Năm 1998, lúc Jason Statham vẫn đang hành nghề bán nước hoa giả ở thị trường chợ đen, đạo diễn “Quentin Tarantino xứ sương mù” Guy Ritchie đã nhận ra khả năng diễn xuất của anh. Nhờ tham gia hai dự án đình đám do vị đạo diễn này cầm trịch là Lock, Stock and Two Smoking Barrels (1988) và Snatch (2000), nam tài tử nhanh chóng được biết đến, trở thành ngôi sao hành động đắt giá bậc nhất.
Do đó, Wrath of Man (tựa Việt hóa: Cơn thịnh nộ chết người/Gã điên báo thù), tác phẩm đánh dấu lần tái hợp giữa hai cái tên ấy sau hơn 16 năm, khiến cộng đồng yêu điện ảnh hết sức tò mò.
Bối cảnh mới lạ, câu chuyện báo thù hấp dẫn
Chuyện phim xoay quanh H (Jason Statham), tay nhân viên an ninh “cứng cựa” tại dịch vụ vận chuyển tiền mặt Fortico. Dù mới thử việc, anh ta sớm gây tiếng vang khi bảo vệ xe chở tiền khỏi lũ cướp táo tợn, cũng như tự tay tiêu diệt toàn bộ bọn chúng. Tuy nhiên, mọi người nơi công ty đều không biết rằng H vào đây hòng tìm kiếm kẻ đã sát hại con trai mình.
H (Jason Statham) vào vai người cha nung nấu báo thù cho con. |
Với bối cảnh thú vị, hiếm được khai thác qua phim ảnh, tác phẩm hé lộ môi trường khắt khe, đầy rẫy thủ tục lẫn nguyên tắc của nghề chuyên chở hàng hóa cao cấp.
Chắc hẳn, không ít khán giả từng nghĩ đây là công việc nhẹ nhàng, lương cao do chỉ cần ngồi yên trong cỗ xe bọc thép kiên cố. Thế nhưng, Wrath of Man sẽ làm họ thay đổi quan điểm, vì mỗi phút trôi đi trên chiếc xe đều căng tựa dây đàn, như câu thoại: “Chúng ta đâu phải kẻ đi săn, chúng ta là con mồi”. Nguy hiểm luôn rình rập “cái két di động” ở khắp mọi ngõ ngách. Và nếu chúng đột ngột ập tới, nhóm nhân viên áp tải thường dễ rơi vào tình thế bị động.
Chẳng có thời gian để lên kế hoạch tác chiến, họ phải xoay sở trong khoảng không gian tù túng, chật hẹp. Chưa kể, với kế hoạch bài bản kết hợp cùng “đồ chơi” công nghệ tân tiến, các băng cướp trong phim dễ dàng đánh úp đội vận chuyển, phá vỡ cửa thép hoặc buộc những ai còn cố thủ phải tháo chạy khỏi xe.
Phim khai thác đề tài và bối cảnh mới lạ. |
Dẫu sở hữu cốt truyện dễ nắm bắt, tuy nhiên dưới bàn tay sắp đặt tài tình từ đạo diễn Guy Ritchie, Wrath of Man vẫn thừa sức mang đến nhiều cú lật (twist) gây sốc. Đơn cử, phim đánh lừa khán giả khi xây dựng nam chính H thoạt đầu trông chẳng khác nào bậc anh hùng trượng nghĩa, để rồi lại làm tất cả ngã ngửa bởi sự thật động trời về gã đàn ông trung niên này lẫn phe phản diện.
Khác hẳn mô-típ người hùng báo thù thường thấy, hành trình H trả món nợ máu khiến người xem vừa hoang mang mà cũng thích thú. Khán giả không biết liệu nên thương cảm hay thoải mái bật cười trước tình cảnh éo le, độc nhất vô nhị của hắn.
Nét chấm phá khác biệt của Guy Ritchie
Được giới phê bình mệnh danh là “Quentin Tarantino xứ sương mù”, Guy Ritchie nổi tiếng bởi lối dẫn chuyện phi tuyến tính và gu hành động bạo lực, máu me tương tự vị quái kiệt Kill Bill. Nếu yêu thích dòng phim tội phạm đặc sệt chất Anh của ông, bạn sẽ thấy Wrath of Man cũng không nằm ngoài “công thức” trên.
Phim mang đậm chất Guy Ritchie. |
Sử dụng kết cấu chương hồi, tác phẩm lần lượt kể những mẩu chuyện có mốc thời gian cùng tuyến nhân vật tưởng chừng chẳng hề ăn nhập. Thú vị ở chỗ, càng về sau, chúng dần giao thoa tại một điểm, từ đấy dẫn đến chuỗi sự kiện gay cấn rồi đạt đỉnh điểm bằng bữa tiệc hành động máu me, bạo lực.
Ấy vậy, khi so với các tác phẩm trước đây của Guy Ritchie, cách dẫn dắt nội dung nơi Wrath of Man dễ nắm bắt hơn. Mỗi chương phim cũng sở hữu màu sắc riêng từ hành động thuần tuý, băng đảng tội phạm cho đến đạo chích.
Vì nhấn mạnh chủ đề báo thù, đứa con tinh thần mới nhất của Guy Ritchie đã tiết chế nhiều yếu tố giúp ông làm nên tên tuổi. Đó là phong cách dựng phim giàu tính giải trí, đầy năng lượng, sử dụng hàng loạt cảnh cắt nhanh, lời thoại dày đặc nhưng hài hước, ẩn chứa hàm ý châm biếm cùng những bộ trang phục tôn vinh vẻ đẹp nam tính, lịch lãm.
Wrath of Man mang không khí nặng nề. |
Xuyên suốt gần 2 tiếng thời lượng Wrath of Man, Guy Ritchie tập trung khắc họa bầu không khí nặng nề, căng thẳng. Mặc dù mang màu sắc u ám và tạo cảm giác ngột ngạt, không khí bộ phim lại góp phần lột tả chính xác nội tâm nam chính lúc bấy giờ: Ngập tràn phẫn nộ.
Không dồn dập, hỗn loạn hay đạn văng tung tóe giống mấy trận giao tranh giữa đám băng đảng đường phố, các pha đấu súng ở tác phẩm lần này thiên về sự chuẩn xác và đề cao tính chiến thuật. Bởi lẽ, cả H lẫn phe phản diện đều là những xạ thủ được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, mức độ bạo lực của chúng vẫn khá “nặng đô”, đảm bảo sẽ làm thỏa lòng các fan trung thành.
Nếu yêu thích thể loại hành động, đây là một tác phẩm điện ảnh đáng để thưởng thức không chỉ trên màn ảnh rộng mà ngay tại nhà trong dịp lễ này. Wrath of Man (tựa Việt hóa: Cơn thịnh nộ chết người) đã có mặt trên FPT Play với phụ đề đầy đủ. Bạn đọc tải ứng dụng FPT Play và đăng ký gói MAX/VIP để theo dõi.
Bình luận