Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gã Tây lái xe trên đường mòn Hồ Chí Minh

Với chiếc Peugeot 3008 được cải tiến và mẫu xe đạp 60 năm tuổi, Jack Rix của Top Gear có những trải nghiệm thú vị trên đường Hồ Chí Minh lịch sử.

Zing.vn lược dịch bài viết của Jack Rix trên trang Top Gear về trải nghiệm của tác giả khi đi trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Tôi tỉnh giấc giữa đêm. Đồng hồ chỉ 2 giờ sáng.

Nhiệm vụ cấp bách nhất của tôi là tìm một bụi cây nào đó để "giải tỏa nỗi buồn".

Với tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, gắn chặt vào thành lều, tôi leo xuống cầu thang rút đung đưa bằng đôi tông lào trong bóng đêm. Hàng nghìn “sát thủ muỗi” chực chờ ăn mừng. Chưa hết, "đội quân đỉa" trong các ao tù nước đọng cũng sẵn sàng.

Anh bạn bản địa đi cùng đang tắm ở bờ sông thúc giục khiến tôi buộc phải đưa ra quyết định nhanh chóng. Tôi vớ lấy cái chai rỗng.

Những chiếc xe đạp đi qua hai cuộc chiến

Rắc rối của tôi hẳn có ai đó từng trải qua, ngay trên con đường này. Đây là đường mòn Hồ Chí Minh - ngõ tiếp tế từ Bắc vào Nam hình thành từ 1959. Nó được xem như một trong những thành tựu quân sự vĩ đại của thế kỷ 20. 

Tôi muốn hiểu một cách đầy đủ những ai đã tạo ra, duy trì cũng như sử dụng nó. Họ đã phải đối mặt với những điều kiện khắc nghiệt nào? Động lực nào thúc đẩy họ? Làm thế nào mà Miền Bắc đảm bảo khả năng viện trợ cho quân đội đủ ăn, có vũ khí để chiến đấu. Ngay khi họ đối mặt với những đợt ném bom dài hơi và dữ dội từ phía Mỹ? Những chiến dịch mà so với lượng bom mìn của chiến tranh Thế giới thứ 2 chỉ như một đốm lửa trại.

Bạn đồng hành cho chuyến đi của tôi là chiếc Peugeot 3008 được cải tiến, cùng mẫu xe đạp 60 năm tuổi cũng của thương hiệu xe Pháp. Còn chờ gì nữa, đến giờ học lịch sử rồi.

Như người Pháp trong những năm 50, quân đội Mỹ không giành được chiến thắng trước Việt Nam khi họ đều phải "đá" trên “sân khách” quá khắc nghiệt. Chiến thuật đánh phủ đầu của Mỹ phá sản. Đối thủ của họ là những người được thúc đẩy bởi ý chí tự do và độc lập. Những con người biết tận dụng lợi thế của môi trường như nhiệt độ, độ ẩm... ở các khu rừng rậm để di chuyển âm thầm bên trong, xuyên qua tất cả nhanh chóng.

Một cỗ máy quân sự hiện đại bậc nhất thế giới, tự tin biến kẻ thù của mình về thời đồ đá phải chạm trán bậc thầy ngụy trang và chiến tranh du kích.

Người Pháp của những năm 50 thế kỷ trước đã quá mệt mỏi, đến mức suy kiệt vì những cuộc nổi dậy liên tục của người dân Việt Nam. Hai bên quyết định kéo nhau ra, đánh một trận quyết định tại Điện Biên Phủ - một căn cứ xa xôi, mắt xích quan trọng trên tuyến đường tiếp tế Việt Nam từ Trung Quốc.

Với 19.000 binh sĩ trong tay, quân đội Pháp chắc mẩm đối thủ của họ không thể có đủ người, lượng tiếp tế và pháo binh đến nơi bị cô lập, trắc trở như Điện Biên.

Ngược lại, người Việt Nam chỉ đơn giản là dùng 60.000 chiếc xe đạp để vận tải súng, cơ số pháo hạng nặng, thực phẩm, đạn dược và đẩy chúng dọc theo đường mòn xuyên rừng. Với 50.000 quân, họ chinh phục và tiêu diệt kẻ thù, đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của người Pháp.

Không ít những chiếc xe đạp được dùng để vận tải - trong vòng xoáy của số phận - được chính lính Pháp bán cho kẻ thù của mình.

Ghế ngồi bị thay bằng giá đỡ tre, đĩa, bánh xe và khung được gia cố. Xe có một thanh tre gắn vào tay lái điều khiển. Nhờ những cải tiến này, những “con ngựa sắt” có thể cõng trên lưng 300 kg, băng qua quãng đường khoảng 40 km mỗi ngày, chủ yếu di chuyển vào ban đêm, với cây lá ngụy trang.

Từ 1955-1973, Mỹ quyết định leo thang chiến tranh bằng cách đẩy mạnh hỗ trợ chính quyền Nam Việt Nam, chiếc xe đạp một lần nữa lại có vai trò quan trọng.

Giữa những năm 60, hàng nghìn người Bắc Việt được giao nhiệm vụ duy tu và mở rộng đường mòn, gia cố các cây cầu cho phép xe tải - phương tiện nhanh và hiệu quả hơn xe đạp, nhưng không thể ngụy trang tốt hơn - mang phần lớn viện trợ và binh lính.

Nếu những chiếc B-52 hoặc máy bay trực thăng Mỹ phát hiện ra một chiếc xe tải và “thổi bom” phá hủy tuyến đường mòn, việc sửa chữa nối lại thường được thực hiện trong vài giờ hoặc dùng xe đạp tiếp tục quá trình vận chuyển tiếp tế.

Như một phi công người Mỹ nào đó đưa ra nhận xét, ném bom đường mòn Hồ Chí Minh giống như cố gắng đi tất cho bạch tuộc. Bởi đó không chỉ là con đường, nó còn là mạng lưới đường mòn. Và đường mòn thì không ngừng phát triển. Đánh phá một con đường trải dài hàng nghìn km, mở rộng qua Campuchia và Lào - lãnh thổ trung lập - là bài toán không có lời giải.

Chiếc Peugeot 3008 tôi đi không phải của quân đội. Nó dẫn động cầu trước. Bằng một số cải tiến, nó khá giúp ích cho cuộc khám phá con đường mòn. Lốp xe địa hình Cooper Discoverer AT3 tăng tối đa lực kéo. Trên nóc xe phía trước được trang bị thanh đèn LED bar xé tan màn đêm, song cũng thu hút mọi con loài côn trùng trong khoảng 2 km2.

Phần nóc xe là mái lều, trong khi phía sau là sự xuất hiện chiếc xe đạp 100% nguyên bản - ví dụ hoàn hảo trước khi nó biến thành xe thồ.

Đạn treo mái đầu

Trong 15 năm qua, đường Hồ Chí Minh được xây dựng nên từ các đoạn cũ của con đường mòn. Con đường rải nhựa dài hơn 1.600 km từ Hà Nội đến TP.HCM mà không rời khỏi Việt Nam.

Chúng tôi dừng xe ở một khu vực nằm sâu trong rừng ở Đồng Hới, nơi hẹp nhất của Việt Nam nằm giữa Biển Đông và Lào. Đây là nơi có công viên quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với vô số dạng địa hình: rừng rậm, khe núi sâu, đường mòn lầy lội, cánh đồng lúa và làng mạc, đường cao tốc trải nhựa... tất cả cuốn vào nhau tạo nên vẻ đẹp ngoạn mục.

Lái xe về phía tây, chúng tôi đi xuyên qua rừng rậm bao phủ bởi cây tươi tốt và dày đặc. Phần lớn cánh rừng chỉ khoảng dưới 40 năm tuổi bởi mặt đất đã bị san bằng bởi hàng triệu tấn bom và hóa chất của Mỹ, như chất độc da cam dùng để tận diệt thực vật nhằm thổi bay lớp ngụy trang.

Trời đã dần tắt nắng. Con đường giờ đây đã gập ghềnh hơn. Chúng tôi men theo bờ sông Sông Côn để đến chỗ cắm trại trước khi trời tối. Chế độ chạy địa hình được bật, 3008 yêu dấu của tôi phải đặt "chân" xuống bùn nhiều hơn. Đáng ngạc nhiên là vẫn có nhà trên những cung đường khúc khuỷu này.

Mồ hôi bọn tôi nhễ nhại túa ra sau khi gắng sức vượt qua những đỉnh núi, bao con suối, để rồi khi ở đây, gần như tách biệt khỏi nền văn minh con người, suy nghĩ của tôi lại hướng về những người lính Mỹ.

Phần lớn bọn họ đều xuất phát từ các khu dân cư nghèo, lần lượt bỏ mạng ở đây khi đang cố gắng thích nghi cảnh quan "ngoài hành tinh" này. Họ hướng mũi súng tìm kiếm kẻ thủ vô hình, cố gắng làm tròn bổn phận người lính mà chẳng thể nghiệm ra được ý nghĩa đằng sau việc dấn thân đầy hiểm nguy.

Bên kia chiến tuyến, hàng nghìn người dân Miền Bắc, được giao nhiệm vụ sửa chữa con đường. Theo tuyên bố của Việt Nam, số người hy sinh để con đường được thông suốt đủ để lấp đầy 71 nghĩa trang dọc tuyến đường.

Tôi đỗ 3008 lại, chọn đạp xe qua cây cầu treo đung đưa trong gió, phía dưới là miệng hố bom vẫn bị thủng lỗ trên mặt đất và xuyên qua tầng hầm. Tôi đi tiếp đến một hang động dùng để nấu rượu gạo trong chiến tranh. Đây là nơi tôi được gặp gỡ Phan Xuan Tham, cựu chiến binh Việt Nam.

Sinh năm 1956, ông vẫn còn khá trẻ để cầm súng chiến đấu, nhưng khi đủ tuổi, ông tham gia bảo vệ khu vực được giao và sửa chữa tuyến đường mòn. Ông bắt tay tôi một cách nồng ấm, mỉm cười lộ cả hàm răng và nếp nhăn. Ông Tham nói với tôi: “Đường mòn Hồ Chí Minh đôi khi làm tôi nhớ đến cuộc chiến, nhưng nó không làm tôi sợ hãi, tôi tự hào về điều đó. Đó là nghĩa vụ khi là một người Việt Nam góp sức xây nên con đường thống nhất đất nước mình”.

Sự hiền hòa của ông ấy khi nhớ lại cuộc chiến là điều khiến tôi bất ngờ. Rõ ràng không có bất kỳ tức giận hay thù hận với phương Tây từ người đàn ông này.

Tôi có hỏi một số người khác, những người Việt trẻ hơn và rồi cũng nhận được phản ứng tương tự, như vết thương rồi cũng sẽ lành. “Chúng tôi chỉ muốn sống tiếp, cho đi sự tha thứ bởi đó là quá khứ. Chúng tôi chỉ muốn có cuộc sống bình yên”.

Đây quả thực là con đường đáng kinh ngạc, chứng kiến những hành trình phi thường. Bao sinh mệnh đã nằm xuống để không chỉ con đường mà cả tương lai Việt Nam tỏa sáng, như lời Bác Hồ từng nói: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.


Đại Việt

Theo Top Gear

Bạn có thể quan tâm