Mới đây, trang Sports DongA, Hàn Quốc, đã đăng tải bài viết nói về nỗi khổ trớ trêu khi sao Hàn sở hữu lượng lớn người hâm mộ thuộc lứa tuổi cấp 2. Theo bài báo, một số nhóm nhạc thần tượng đặc biệt được các em học sinh cấp 2 yêu thích, như BEAST, B1A4.
Tuy nhiên, bộ phận fan nói trên không mang lại lợi ích đáng kể cho các sao. Mặc dù lòng hâm mộ giúp tên tuổi của nhóm được biết đến, fan lại quá trẻ để có khả năng biến sự nổi tiếng đó thành dạng “quyền lực” khác, như quyền lực bán đĩa, vé concert hay kinh doanh sản phẩm lưu niệm... Tất nhiên, số người hâm mộ non trẻ sẽ dần trưởng thành và có khả năng tiêu tiền nhiều hơn trong tương lai.
Nhóm BEAST. |
Thậm chí, ở Hàn Quốc, fan “người lớn” cũng không muốn nghệ sĩ mình yêu thích được biết đến với danh hiệu “thần tượng của học sinh cấp 2”. Đôi lúc, cư dân mạng còn tiến hành những chiến dịch online nhằm xóa bỏ hình tượng đó.
Nhóm Wonder Girls từng có chiến lược phát triển rất rõ ràng, nhắm vào đối tượng khán giả theo độ tuổi là “thế hệ thanh thiếu niên” ở Mỹ. TVXQ, nhóm nhạc thành lập từ năm 2003, từng than thở vì gần như vô danh đối với hầu hết lứa học sinh nhỏ tuổi, do mỗi năm thần tượng trẻ mọc lên như nấm sau mưa. Để bù lại, TVXQ sở hữu lượng fan lớn tuổi trung thành, những người giúp các “Vị thần phương Đông” liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng doanh số bán đĩa, lập kỷ lục bán vé đi tour...
Bài báo của Sports DongA phản ánh hiện tượng phong trào thần tượng Kpop vẫn phát triển mạnh mẽ tại Hàn Quốc nói riêng, cuốn hút nhiều thế hệ khán giả trẻ. Nhưng cách viết mô tả người hâm mộ như “cỗ máy chi tiền”, mang lại lợi nhuận cho sao cũng khiến fan phật lòng.