Chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất bày tỏ sự xót xa: “Thế hệ trẻ bây giờ quá thiệt thòi! Chúng được thụ hưởng đời sống vật chất đầy đủ nhưng đời sống tinh thần lại thiếu hụt. Nhiều bạn trẻ ngày nay không được dạy làm người một cách bài bản từ trong chính gia đình mình”.
Lý giải cho điều này, ông Nguyễn An Chất cho rằng phần lớn phụ huynh đang bị cuộc sống hiện đại cuốn đi. Đặc biệt, vòng xoáy, áp lực kiếm tiền, làm giàu khiến họ mệt nhoài, không còn thời gian, tâm trí để quan tâm dạy bảo con mình.
“Nhiều ông bố, bà mẹ khi về đến nhà là ôm lấy điện thoại, máy tính, còn con cái cũng được giao cho cái ti vi hay điện thoại hoặc tự chơi một mình. Cha mẹ con cái mỗi người một thế giới riêng.
Nếu thấy con mè nheo, hay làm gì trái ý là la mắng om sòm không cần tìm hiểu nguyên do. Chính điều này làm cha mẹ, con cái dần hình thành khoảng cách.
Thậm chí, nhiều đứa trẻ sẽ đánh mất sự tự tin, làm gì cũng sợ, sống thu mình, ngại giao tiếp, chia sẻ với người khác.
Khi không có sự chia sẻ với nhau, cha mẹ sẽ khó lòng nắm bắt được những sự thay đổi tâm lý, những “con sóng”, “khủng hoảng” trong cuộc sống của con để kịp thời định hướng”, chuyên gia tâm lý Nguyễn An Chất phân tích.
Trẻ em đang đối mặt với nhiều hệ lụy đến từ Facebook. |
Ông Nguyễn An Chất cho rằng khi một đứa trẻ không tìm thấy tiếng nói trong gia đình, chúng sẽ ra ngoài tìm bạn bè, và mạng xã hội là một hấp lực. Thế giới ảo rộng lớn với nhiều sự hấp dẫn khác nhau, một đứa trẻ không được định hướng đầy đủ, rõ ràng chúng rất dễ bị sa ngã.
Như một kết cục tất yếu, khi gặp sự cố từ mạng xã hội, những đứa trẻ này thay vì tìm sự hỗ trợ, tư vấn từ người thân, chúng có xu hướng “tự xử”, những hành động dại dột cũng từ đây mà ra.
“Lứa tuổi vị thành niên 'chợt nắng, chợt mưa'. Vì thế, cha mẹ cần nắm bắt được tính cách, tâm lý của con, dạy con thành con người chủ động, tự tin vượt qua mọi thử thách trong cuộc sống”, ông Chất nói.
TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu - Trưởng bộ môn Tâm lý học Ứng dụng, ĐH Sư phạm TP.HCM - hiến kế nếu gặp phải trường hợp bị tung hình ảnh nhạy cảm lên mạng xã hội, thay vì trốn chạy, tự tử, bạn nên làm 5 việc sau: Đầu tiên, lấy lại tinh thần.
Lỗi của mình là đã sơ hở, nhưng lỗi lớn nhất là ở tên sở khanh kia, đó mới là người đáng phải bị lên án. Đừng quá tổn thương vì lời ném đá mù quáng của người khác trên mạng, họ không phải người quan trọng trong đời bạn.
Bên cạnh đó, hãy tâm sự với người thân để vơi bớt cảm xúc lo âu, tìm đến người mà bạn tin tưởng để có một “điểm tựa tinh thần” trước sóng gió. Tiếp theo là nhờ người thân cùng report (báo vi phạm) với Facebook/YouTube.
Các mạng xã hội chính thống đều có chính sách xóa bỏ các video clip và hình nhạy cảm; cùng gia đình đàm phán với gia đình thủ phạm để yêu cầu tháo gỡ; trình báo với cơ quan chức năng.
“Và cuối cùng hãy nhìn về phía trước mà sống! Hãy xem sự việc vừa qua như hòn đá giữa đường đời, ta bước tiếp rồi nó cũng qua thôi.
Vài năm nữa chẳng còn ai thèm nhớ đến việc ấy của mình đâu, ai cũng đang bận rộn với cuộc đời họ cả”, TS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu nhắn nhủ tới các bạn trẻ.