Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gần 1,5 triệu người Nhật sống cô lập, không ra khỏi nhà

Theo thống kê mới nhất, con số ước tính được chiếm khoảng 2% tổng dân số của cả nước Nhật Bản, nghĩa là cứ 50 người Nhật thì có một người hiếm khi rời khỏi nhà.

Theo cuộc khảo sát mới nhất của Văn phòng Nội các Nhật Bản, quốc gia này hiện ước tính có khoảng 1,46 triệu người đang trong độ tuổi lao động theo đuổi lối sống ẩn hikikomori, theo Japan Times. Trong đó, 60% là nam giới.

Hikikomori chỉ những cá nhân chọn lối sống khép mình, từ chối các giao tiếp xã hội cần thiết. Những người này có thể ở yên trong nhà, không ra ngoài đường trong suốt nhiều tháng liên tục và chỉ liên hệ với người thân, gia đình. Điều khiến vấn đề trở thành câu chuyện đáng báo động ở xứ sở phù tang là người theo lối sống này đa phần là thanh, thiếu niên.

Đây là khảo sát đầu tiên của Văn phòng Nội các Nhật Bản về hiện tượng “hikikomori” ở người dân trong độ tuổi từ 15 đến 64, thực hiện vào tháng 11 năm ngoái và nhận phản hồi từ khoảng 11.300 cá nhân chọn ngẫu nhiên.

Khảo sát định nghĩa một người ẩn dật là cá nhân không rời khỏi phòng hoặc nhà của họ trong hơn 5 tháng. Những người mạo hiểm đến các cửa hàng tiện lợi lân cận hoặc chỉ rời khỏi nhà để tham gia các hoạt động theo sở thích cũng được phân loại là người theo lối sống ẩn dật trong xã hội.

Các khảo sát trước đó tập trung vào những người trẻ tuổi chọn không đi học và sống ẩn dật ở nhà. Về sau, các nhà chức trách phát hiện ra rằng vấn đề này còn tiếp diễn trong nhiều năm nữa, với cả những người đã trưởng thành, khiến đối tượng nghiên cứu phải mở rộng ra cả nhóm lớn tuổi hơn.

Theo kết quả của khảo sát được công bố vào ngày 31/3, dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm lối sống ẩn dật này, với khoảng một phần năm các hikikomori cho biết nỗi sợ hãi về sức khỏe là lý do chính khiến họ quyết định không rời nhà nửa bước trong vài năm qua.

Hikikomori nhat ban anh 1

Lối sống tự thân - một mình ăn uống, mua sắm hay đi du lịch - khác với việc bị tách biệt khỏi xã hội. Ảnh: Reuters.

Khi được yêu cầu cho biết nguyên nhân khiến nhóm 15-39 tuổi chọn sống cách biệt với thế giới bên ngoài, 20,8% số người được hỏi cho biết họ gặp khó khăn trong các mối quan hệ giữa các cá nhân; 18,1% viện dẫn đại dịch.

Ở nhóm 40-64 tuổi, 44,5% hikikomori cho biết nguyên nhân chính để để rút lui khỏi xã hội là họ đã nghỉ việc, không còn đi làm nữa.

Cuộc khảo sát cho thấy 2,05% người từ 15-39 tuổi chỉ ra ngoài vì sở thích của họ, rời khỏi phòng nhưng ở trong nhà hoặc hiếm khi rời khỏi phòng trong ít nhất 6 tháng. Tỷ lệ này ở mức 2,02% đối với những người trong độ tuổi từ 40-64.

Ngoài ra, 21,5% hikikomori trong độ tuổi từ 15-39 đã bị cô lập về mặt xã hội từ 6 tháng đến dưới một năm và 21,9% số người trong độ tuổi từ 40-64 đã tự nhốt mình trong nhà từ hai đến ba năm.

Về phía chính phủ Nhật Bản, nỗ lực giúp hơn 1 triệu người dân tái hòa nhập lại xã hội chưa đem lại kết quả theo mong đợi. Theo thời gian, con số vẫn theo chiều hướng đi lên và chưa có dấu hiệu dừng lại. Đặc biệt, trong bối cảnh dân số Nhật Bản giảm nhanh và số ca sinh mới đạt mức thấp kỷ lục, chuyện những người lớn trưởng thành lại chọn "tuyệt giao" với cộng đồng càng khiến câu chuyện khuyến khích sinh đẻ vốn đã khó, lại càng khó hơn.

Trước đó, khảo sát vào năm 2015 ước tính có 541.000 người trong độ tuổi 15-39 sống ẩn dật trong xã hội, trong khi ước tính năm tài chính 2018 đưa ra con số 613.000.

Trong một cuộc khảo sát vào tháng 8 năm ngoái, hơn 30% hikikomori không cần hỗ trợ để tái hòa nhập cộng đồng và chỉ muốn được yên, Kyodo News đưa tin.

Gen Z dọn về ở chung với bố mẹ để có tiền mua túi Hermès

Trong mắt nhiều người trẻ, mua nhà không phải là ước mơ lớn nhất và cần làm bằng được. Họ hướng tới loại mục tiêu ngắn hạn, khiến họ hạnh phúc hơn: dành tiền mua đồ hiệu.

Sách chữa lành tại Việt Nam

Chia sẻ với Zing, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.

Trà My

Bạn có thể quan tâm