra viện sau khi nhận kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2. Thu dọn đồ đạc rời đi sau 19 ngày gắn bó, cô lưu luyến, đùa với mọi người rằng không muốn về vì ở đây vui và thoải mái.
"Bây giờ, tôi chỉ mong dịch bệnh mau qua đi, để cuộc sống mọi người, đặc biệt là các 'chiến binh áo trắng', trở lại bình thường", cô nhắn nhủ.