Sau khi tốt nghiệp đại học năm 2022, Tạ Thị Thùy (23 tuổi) liên tục đổi chỗ ở để trải nghiệm môi trường sống khác nhau. Cô từng lên Sa Pa ở 3 tháng, đến Cà Mau xin ở farmstay 10 ngày, lưu lại Đà Lạt nửa tháng, sống tại Tà Xùa nửa năm và ra đảo Phú Quý 2 tuần.
Là freelancer (người làm tự do), Thùy luôn trong tâm thế sẵn sàng di chuyển với chiếc balo đựng vài bộ đồ, vật dụng cơ bản.
Trước khi trở lại Tà Xùa cách đây một tuần, Thùy về quê ở Thái Nguyên thăm gia đình. Tuy nhiên, ở được 2 ngày, cô vội vã đi ngay.
“Nhà tôi ở khu vực công nghiệp, mùa hè rất nóng bức, thời tiết không được mát mẻ như ở Sa Pa hay Tà Xùa nên phải bật điều hòa. Gần 2 năm không dùng máy lạnh, tôi cảm thấy khá khó chịu. Hơn nữa, lịch cắt điện luân phiên khiến công việc chủ yếu làm online của tôi bị gián đoạn".
Theo Thùy, nhiệt độ ở Tà Xùa hiện tại thường dao động 18-20 độ C, có hôm xuống 16 độ C và khi cao nhất cũng chỉ 25 độ C. Cũng vì khí hậu mát mẻ, nhiều người làm công việc tự do như cô từ phố lên rừng “trốn nóng” cả tháng.
Số khác lại chọn ra biển hoặc đảo cũng để tránh tiết trời oi bức làm giảm năng suất làm việc.
Lên rừng, ra đảo
Vào mùa hè, Thùy ưu tiên chọn ở những nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, chủ yếu là người dân bản địa sống.
Nhận thấy nhiều người có nhu cầu, đặc biệt là freelancer ở thành phố lớn, không ít homestay, trang trại ở vùng núi như Sa Pa, Tà Xùa tiếp nhận tình nguyện viên đến trải nghiệm, tránh nóng.
Thùy thích sống và làm việc ở nơi có khí hậu mát mẻ, trong lành, đặc biệt vào mùa hè. |
“Tùy vào mong muốn và trao đổi với chủ nhà, tình nguyện viên có thể được miễn phí ăn, ở bằng cách giúp làm vườn, trồng cây,... vài tiếng mỗi ngày.
Một số homestay mới đi vào hoạt động cũng mời mọi người đến ở trải nghiệm, đóng góp ý tưởng để xây dựng thêm. Ai muốn nghỉ ngơi có thể thuê phòng ở theo tháng với chi phí khoảng 2,5 triệu đồng đã bao gồm điện, nước, ăn uống”, Thùy cho hay.
Theo cô gái 23 tuổi, chi tiêu tốn kém hay không tùy vào số tiền mỗi người bỏ ra cho các khoản sinh hoạt. Như trường hợp của cô, có khi cả tháng không cần tiêu gì.
Vừa trở về từ Phú Quý, Thùy nhận thấy ở đảo có xu hướng “cháy phòng” do freelancer thích tới đây hơn là vùng núi. Vào thời điểm nắng nóng gay gắt nhất trong ngày, nhiều người rủ nhau ra quán cà phê ngồi làm việc hoặc đi lặn biển, bắt cá.
“Không chỉ freelancer, tôi gặp nhiều bạn là dân văn phòng sẵn sàng xin nghỉ 1-2 tuần để lên rừng, xuống biển hay ra đảo sống trải nghiệm”, cô nói.
“Sốc nhiệt” là cảm giác của Thanh Hiền (23 tuổi), hiện là freelancer mảng marketing về du lịch, khi từ Sa Pa trở lại Hà Nội. Tình cờ có cơ hội lên đây gặp vài khách hàng, cô không muốn về.
“Ban ngày ở Sa Pa cũng nắng, nhưng không gắt như dưới thành phố. Ban đêm, tôi còn phải khoác thêm áo. Tôi dự định thuê phòng ở lâu dài, nhưng vướng việc nên chỉ có thể đi những chuyến 1-2 tuần”, cô kể.
Thanh Hiền nhận thấy hiệu quả công việc tăng lên khi được tự do lựa chọn nơi làm việc. |
Hiền chọn lưu trú lại homestay có chương trình cho dân freelancer. Đó là kiểu nơi ở tự vận hành, có chỗ nấu ăn riêng, đúng tính chất như ở nhà. Là khách quen, cô thường nhận được mức giá tốt và sự hỗ trợ nhiệt tình.
Ngày trước, Hiền cũng làm văn phòng 8 tiếng/ngày, 7 ngày/tuần. Với cô, mùa hè đi làm như cực hình vì tắc đường, đến được cơ quan người đẫm mồ hôi, không khác gì vừa đi tập thể dục.
Nhận thấy môi trường “đóng hộp” như vậy không phù hợp với người thích tự do, Hiền xin sếp làm việc theo hình thức hybrid (hỗn hợp), lên văn phòng 1-2 buổi/tuần. Dần dần, cô xin làm online hẳn để thỉnh thoảng được đi đâu đó xa, thay đổi không khí làm việc.
Thấy hiệu quả công việc tăng lên đáng kể, Hiền quyết định rẽ hướng làm freelancer.
Nếu có thể đi dài ngày, Hiền chọn đến homestay hoặc khu nghỉ vừa làm việc, vừa tránh nóng. Còn ở Hà Nội, cô thường đến quán cà phê gần nhà, yên tĩnh, không gian thoáng mát và nhiều cây xanh.
Động lực để kiếm tiền
Trong 2 năm sinh sống ở Đà Lạt, Mỹ Xuân (28 tuổi) và Kiến Quốc (25 tuổi), freelancer mảng chỉnh sửa video, từng gặp nhiều người làm công việc tự do lên đây tránh nóng vào mùa hè.
“Khi còn ở TP.HCM và làm công việc văn phòng, mỗi khi thời tiết quá nóng và ngột ngạt, hai đứa cũng ‘trốn’ lên Đà Lạt ở 1-2 tuần”, Quốc kể.
Đầu tháng 4, Xuân và Quốc quyết định lên đường đi xuyên Việt theo kiểu digital nomad (du mục kỹ thuật số). Hai người vừa xê dịch, vừa làm việc, mỗi nơi ở 1-2 tháng.
Sau TP.HCM và Vũng Tàu, Xuân và Quốc đang dừng chân ở đảo Phú Quý. Địa điểm làm việc của cả hai thường là quán cà phê, cũng có nhiều freelancer lui tới.
“Dù trời nóng hay không, đi cà phê làm việc vẫn là thói quen của chúng tôi vì môi trường thoải mái, phù hợp với người làm công việc sáng tạo", Xuân cho hay.
Với Xuân và Quốc, tính chất công việc làm tự do, online của freelancer là lợi thế lớn. Chỉ cần đảm bảo công việc, họ có thể xê dịch theo ý thích, dù là tới biển hay lên cao nguyên giải nhiệt mùa hè.
Mỹ Xuân và Kiến Quốc cho rằng việc được xê dịch khắp nơi để làm việc là lợi thế lớn của freelancer. |
Về phía Thanh Hiền, cô cho hay: “Freelancer có thể suốt ngày ngồi cà phê, đi du lịch và mọi người cho đó là tốn kém. Nhưng với tôi, được ‘tiêu tiền’ như vậy chính là động lực để kiếm tiền”.
Chính việc được đi khắp nơi và trải nghiệm nhiều giúp Hiền tăng hiệu quả làm việc đáng kể.
Dù vậy, cùng với sự tự do, Hiền cho rằng để theo được nghề freelancer lâu dài, mỗi người cần trang bị nhiều kỹ năng. Trong đó, tính kỷ luật luôn phải được đặt lên hàng đầu, kỹ năng quản lý chi tiêu và hành trình tự do tài chính cũng cần được tính toán.
“Mọi người nên đánh giá thật kỹ trước khi đưa ra quyết định, đừng chỉ nhìn thấy những thứ hào nhoáng người khác phô bày mà quyết định vội vàng. Ngành nghề nào cũng có những khó khăn riêng”, cô nói.
Còn theo Thùy, ý kiến cho rằng freelancer phải xê dịch để tránh nóng trong mùa hè là tốn kém hơn dân văn phòng có thể lên công ty ngồi máy lạnh cả ngày chưa thật sự đúng.
“Ở thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, chi phí thuê nhà, ăn uống đều đắt đỏ. Nếu đi lên rừng hay ra đảo sống, có lẽ tốn kém nhất là khoản di chuyển, còn tiền sinh hoạt sẽ rẻ hơn”, cô nói.
Thùy nhắn nhủ mọi người nếu có điều kiện, thời gian, sức khỏe và tiền bạc có thể đi xa dài ngày để trải nghiệm cuộc sống. Điều quan trọng là cần chuẩn bị tinh thần đón nhận mọi thứ, thay vì chỉ nhìn vào những review “màu hồng” trên mạng từ người khác dẫn đến thất vọng.
Chàng trai bỏ việc văn phòng đi viết sách
Từ năm 2014, khi tham gia một nhóm dành cho người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội, Lê Kiên Trung (sinh năm 1993, Hà Nội) tìm thấy những mẩu chuyện và các lưu ý du lịch Việt Nam khá thú vị. Đến năm 2016, anh viết cuốn sách đầu tiên của mình mang tên The Hanoi Digest. Khi trình bày ý tưởng với cấp trên và nói rằng muốn được nghỉ việc, Trung bất ngờ nhận được sự ủng hộ. Điều này càng thôi thúc Trung phát triển cẩm nang du lịch cho người nước ngoài hơn, không chỉ là Hà Nội mà còn là TP.HCM, Hội An, Ninh Bình,...