TS. Lý Quí Trung là cựu sinh viên xuất sắc của Đại học Western Sydney, tốt nghiệp cử nhân Quản trị nhà hàng - khách sạn năm 1994. Ông Trung được biết đến như một doanh nhân tiêu biểu trong ngành quản trị kinh doanh và nhà hàng - khách sạn quốc tế. Ông cũng là nhà sáng lập chuỗi cửa hàng Phở 24.
GS. Yi-Chen Lan, Phó hiệu trưởng Đại học Western Sydney nhấn mạnh, với vai trò cố vấn danh dự cấp cao, TS Lý Quí Trung sẽ đề ra giải pháp chiến lược cho hiệu trưởng, nhằm hỗ trợ phát triển sáng kiến trung tâm giáo dục của Đại học Western Sydney tại Đông Nam Á (Western Sydney ASEAN Hub). Đây là dự án hợp tác của Đại học Western Sydney với Đại học Kinh tế TP.HCM thông qua Viện ISB, tạo cơ hội cho các bạn trẻ Đông Nam Á muốn trải nghiệm giáo dục phương Tây với chương trình học ngay tại Việt Nam.
- Chức danh cố vấn cao cấp của Đại học Western Sydney có ý nghĩa thế nào với ông?
- Đây là lần đầu tiên tôi đảm nhiệm vị trí chính thức ở cấp độ quản lý để có thể đóng góp nhiều hơn cho trường và giáo dục Việt Nam. Cố vấn danh dự cấp cao là vị trí cao, với vai trò lớn hơn, được làm việc trực tiếp với lãnh đạo cấp cao của trường.
Tôi cảm nhận được sự trân trọng của Đại học Western Sydney dành cho mình. Mới đây trong lễ kỷ niệm 30 năm thành lập trường, ngoài ban giám hiệu và các khách mời danh dự, tôi được trường ưu ái mời chia sẻ cảm nghĩ. Lúc đó thật xúc động bởi buổi lễ có đến hàng nghìn sinh viên, cựu sinh viên từ khắp nơi trên thế giới. Ngoài ra, trường cũng hỏi xin ý kiến của tôi và nhiều chuyên gia khác cho đường lối phát triển của khoa hay nhiều vấn đề quan trọng.
TS Lý Quí Trung được bổ nhiệm vị trí cố vấn cao cấp cho Đại học Western Sydney. |
- Theo ông, vì sao Đại học Western Sydney lại chọn mình vào vị trí này?
- Tôi nghĩ, khi trường bổ nhiệm mình làm cố vấn danh dự cấp cao là họ xem mình như đại sứ thương hiệu, hình mẫu cho nhiều sinh viên không chỉ ở Việt Nam mà là một cựu sinh viên của Đại học Western Sydney trở về cống hiến cho trường.
Ngoài ra, tôi nghĩ họ cũng thích những ý tưởng giúp phát triển giáo dục, đặc biệt kết nối Australia và Việt Nam của tôi. Dường như đây là “cuộc hôn nhân” tự nhiên giữa một người muốn đóng góp cho quê hương và một ngôi trường muốn truyền đi những thông điệp giáo dục ở Việt Nam nói riêng và cả Đông Nam Á nói chung.
- Qua những gì ông nói, dường như công việc sắp tới rất nặng nề. Ông nghĩ mình có thể làm được những gì trên cương vị mới?
- Cố vấn danh dự cấp cao tại đại học lớn ở Australia cho tôi cơ hội giúp các bạn trẻ Việt Nam được tiếp cận với nền giáo dục của quốc gia này. Tôi từng du học ở đây nên biết những điểm mạnh trong nền giáo dục tiên tiến này.
Trước mắt, tôi sẽ thúc đẩy các chương trình giao lưu, trao đổi, đưa những giáo sư đầu ngành về nhiều lĩnh vực ở Australia nói chung và Đại học Western Sydney nói riêng đến Việt Nam, để nói chuyện học thuật và truyền cảm hứng cho học sinh, sinh viên.
Kế đến là dự án thành lập trung tâm giáo dục của Đại học Western Sydney tại Đông Nam Á (Western Sydney ASEAN Hub), hợp tác giữa Đại học Western Sydney và Đại học Kinh tế TP.HCM. Đây sẽ là cửa ngõ cho nhiều bạn trẻ châu Á đến với nền giáo dục hiện đại của Australia thông qua các chương trình đào tạo tại TP.HCM. Trong thời gian tới, hai bên sẽ đẩy mạnh dự án này.
TS Lý Quí Trung (bên trái) cùng GS Peter Shergold AC, Hiệu trưởng Đại học Western Sydney. |
Cuối cùng là mong muốn của tôi về một trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho sinh viên, đặc biệt là các bạn theo học Đại học Kinh tế TP.HCM. Như bên Đại học Western Sydney, trung tâm này khá hoành tráng, đầy đủ trang thiết bị, mỗi tuần đều tổ chức những buổi tập huấn cho sinh viên đang có những ý tưởng mới.
Theo tôi, mô hình này khi được triển khai mạnh mẽ ở Việt Nam sẽ kích thích sáng tạo của nhiều bạn trẻ, bởi sinh viên Việt Nam rất tài năng. Từ trung tâm này, các bạn ở Việt Nam và Australia có thể giao lưu, hỗ trợ hoặc trao đổi kinh nghiệm với nhau.
- Thời gian du học có nghĩa như thế nào với sự nghiệp hiện tại của ông?
- Tôi đi học trễ, đến 24 tuổi mới bắt đầu học đại học. Những năm 1990, du học ở các nước tư bản còn nhiều khó khăn nhưng tôi may mắn được Đại học Western Sydney nhận. Sau khi hoàn thành bậc cử nhân, tôi tiếp tục học MBA.
Nhờ thời gian du học, tôi cảm nhận mình giỏi hơn. Tôi có cơ hội đào sâu kiến thức về quản trị kinh doanh, hiểu hơn về thị trường và văn hóa các quốc gia. Thực tế, không phải lúc nào du học hay có bằng MBA cũng thành công. Tuy nhiên, chúng lại cho bạn những lợi thế lớn, giống việc bạn có những vũ khí tốt hơn khi ra trận. Khi vũ khí càng đầy đủ, cơ hội chiến thắng của bạn càng cao.
Chiến dịch “Giải cứu giấc mơ du học” mở đầu bằng hội thảo online “Giải cứu giấc mơ du học thời Covid-19 dưới góc nhìn của TS. Lý Quí Trung”. Diễn giả là TS Lý Quí Trung - đồng sáng lập Phở 24, giáo sư thỉnh giảng và cố vấn cao cấp tại Đại học Western Sydney, Australia, thuyết trình và TS Phạm Anh Khôi - giảng viên tại Parramatta Campus thuộc Đại học Western Sydney, Australia.
Hội thảo diễn ra vào 20h ngày 15/7 dưới hình thức live webinar. Độc giả đăng ký tư vấn và tham dự hội thảo trực tuyến tại đây.
Bình luận