Fan cuồng Kpop bức xúc vì bị fan Arsenal 'ném đá'
Sau màn thi chạy với xe bus chở đội tuyển Arsenal của một cổ động viên Việt Nam, fan Kpop và fan bóng đá đã nổ ra một cuộc chiến xôn xao cộng đồng mạng.
Cuộc chiến giữa "kẻ tám lạng, người nửa cân"
Một CĐV Arsenal tên là Vũ Xuân Tiến đã chạy bộ theo xe chở Arsenal một vòng Hồ Gươm, phố Tràng Thi đến gần ngã tư cột cờ Hà Nội. Sau khoảng 5km bám đuổi, anh chàng đã làm động lòng các Pháo thủ và được mời lên xe. Thanh niên này đã được HLV Wenger tặng một chiếc áo đấu của CLB. Hành động của Tiến đã được nhiều fan bóng đá ca ngợi là đẹp đẽ, biểu tượng cho lòng hâm mộ chân chính.
Tuy nhiên, đằng sau lòng hâm mộ này là sự tranh cãi nảy lửa giữa fan bóng đá và fan cuồng Kpop. Cụ thể, fan Arsenal đã chế ảnh hài hước để phản pháo lại fan cuồng Kpop. Những bức ảnh mang tính chất đối lập chỉ rõ: "Người hâm mộ nhạc Hàn Quốc thái quá, tạo một hình ảnh tiêu cực trong mắt bạn bè quốc tế. Còn fan bóng đá thì hoàn toàn ngược lại, sự hâm mộ của họ đã góp phần quảng bá hình ảnh đất nước đến bạn bè các nước".
Hình ảnh so sánh của fan bóng đá. |
Tiến MT, một thành viên của fan cuồng Arsenal nêu ra câu hỏi nhằm chỉ chích fan cuồng Kpop: "Có ai đòi bỏ nhà, từ mặt bố mẹ nếu không được xem bóng đá không? Có ai sẵn sàng bán thân để kiếm tiền mua vé xem bóng đá không? Có ai cười khóc điên dại vì một cầu thủ không?"
Đồng tình với quan điểm trên, thành viên Minh Nguyễn ca ngợi Vũ Xuân Tiến nói riêng và fan Arsenal nói chung: "Fan bóng đá không hôn ghế, đòi tự tử hay quay lưng với cả thế giới đâu. Ít nhất tinh thần thể thao của cậu ấy rất cao, làm thế cũng rèn luyện sức khỏe cho bản thân nữa”.
Fan Kpop phản pháo lại fan bóng đá. |
Ngược lại, fan cuồng Kpop cho rằng hành động chạy bộ 5km của chàng trai kia là một hành động không đẹp, đáng lên án. Thành viên Min Xù bức xúc: "Đấy, fan Kpop ít ra còn đỡ hơn. Bạn này cuồng thế này sao chẳng nói?". Bạn Lâm Osi cho rằng: "Thanh niên này thật là chai mặt, cũng chỉ để lấy lòng thương của người khác mà thôi".
Bên cạnh đó, fan của nhạc Hàn Quốc cũng có những bình luận phản pháo lại bằng cách chỉ ra những mặt trái của fan bóng đá: "Fan cuồng bóng đá ra sân choảng nhau vỡ đầu chảy máu, bỏ việc làm thuê xe theo đội bóng khắp các sân thì sao?”
Bức xúc của một fan nhạc Hàn Quốc. |
Đồng tình với quan điểm trên, bạn Minh Nguyễn cho rằng: “Ở bóng đá cũng có những người phát cuồng đấy thôi. Mọi người nghĩ sao về cá độ? Hay fan cuồng chống đối trọng tài?”
Thành viên Bé Béo Bự bày tỏ chia sẻ được nhiều fan Kpop đồng tình: “Khi chiến thắng thì fan bóng đá đi bão gây tắc đường, kẹt xe. Các bạn nói thích Kpop là quốc nhục. Vậy các bạn thử tưởng tượng đơn giản sau này nền âm nhạc Việt vươn ra thế giới thì các nước khác nói rằng mê Vpop là quốc nhục của họ. Lúc đó các bạn sẽ nghĩ thế nào?”.
Một fan cuồng nhạc Hàn không giấu nổi sự bức xúc: “Tôi là fan Kpop, yêu Kpop nhiều năm nay rồi và đọc những dòng nói xấu tôi rất khó chịu. Đừng nói với cái giọng dễ làm người ta nghĩ yêu bóng đá là cao cả, là chân chính còn yêu Kpop thì đáng xấu hổ như thế. Đừng nói với tôi bạn chỉ không thích fan cuồng. Các bạn đang quy chụp cả cộng đồng fan chúng tôi rồi. Mà kể cả không đụng chạm thì bị đay nghiến mãi cũng phải chột dạ. Các bạn nói ác lắm”.
Thành viên Hú Bé Ú đặt ra câu hỏi để lật lại vấn đề: “Fan bóng đá chân chính liệu có rảnh đi so sánh và ghét bỏ fan Kpop hay không?”.
Đâu là thần tượng đúng nghĩa?
Trước sự mâu thuẫn giữa hai bên, không ít người đặt ra câu hỏi: Đâu mới là niềm đam mê đích thực? Đâu mới là cổ động viên đúng nghĩa? Bởi vì họ đều có những cảm xúc cực điểm khi gặp thần tượng và cùng theo đuổi niềm đam mê của mình.
Nhiều thành viên của fan Kpop nhận định: Mọi người đã quá quy chụp khi cứ nghĩ đến nhạc Hàn Quốc là cho rằng xấu. Những người phát cuồng, làm xấu cả bộ mặt fan Kpop như khóc lóc, liếm ghế, la hét thì ngay cả bản thân cộng đồng fan cũng không hề ủng hộ. Một con sâu làm rầu nồi canh mà thôi, vì vậy không nên so sánh khập khiễng.
Một fan Arsenal chia sẻ quan điểm của mình về thần tượng. |
Thành viên Hằng ĐT, một fan của nhạc Hàn Quốc bày tỏ về quyền thần tượng của mỗi người: “Chúng tôi đều là những học sinh, thanh niên thuộc phái nữ. Chúng tôi không thực sự mạnh mẽ, và đấy có phải là lí do chúng tôi đi đâu cũng bị kì thị mà không thể làm gì? Chúng tôi yêu thích Kpop và fan bóng đá có niềm đam mê riêng của các bạn. Ở cả hai bên đều có cái tốt và chưa tốt, có fan xấu và fan chân chính. Nó thuộc về bản chất con người không thể đánh đồng được. Ai cũng yêu quý thần tượng, chỉ là cách thể hiện khác nhau”.
Bạn Nguyễn Thanh cũng cho rằng không nên so sánh giữa hai bên hâm mộ: “Tất cả cũng chỉ là đam mê thôi. Đừng chê Kpop rẻ tiền cũng đừng chê fan bóng đá. Cái nào thì cũng có niềm vui riêng của nó. Fan Kpop chưa chắc tốt, fan bóng đá cũng vậy. Đừng so sánh”.
Nhiều thành viên khác chỉ ra những mặt tốt của cả hai bên: Cầu thủ bóng đá hoàn cảnh khó khăn tự mình vươn lên, thì Kpop cũng có những người mười mấy tuổi đã tự kiếm tiền để theo đuổi sự nghiệp.
Qua câu chuyện này, nhiều người nhớ lại đề thi Văn khối D năm 2012 như một lần nữa thức tỉnh quan niệm về thần tượng trong giới trẻ. Đề Văn như sau: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa".
huỳnh anh
Theo Infonet