Trong cuộc trao đổi với báo chí mới đây, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương đã khẳng định thành phố có quy định cấp phát thuốc cho người bệnh Covid-19. Theo đó, Hà Nội phân thành 3 loại gói thuốc gồm:
Gói thuốc | Các loại thuốc | Thời điểm cấp phát |
Túi thuốc A | Thuốc hạ sốt Paracetamol, thuốc bổ sung vitamin. | Trạm Y tế cấp phát ngay cho người bệnh khi đủ điều kiện điều trị tại nhà |
Túi thuốc B | Thuốc chống viêm Corticoid, Thuốc chống đông | Chỉ được sử dụng trong các tình huống đặc biệt và phải được bác sĩ đánh giá và kê đơn cho bệnh nhân, sử dụng liều duy nhất trước khi chuyển người bệnh (sử dụng trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu chuyển nặng) |
Túi thuốc C | Thuốc kháng virus Molnupiravir, Favipiravir | Đây là các thuốc chưa được Bộ Y tế cấp phép lưu hành, phân bổ theo chương trình của Bộ Y tế, sử dụng có kiểm soát. Do đó, để sử dụng, F0 phải được khám sàng lọc, đánh giá và có cam kết đồng ý tham gia, khi sử dụng thuốc kháng virus phải tuân thủ và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế. |
Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, một số người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận với y tế địa phương. Nhiều trường hợp thậm chí đã liên lạc nhưng không được cấp phát thuốc để điều trị tại nhà.
Tự xoay xở
Chia sẻ với Zing, chị N.P.T. (37 tuổi, trú tại quận Hai Bà Trưng) cho biết ngày 16/12 vừa qua, một đồng nghiệp của mình tình cờ phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 sau khi đi khám do biểu hiện đau bụng.
“Các nhân viên trong công ty đều phải test nhanh ngay sau đó. Hai đồng nghiệp khác của tôi cũng đã được xác định dương tính. Bản thân tôi có 2 lần đều cho kết quả âm tính”, chị T. kể.
Chiều cùng ngày, chị T. trở về nhà và khai báo với trạm y tế của phường do từng tiếp xúc trực tiếp với F0. Thời điểm này, chị bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi, đau đầu, ngạt, sổ mũi.
Người phụ nữ bức xúc: “Đến trưa hôm sau là ngày 17/12, tôi vẫn không nhận được bất cứ cuộc gọi lại, yêu cầu xét nghiệm hay hướng dẫn nào”.
Do lo lắng có thể lây nhiễm SARS-CoV-2 cho người nhà, chị tự tới bệnh viện để làm xét nghiệm khẳng định bằng phương pháp rRT-PCR. Tối 17/12, chị T. nhận kết quả dương tính với nCoV.
“Tôi tiếp tục gọi điện thông báo ngay cho y tế phường. Lần này, họ có gọi lại nhưng cũng chỉ hỏi một số thông tin. Tôi xin cách ly tại nhà nhưng thời gian sau đó, tôi không nhận được bất kỳ sự hướng dẫn cụ thể nào”, chị T. cho hay.
Chưa giải quyết được lo lắng, người phụ nữ này quyết định nhờ một người quen tác động và lại nhận được cuộc gọi từ nhân viên y tế.
Các loại thuốc chị T. nhờ hàng xóm mua giúp sau khi mắc Covid-19. Ảnh: NVCC. |
“Nhân viên y tế cũng chỉ hướng dẫn chung chung, sốt thì uống thuốc hạ sốt, ho thì uống thuốc ho… Họ cũng không cấp phát thuốc cho tôi. Tôi hỏi thì được thông báo là không có thuốc để phát, phải tự mua”, chị T. nói.
Do không thể ra ngoài, người phụ nữ này buộc lòng phải nhờ hàng xóm mua thuốc giúp và đặt trước cửa. Các loại thuốc chị nhờ mua cũng là dựa trên hiểu biết của bản thân và sự giúp đỡ từ nhóm bác sĩ hỗ trợ F0 online.
Theo quy định, người nhà của chị T. (thuộc diện F1) phải được nhân viên y tế tới nhà xét nghiệm ngày thứ nhất và ngày thứ 7. Tuy nhiên, chị T. phải gọi điện giục nhiều lần trước khi gia đình được yêu cầu tự ra trạm y tế xét nghiệm dù đang trong diện cách ly.
Đến nay, người phụ nữ này vẫn đang trong giai đoạn tiến triển của bệnh. Gia đình của chị may mắn không bị lây nhiễm nên tình hình vẫn khá ổn.
“Dù không thể cấp phát thuốc, họ cũng nên chủ động hướng dẫn cho người bệnh, tránh tâm lý hoang mang, lo sợ khi nhiễm virus”, chị chia sẻ.
Trả lời vấn đề này với Zing vào chiều 25/12, ông Nguyễn Anh Quang, Giám đốc Trung tâm Y tế quận Hai Bà Trưng, khẳng định thời gian qua đã nỗ lực huy động các đơn vị trực thuộc trong công tác quản lý và cấp phát thuốc cho F0 tại nhà. Đến nay, gần 2.000 F0 trên địa bàn đã được quản lý.
Về việc cấp phát thuốc, ông Quang cho biết bản thân cũng đã huy động một số lượng thuốc nhất định để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Sáng nay, số lượng thuốc này đã về kho. Quận cũng đã có kế hoạch phân bổ số thuốc này cho toàn bộ F0 theo quy định.
"Sáng sớm hôm qua (24/12), tôi đã ký văn bản hướng dẫn điều trị, quy trình cấp phát thuốc cho các F0. Tuy nhiên, cũng mong người dân thông cảm vì với số lượng bệnh nhân đông, chúng tôi cần thời gian để đảm bảo lộ trình, không thể đáp ứng hết trong thời gian ngắn. Thực tế, các nhân viên y tế cũng đang ngày đêm làm việc để đảm bảo quản lý tốt F0. Nhiều người đang phải làm việc 16 tiếng, thậm chí 20 tiếng mỗi ngày", vị lãnh đạo này nói.
Thuốc Molnupiravir được rao bán với giá hàng triệu đồng?
Tương tự chị T., một số người dân tại Hà Nội sau khi dương tính với SARS-CoV-2 cũng không liên hệ được với y tế địa phương để nhận hướng dẫn. Từ đây, họ tìm tới các loại thuốc kháng virus được rao bán trôi nổi trên thị trường với nhiều mức giá khác nhau.
Anh P.T.A. (trú tại Hà Nội) chia sẻ: “Tôi có tham gia một số nhóm hỗ trợ mua thuốc trong mùa dịch và hỏi giá thuốc Molnupiravir sau khi được nghe về công dụng của chúng”.
Theo anh A., người bán báo giá 4,5 triệu đồng cho hộp 200 mg. Trong khi đó, loại 400 mg sẽ có giá dao động khoảng 7-8 triệu đồng tùy người bán.
Thuốc kháng virus đang trong quá trình thử nghiệm được rao bán tràn lan trên mạng xã hội với mức giá "cắt cổ". |
“Tôi cũng quen một số người ở làng bún Phú Đô từng mua loại thuốc này. Họ mua loại 400 mg với giá 8 triệu đồng. Một loại khác của Nga còn được giao bán 3,5 triệu đồng cho 10 viên”, người đàn ông này nói. Theo anh, đa số người dân muốn mua thuốc để dự trữ, phòng trường hợp mắc bệnh.
Nguy hiểm nếu sử dụng sai thuốc
Liên quan việc cấp phát thuốc trên địa bàn thành phố, Phó giám đốc Sở Y tế Vũ Cao Cương cho biết: “Việc cấp thuốc cho các trường hợp mắc và được theo dõi, quản lý tại nhà sẽ là trạm y tế xã, phường, thị trấn hoặc tổ hỗ trợ theo dõi F0 tại nhà thực hiện. Hiện nay, các thuốc trên không phải trả phí nhưng việc cấp phát thuốc phải đúng theo quy định”.
Trong khi đó, với thuốc kháng virus Molnupiravir, đây là sản phẩm chưa được Bộ Y tế cấp phép. F0 chỉ được sử dụng khi đã khám sàng lọc, đánh giá và cam kết tham gia với sự giám sát chặt chẽ của nhân viên y tế.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã ban hành quy định triển khai Chương trình sử dụng thuống kháng virus có kiểm soát trên cộng đồng cho F0 thể nhẹ liên quan. Tuy nhiên, loại thuốc này hiện chưa được phân bổ rộng rãi cho cộng đồng. Thay vào đó, sở chỉ phân bổ tới các cơ sở y tế để đảm bảo việc quản lý.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội), cho biết bệnh viện đang là đơn vị được Sở Y tế Hà Nội giao quản lý số lượng thuốc kháng virus của thành phố.
“Sở Y tế đã có kế hoạch cấp phát thuốc kháng virus Molnupiravir cho các đơn vị trực thuộc. Sau khi nhận chỉ đạo, chúng tôi cũng đã ngay lập tức gửi thuốc tới các cơ sở y tế trên địa bàn được phân”, ông Hiền nói.
Bệnh viện Đa khoa Đống Đa hiện là đơn vị quản lý trực tiếp cơ sở tiếp nhận F0 Đền Lừ III với khoảng gần 1.000 ca mắc thể nhẹ của thành phố (tầng 1).
Theo ông Hiền, thời gian qua, cơ sở y tế này cũng đã tư vấn cho một số trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 có chỉ định và đồng ý cam kết sử dụng thuốc kháng virus Molnupiravir do thành phố cấp. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh loại thuốc này không dùng cho tất cả F0.
Thuốc kháng virus đang trong quá trình thử nghiệm và chỉ được sử dụng cho nhóm có nguy cơ cao.
Bác sĩ Phạm Bá Hiền, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa.
“Thứ nhất, số lượng thuốc hiện tại không đủ cho tất cả bệnh nhân. Thứ hai, việc mọi F0 sử dụng thuốc kháng virus cũng là không cần thiết khi đa số người trẻ, đã tiêm đủ liều vaccine, chỉ diễn biến nhẹ hoặc không triệu chứng. Một số thuốc hiện nay đang trong quá trình thử nghiệm và chỉ được sử dụng cho nhóm có nguy cơ cao, người lớn tuổi, mắc bệnh nền hoặc chưa tiêm đủ liều vaccine”, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đống Đa giải thích.
Trong khi đó, việc tự ý mua các loại thuốc điều trị không phù hợp cũng mang đến nguy cơ rất lớn cho sức khỏe người bệnh. Đặc biệt là các loại thuốc chống đông, kháng viêm.
Trao đổi với Zing, tiến sĩ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng, Phó trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, khẳng định: “Để sử dụng các loại thuốc chống đông, kháng viêm, việc đánh giá chính xác tình trạng bệnh là rất quan trọng. Người dân không đủ kiến thức y khoa và chưa được thăm khám nhưng lại tự ý sử dụng những loại thuốc này sẽ mang đến nguy cơ rất lớn đối với sức khỏe”.
Cụ thể, với thuốc kháng viêm chứa thành phần corticoid, bác sĩ Hùng cho hay nếu sử dụng quá sớm, ở thời điểm ban đầu trong diễn biến bệnh, sản phẩm này có thể làm tăng thời gian thanh thải virus. Điều này đồng nghĩa với việc SARS-CoV-2 sẽ có điều kiện để tồn tại trong cơ thể bệnh nhân lâu hơn.
Đồng quan điểm, thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc, Phó trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, nói thêm: “Việc sử dụng thuốc chứa corticoid quá sớm sẽ mang đến nguy cơ ức chế miễn dịch ở người bệnh. Bên cạnh khiến virus đào thải chậm hơn, nCoV sẽ có khả năng bùng phát trong cơ thể F0 và dẫn đến tình trạng nặng”.
Bác sĩ Phúc can thiệp y tế cho một bệnh nhân Covid-19 tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ảnh: Việt Linh. |
Trong khi đó, 2 vị chuyên gia này đều khẳng định việc sử dụng thuốc chống đông không đúng chỉ định sẽ gây ra nguy cơ chảy máu ở người bệnh.
“Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng tôi đã gặp nhiều trường hợp xuất huyết phổi, chảy máu trong một số cơ quan khác do tự ý sử dụng thuốc chống đông khi chưa có chỉ định của nhân viên y tế”, bác sĩ Hùng chia sẻ.