Tuần qua, làng bóng đá thế giới xôn xao trước thông tin về mức phí chuyển nhượng thực của thương vụ Gareth Bale sang Real Madrid được tiết lộ. Theo đó, đội bóng Hoàng gia Tây Ban Nha phải bỏ ra hơn 100 triệu euro để sở hữu ngôi sao người xứ Wales, vượt trên giá trị của Ronaldo. Thông tin bị lộ khiến Real lo ngại về cơn sóng ngầm mới khi nội bộ đang tạm yên ổn.
Chỉ cách đấy vài ngày, Football Leaks công bố các điều khoản “bổ sung” trong bản hợp đồng kỷ lục của Martial có thể đẩy mức giá thực lên trên 50 triệu euro. Ngoài MU, có thêm đội bóng khác của thành Manchester là Man City cũng bị lộ thông tin.
Man xanh thông báo phí chuyển nhượng Mangala là 40 triệu euro nhưng thực tế lên tới 54 triệu euro. Xa hơn nữa, Football Leaks từng lật tẩy chiêu trò của Barcelona trong vụ chuyển nhượng Emmanuel Petit và Marc Overmars.
Thời điểm ấy, Barca tuyên bố trả cho Arsenal 8,7 triệu peseta (đơn vị tiền tệ cũ của Tây Ban Nha), trong khi Arsenal ban đầu tuyên bố họ chỉ nhận có 7,3 triệu peseta. Chính khoản thâm hụt này đã khiến một thành viên trong BLĐ Barcelona mua lại một lượng cổ phiếu của Arsenal để khớp hai con số trên báo giới lại với nhau.
Thương vụ Gareth Bale là quả bom mới nhất được Football Leaks kích hoạt. Ảnh: AP. |
Các thông tin trên và hơn thế nữa, được công bố trên Football Leaks. Công chúng hứng thú và phấn khích, đối lập với sự tức giận và lo lắng của CLB, cầu thủ và các tay cò. Football Leaks, cho đến giờ, vẫn mang sắc thái đậm màu bí hiểm.
Football Leaks gợi nhớ và được coi là phiên bản bóng đá của WikiLeaks đình đám một thời do Julian Assange sáng lập. WikiLeaks phanh phui bí mật chính trị, chiến tranh, gián điệp, tham nhũng khiến những người có liên quan điêu đứng. Football Leaks phơi bày sự gian dối trong các thương vụ chuyển nhượng đình đám.
Tôn chỉ hoạt động của Football Leaks là “không ngừng tìm kiếm và theo đuổi sự thật”, nhằm mục tiêu thay đổi bóng đá thông qua áp lực từ công chúng. Danh tính của những người đứng sau tổ chức này cho đến nay vẫn bí ẩn. Những gì số ít công chúng biết chỉ là tổ chức này đặt trụ sở tại Bồ Đào Nha và sử dụng máy chủ ở Nga. Ở “quê hương” của Football Leaks, cảnh sát đã liệt trang web này vào nhóm “tổ chức tội phạm quốc tế”.
Động cơ ban đầu của Football Leaks là lật tẩy các thương vụ liên quan đến sở hữu bên thứ 3 (Third Party Ownership – TPO) đặc sản chuyển nhượng của bóng đá Nam Mỹ, Bồ Đào Nha và Italy... đã bị FIFA cấm tiệt từ cách đây vài năm.
Vì thế ban đầu chỉ có đường link truy cập tài liệu chuyển nhượng của các đội bóng như Sporting Lisbon, Porto và Boavista. Nhận thấy thành công của cách làm, Football Leaks quyết định “mở rộng mô hình” và gây tiếng vang lớn (hoặc trở thành cái gai phải nhổ).
Có nhiều bằng chứng về sức ảnh hưởng ngày càng mạnh mẽ của Football Leaks. Họ từng gián tiếp khiến FC Twente (Hà Lan) bị cấm cửa. Theo đó, đội bóng này được tâp đoàn Doyen Sports bơm 4 triệu bảng núp bóng danh nghĩa “tài trợ áo đấu” để đổi lấy quyền sở hữu của 5 cầu thủ, trong đó có Dusan Tadic của Southampton chơi rất hay mùa trước. Tức là điều này vi phạm luật cấm sở hữu bên thứ ba.
Khi Dusan Tadic chuyển đến Southampton với giá 10,3 triệu bảng, thông qua tài liệu bị Football Leaks công bố, FC Twente đã bị cấm thi đấu trên đấu trường châu Âu trong ba năm, đồng thời nộp phạt 42.520 euro.
Về phần Doyen, tập đoàn này không phủ nhận thông tin bị rò rỉ là sai sự thật nhưng tuyên bố một số thông tin bị “phóng đại”. Doyen cho rằng Football Leaks đã tiến hành cuộc tấn công máy chủ của họ, đồng thời đe dọa nhân viên của Doyen để moi móc thông tin.
Sự thật về thương vụ Martial cũng bị tiết lộ. Ảnh: Getty. |
Jonathan Barnett, Giám đốc của công ty đại diện Gareth Bale công khai căm thù Football Leaks: “Cần có một cuộc điều tra độc lập với những người công bố thông tin. Đây là sự xúc phạm đối với cầu thủ, câu lạc bộ và các nhà môi giới”. Sự tức giận của ông Barnett là tâm trạng chung của những người chịu tác động tiêu cực từ tài liệu bị rò rỉ.
Tuy nhiên với giới quan sát và người hâm mộ vốn dĩ không ngừng mong mỏi và kêu gọi làm trong sạch thế giới bóng đá, mô hình các tổ chức kiểu Football Leaks có lẽ cần được nhân rộng hơn nữa.
Đích thân ông Mark Goddard, phụ trách hệ thống chuyển nhượng của FIFA (TMS) “ngầm” khen ngợi Football Leaks: “Họ chơi không đẹp khi phơi bày bí mật chuyển nhượng nhưng với chúng tôi thì những thông tin này rất hữu ích.”
Thật vậy, ngoài vụ FC Twente nêu trên, tài liệu của Football Leaks là cơ sở để FIFA tiến hành điều tra thương vụ Mangala sang Man City, tranh chấp giữa Sporting Lisbon với Doyen Sport trong thương vụ chuyển nhượng Marcos Rojo sang MU và nhiều thương vụ mờ ám khác nữa.
Sau khi Real và Atletico Madrid bị cấm chuyển nhượng, bóng đá Anh cũng đứng trước đe dọa cấm chuyển nhượng và người ta đang chờ đợi Football Leaks sẽ công bố tài liệu bất ngờ nào tiếp theo. Về phía Football Leaks, họ tuyên bố rằng tất cả mới chỉ là khởi đầu.