Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

FIFA lại đột phá với luật nghỉ giữa hiệp 'Cooling Break'

Nhằm tránh cho các cầu thủ bị kiệt sức dưới cái nóng gay gắt tại Brazil, FIFA lần đầu tiên trong lịch sử áp dụng luật “Cooling Break” ở trận đấu giữa Hà Lan và Mexico.

Phút 30 hiệp 1 trận đấu giữa Hà Lan và Mexico, khán giả xem truyền hình cũng như phần đông các CĐV có mặt tại SVĐ Castelao khá ngạc nhiên khi trọng tài chính Pedro Proenca đột nhiên cắt còi, cho cầu thủ hai đội ra sân nghỉ ngơi tiếp nước. Điều này một lần nữa xảy ra ở phút thứ 30 của hiệp 2. Vậy tại sao trong một trận đấu bóng đá lại diễn ra quãng nghỉ giữa hiệp chưa từng có tiền lệ như thế?

Luật mới "Cool Break" giúp các cầu thủ có thêm thời gian nghỉ ngơi, tiếp nước trong mỗi hiệp đấu. Ảnh: Getty Images

Câu trả lời nằm ở phán quyết mới đây của tòa án lao động Brazil. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho các cầu thủ tham dự World Cup 2014, tòa án lao động tại thủ đô Brasilia đã buộc FIFA phải ban hành luật “Cooling Break”. Cụ thể, nếu nhiệt độ trên sân vượt quá 32 độ C, trọng tài sẽ phải cho tạm dừng trận đấu ở phút 30 mỗi hiệp để các cầu thủ có quãng thời gian 3 phút để tiếp nước và nghỉ ngơi.

Ngoài ra, FIFA cũng sẽ phải chịu trách nhiệm công bố nhiệt độ cụ thể trong từng trận đấu thông qua các thiết bị đã được chứng nhận. Nếu không thực thi đúng quy định này, cơ quan quyền lực nhất của bóng đá thế giới sẽ phải nộp phạt 90.000 USD cho mỗi trận.

Với việc nhiệt độ trong trận đấu giữa Hà Lan và Mexico lên đến gần 39 độ C, thiết nghĩ, luật “Cooling Break” ra đời cũng tương đối hợp lý. Nhất là khi tại World Cup 2022 dự kiến được tổ chức tại Qatar, nền nhiệt độ như thiêu đốt (trong khoảng từ 30 đến 50 độ C) của quốc gia Trung Đông sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của các cầu thủ.

Nền nhiệt độ cao tại Brazil là thử thách không hề nhỏ dành cho các cầu thủ. Ảnh: Getty Images

Bên cạnh luật “Cooling Break”, World Cup 2014 cũng xuất hiện khá nhiều điểm mới trong công tác tổ chức của FIFA. Dễ nhận thấy nhất là việc áp dụng những công nghệ hiện đại như Goal-line (công nghệ xác định bàn thắng đã qua vạch vôi hay chưa), sơn xịt tự tiêu (để đánh dấu điểm sút phạt và cự ly hàng rào) hay chất lượng phát sóng video các trận đấu đạt ngưỡng phân giải 4k (mới chỉ áp dụng cho các trận đấu quan trọng).

Bàn thắng đầu tiên được xác định nhờ công nghệ Goal-line

Trọng tài Ricci là người đầu tiên áp dụng công nghệ Goal-line (xác định bàn thắng qua vạch vôi) trong trận đấu giữa Pháp và Honduras ở World Cup 2014.

 

Công nghệ vạch sơn tự hủy lần đầu áp dụng tại World Cup

Brazil đã áp dụng một trong những công nghệ mới nhất vào sân cỏ trong dịp World Cup 2014 khi cho phép trọng tài sử dụng “sơn thần kỳ” ngăn các cầu thủ gian lận cự ly hàng rào.

Thành Quảng

Bạn có thể quan tâm