Vài dòng ngắn gọn đăng trên Facebook chúc mừng cho sản phẩm của mình cán mốc 1 triệu người dùng, Ngô Xuân Huy - cha đẻ của phần mềm Money Lover - tiện ích giúp quản lý chi tiêu cho người dùng smartphone, dường như chưa thoả mãn với cột mốc mới. "Gã IT" sinh năm 1990 vẫn giữ một tinh thần chiến binh như những ngày đầu, tập trung hết mức vào sản phẩm để chuẩn bị cho những thay đổi sắp tới.
Ba năm là một chặng đường dài với một ứng dụng di động Việt. Phần mềm của Huy và cộng sự không lên nhanh trên bảng xếp hạng như Flappy Bird, cũng chẳng kiếm được hàng chục triệu người dùng và phổ biến khắp Việt Nam như Zalo, nhưng câu chuyện của họ vẫn được giới khởi nghiệp công nghệ tại Việt Nam bàn tán. Nó như ví dụ để các nhà phát triển phần mềm hướng đến: Tập trung hết mức vào sản phẩm, mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng và được yêu mến.
Money Lover có mặt trên nhiều nền tảng. |
Tiện ích này ban đầu được được tạo ra từ chính nhu cầu của tác giả. Huy cho biết, những ngày đầu mới đi làm, quản lý chi tiêu là việc không dễ.
Xuất thân từ một lập trình viên, anh đã dùng qua hầu hết các ứng dụng quản lý tài chính cá nhân của nước ngoài, nhưng nhận ra chúng không phù hợp với người Việt. Bởi các tiện ích này thường liên kết với thẻ tín dụng, thẻ ngân hàng. Vào thời điểm đó (2011), đây là điều xa lạ và không phù hợp với thói quen của đa số người dùng trong nước.
Ngô Xuân Huy tự mày mò mất một tháng để tạo ra Money Lover, từ giao diện cho đến tính năng. Nhận được nhiều khích lệ từ bạn bè, lập trình viên trẻ đã đưa ứng dụng lên Google Play Store và nhanh chóng nhận được sự ủng hộ lẫn góp ý của người dùng từ nhiều quốc gia.
Ngô Xuân Huy (áo sọc trắng) cùng các thành viên phát triển ứng dụng Money Lover. Ảnh: NVCC. |
Thừa thắng xông lên, Huy tổ chức một nhóm khoảng 14 người để tập trung phát triển sản phẩm. Họ nhắm đến người dùng toàn cầu, đưa ứng dụng đến các nền tảng khác như iOS, Windows Phone.
Nói với Zing.vn, Huy cho rằng, "Có nhiều vấn đề khi khởi nghiệp công nghệ, chẳng hạn như quản lý con người, đội nhóm,.. Nhưng quan trọng nhất là mặt sản phẩm".
Là một công ty nhỏ làm về B2C (Business to Customer - thương mại điện tử giữa doanh nghiệp và khách hàng cá nhân), vấn đề của người dùng thường rất đặc thù. Nhóm phải quan sát và hiểu người dùng để cân nhắc có nên bổ sung các tính năng theo yêu cầu của họ hay không.
"Phải làm sao để cân bằng giữa độ dễ dùng của sản phẩm và những nhu cầu rất cụ thể của người dùng. Rất khó để thành một swiss knife (dao đa năng)", Xuân Huy chia sẻ.
Lập trình viên trẻ Ngô Xuân Huy. Ảnh: ActionVN. |
Sau khi trình làng ứng dụng miễn phí, họ thêm bản Premium. Ngoài ghi chép chi tiêu, thu nhập, thống kê,.. bản trả tiền 4,99 USD thêm các tiện ích cao cấp hơn.
Mình nghĩ sản phẩm nói chung và mobile nói riêng, lúc bắt đầu cần hiểu rõ vấn đề của khách hàng ở đâu, và tập trung giải quyết bài toán đó, áp dụng các mô hình lean canvas để giải quyết vấn đề đó, tránh tạo ra một sản phẩm không ai dùng.
Ngô Xuân Huy
Có giá thuộc hàng cao trên App Store, nhưng Money Lover vẫn có 2% người dùng trả tiền để mua phiên bản Plus (premium). Tiền từ ứng dụng trả phí, từ quảng cáo trên phiên bản miễn phí, từ bán icon trang trí,... giúp Xuân Huy và Zoo Studio có thêm vốn để tiếp tục tái đầu tư vào sản phẩm.
Sẽ trở thành ví thông minh
Ban đầu, Money Lover được thiết kế dành cho người Việt, nhưng qua ba năm phát triển, ứng dụng này có lượng người dùng ở nước ngoài cao hơn. Theo các thống kê từ các kho ứng dụng, người dùng Money Lover tại Mỹ chiếm 25%. Mỹ, Thái Lan, Việt Nam, Italy và Đức là 5 nước có lượng người dùng đông đảo nhất. Do đặc thù là thị trường lớn, phiên bản Money Lover dành cho thị trường Mỹ có thêm các thông tin về tài khoản ngân hàng.
Chia sẻ về những định hướng nâng cấp Money Lover, Ngô Xuân Huy cho biết, nhóm có ý định liên kết với các ngân hàng và các cổng thanh toán liên quan. Theo đó, phần mềm hỗ trợ cho thanh toán trực tuyến của người dùng khi mua vé xem phim, đặt khách sạn,... đồng thời cung cấp những phiếu mua hàng, phiếu giảm giá phù hợp với thói quen mua sắm, định mức chi tiêu của người dùng.