Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Fanpage 'Sài Gòn Của Tôi' bị chỉ trích vì cổ súy quấy rối tình dục

Sự việc trang "Sài Gòn Của Tôi" khuyến khích nữ giới im lặng khi được đàn ông chọc ghẹo ngoài đường đang nhận nhiều phản ứng tiêu cực.

Ngày 1/1, fanpage Sài Gòn Của Tôi đăng tải một bài viết với tiêu đề “Làm thế nào để trở nên dễ thương” hướng đến đối tượng nữ giới.

Một trong 10 lời khuyên của tác giả bài đăng là: “Đi ngoài đường được trai chọc ghẹo thì nên cười mỉm và cúi mặt thẹn thùng, chứ đừng chửi lại nữa”.

Sai Gon Cua Toi quay roi tinh duc anh 1

Trích nội dung bài đăng của trang Sài Gòn Của Tôi. Ảnh: Be The Change Vietnam.

Bài đăng nhanh chóng nhận được phản ứng trái chiều từ phía cộng đồng mạng. Nhiều ý kiến cho rằng đội ngũ quản lý trang tin đang cổ súy cho hành động quấy rối tình dục phụ nữ bằng lời nói dưới hình thức “chọc ghẹo”.

“Fanpage lớn mà làm ăn tệ hại. Ai lại đem việc quấy rối tình dục nữ giới ra để bỡn cợt như vậy”, một bạn nữ tên Nhi Mai để lại bình luận.

Tài khoản Hanh Nguyen chia sẻ: "Xã hội ngày một tiến bộ rồi mà vẫn còn giữ những tư duy tụt lùi như bài viết bên Sài Gòn Của Tôi thì thật không thể chấp nhận được".

“Làm ơn đừng lấy tên trang là Sài Gòn mà nói những chuyện không đâu, làm xấu mặt người sống ở thành phố”, trích bình luận của tài khoản Ann Wolf dưới bài đăng.

Be The Change Vietnam, một chiến dịch bảo vệ nạn nhân bị xâm hại tình dục tại Việt Nam, khẳng định: "Đây là một thông điệp vô cùng nguy hiểm, không chỉ vì nó đang bình thường hoá và dung túng cho hành vi quấy rối tình dục, mà còn khuyến khích nạn nhân giữ im lặng trước hành vi này.

Ngoài ra, những thông điệp xem nhẹ quấy rối tình dục như trên có thể ảnh hưởng đến cách nhìn nhận quấy rối tình dục của đối tượng khán giả trẻ tuổi, hay những cá nhân thiếu hiểu biết về quấy rối tình dục".

"Quấy rối tình dục bằng lời nói ở nơi công cộng thường được xem là 'chọc ghẹo'. Cụm từ này hoàn toàn không thể hiện được tính nghiêm trọng của hành vi quấy rối tình dục, từ đó bình thường hóa hành vi phạm pháp trên. Đồng thời, xem nhẹ quấy rối tình dục bằng lời nói cũng phủ nhận những hậu quả về mặt tâm lý mà nạn nhân phải chịu", đại diện chiến dịch chia sẻ thêm.

Sai Gon Cua Toi quay roi tinh duc anh 2

Thông điệp sai lệch trên mạng xã hội vô tình cổ súy cho hành vi quấy rối tình dục phụ nữ ngoài đời. Ảnh: People Of Asia.

Trước sự phản đối gay gắt, trang Sài Gòn Của Tôi đã xóa bài đăng gây tranh cãi trên. Tuy nhiên, đội ngũ quản lý trang tin chưa đưa ra lời xin lỗi tới độc giả, cũng như đính chính thông điệp sai lệch.

Trong các nghiên cứu gần đây của ActionAid tại Việt Nam, từ 67% (số liệu năm 2016) đến 87% (số liệu năm 2014) phụ nữ và trẻ em gái đã ít nhất bị một lần quấy rối ở nơi công cộng. Quan trọng hơn, 2/3 những người chứng kiến (67%) sự việc không làm gì cả.

Nói với Zing, bà Hoàng Phương Thảo, Trưởng Đại diện ActionAid Việt Nam, cho biết vấn đề này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do phần lớn những người chứng kiến cho rằng chỉ khi có hiếp dâm thì mới là quấy rối hoặc là con gái/phụ nữ thì chắc chắn là phải vui vì có người “trêu”.

Sai Gon Cua Toi quay roi tinh duc anh 3

Phụ nữ trở thành nạn nhân quấy rối tình dục do nhiều quan điểm sai lệch còn tồn tại trong xã hội. Ảnh: Shutterstock.

"Các quan điểm sai lệch về việc ‘làm hoa cho người ta hái, làm gái cho người ta trêu’ hay quan điểm về việc ‘sức mạnh của đàn ông đích thực được thể hiện qua khả năng tình dục của người đó’ còn rất phổ biến trong nhiều gia đình, nhiều tầng lớp trong xã hội làm cho khái niệm ‘quấy rối tình dục’ trở nên khá xa vời", bà Thảo nhận định.

Bà kết luận: “Những hành vi quấy rối tình dục không bị xã hội lên án, không có hình phạt thích đáng cho kẻ quấy rối, người lên tiếng bị kỳ thị, gia đình họ bị áp lực của xã hội là những nguyên nhân chính làm cho tình trạng quấy rối tình dục nơi công cộng ngày càng trở nên ‘bình thường’ trong xã hội chúng ta”.

Sau gần 3 năm thành lập, trang Sài Gòn Của Tôi có hơn 679.000 người theo dõi. Nội dung chủ yếu xoay quanh các tin tức liên quan đến TP.HCM, cũng như các hoạt động, đời sống của giới trẻ.

Trước đó, năm 2018, khi những hình ảnh đầu tiên của tàu điện ngầm metro Bến Thành - Suối Tiên xuất hiện, một trang có tên Sài Gòn News - Sài Gòn Của Tôi từng có những bình luận khiếm nhã, đem nỗi sợ hãi bị quấy rối trên phương tiện công cộng của phụ nữ ra làm trò đùa.

Cụ thể, fanpage sử dụng hình ảnh của phim người lớn Nhật Bản nhằm ám chỉ những hành vi đồi bại mà nam giới muốn thực hiện một khi tuyến metro được đưa vào hoạt động.

Luật '30 ngày hòa giải' mới được ly hôn ở Trung Quốc

Các cặp vợ chồng ly hôn phải có sự đồng thuận từ cả 2 phía, đồng thời trải qua một giai đoạn “hòa giải” trong 30 ngày trước khi chính thức chia tay.

Hồng Chang

Bạn có thể quan tâm