Những vụ việc đáng tiếc
Trường THPT Lê Lợi, quận Hà Đông (Hà Nội) vừa buộc thôi học một nữ sinh 10 ngày vì xúc phạm giáo viên trên Facebok. Đại diện nhà trường cho biết, dù học sinh đã xin lỗi cô giáo nhưng nhà trường vẫn áp dụng hình thức kỷ luật buộc thôi học theo đúng nội quy.
Đây không phải trường hợp duy nhất gặp rắc rối vì mạng xã hội. Nhiều câu chuyện đáng buồn đã xảy ra trong môi trường giáo dục khi học sinh, thậm chí phụ huynh, giáo viên phải chịu hậu quả thật vì những phát ngôn trên mạng ảo.
Trước đó, ngày 29/9, con trai chị Trang (31 tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị đuổi học vì mẹ lập nhóm kín than phiền trên Facebook. Phòng giáo dục quận và Sở GD&ĐT Hà Nội phải chỉ đạo phía trường "ngồi lại" với phụ huynh để giải quyết vụ việc.
Cũng đầu tháng 9, chị Nguyễn Thanh Hiếu (35 tuổi, TP HCM) chê cà vạt của con xấu trên mạng xã hội. Người mẹ ví chiếc cà vạt như "dây đeo cổ”, thua mẫu của Hàn Quốc, sau đó tố nhà trường đuổi học con trai mình vì điều này.
Chị Hiếu chê cà vạt của con trên Facebook dẫn đến "lời qua tiếng lại" giữa gia đình và nhà trường. |
Sau khi sự việc bị đẩy đi quá xa, người mẹ cũng nhận ra rằng: "Viết trên Facebook không phải lời nói theo gió bay, mà có sức lan tỏa mạnh, mọi người hãy cẩn trọng khi phát ngôn trên đó".
Không thể cấm nhưng có thể quản lý
TS Ngũ Duy Anh, Vụ trưởng Vụ công tác Học sinh Sinh viên, Bộ GD&ĐT khẳng định vai trò của các trang mạng xã hội trong việc kết nối cá nhân. Theo ông, Facebook vừa là "ốc đảo" nhưng cũng là "cánh cửa mở" để khám phá, nhìn nhận con người.
Việc sử dụng Facebook mang đến nhiều thuận lợi khi trở thành cầu nối thân thiết gắn học trò và giáo viên. Cụ thể, một số trường đã khuyến khích học sinh có Facebook riêng để tư vấn hiệu quả về tâm lý, sức khỏe, tình bạn, tình yêu hoặc những khúc mắc thầm kín, riêng tư.
Thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ khảo sát, đánh giá để có những giải pháp cụ thể trong việc sử dụng Facebook để tư vấn tâm lý từ những lợi ích mang lại.
Liên quan vấn đề này, nhiều hiệu trưởng cho rằng, không thể cấm học sinh sử dụng Facebook, bởi đó là quyền tự do cá nhân. Tuy nhiên, mỗi trường nên có cách quản lý riêng, dựa trên Điều lệ trường THCS, THPT và THPT có nhiều cấp học do Bộ GD&ĐT đề ra.
Điều lệ ghi rõ: “Hành vi, ngôn ngữ ứng xử của học sinh trung học phải đảm bảo tính văn hoá, phù hợp đạo đức và lối sống của lứa tuổi. Các hành vi học sinh không được làm: Xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên của nhà trường, người khác và học sinh khác”.
Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện có thể được khuyên răn hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức: Phê bình trước lớp, trước trường; Khiển trách và thông báo với gia đình; Cảnh cáo ghi học bạ; Buộc thôi học có thời hạn.
Ở cấp trường, trước khi đuổi học nữ sinh 10 ngày, Ban giám hiệu trường THPT Lê Lợi đã đưa ra nội quy năm học 2014-2015: "Học sinh không được xúc phạm nhân phẩm, danh dự, xâm phạm thân thể giáo viên, cán bộ, nhân viên nhà trường, người khác và học sinh trên các trang mạng xã hội".
Tại trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội, quy định những điều cấm kỵ trong "thời" Facebook cũng được PGS Văn Như Cương -
Chủ tịch Hội đồng quản trị - đề ra rất sớm.
PGS Văn Như Cương. Ảnh: Quyên Quyên. |
Theo PGS Văn Như Cương, quy định đó là: Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những từ viết tắt; phải sử dụng ngôn từ trong sáng, thuần Việt; Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất cứ ai; Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung của nó; Nếu like những status có nội dung xấu, chủ nhân Facebook sẽ bị quy trách nhiệm; Cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh; Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu nhầm khi đọc status, bởi vậy viết phải rõ ràng.
Quy định của trường này còn nhấn mạnh: “Mọi việc đều có hai mặt. Facebook là mạng mà vui buồn đều có thể sẻ chia. Tuy nhiên, việc chia sẻ này làm như thế nào là đúng tùy thuộc vào sự thông minh, hiểu biết của mỗi người".
PGS Văn Như Cương cho hay, trường Lương Thế Vinh đã đuổi học 2 học sinh vì hành vi không đúng mực trên mạng xã hội. Nhà trường cũng từng mời người nhà học sinh lên trường để nói chuyện về cách viết trên Facebook không phù hợp, ảnh hưởng môi trường giáo dục.
Tương tự, trường THPT Nguyễn Đức Cảnh (Thái Bình) không cấm học sinh sử dụng Facebook, nhưng đưa ra lưu ý: “Facebook cũng là nơi thể hiện văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi like một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân. Facebook không phải nhật ký, mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook”.
Thầy Vũ Trọng Lâm - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ, những lưu ý như không nói tục chửi bậy, không nói xấu người khác… là điều mà bất cứ ai cũng không nên làm, chứ không riêng học sinh trong trường.
Dễ để lại bài học xấu
Về việc phụ huynh phát ngôn không đúng mực trên Facebook, TS tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu, giảng viên Đại học Sư phạm TP HCM, cho rằng, mâu thuẫn giữa phụ huynh và nhà trường sẽ ảnh hưởng sự phát triển của con trẻ.
Bài học xấu mà cha mẹ có thể vô tình để lại cho con là không hài lòng cái gì thì lên Facebook nói thoải mái cho hả giận, không cần tôn trọng, nghĩ đến thể diện của ai.