Từ nguồn tạng hiến của bà Nguyễn Thị Hồng Hải và anh Đào Đức Lợi, gần 10 người được cứu sống, Ảnh: Pressandjournal. |
Trưa 16/9, chị Tăng Minh Hiền (Thanh Xuân, Hà Nội) lặng người nhận tin mẹ được đưa vào Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cấp cứu.
Hai ngày đằng đẵng chờ đợi ở viện, chị cố tin mọi chuyện sẽ ổn nhưng niềm hy vọng lụi tắt dần, bác sĩ đề nghị gia đình chuẩn bị tâm lý. Tối đó, chú ruột của chị gợi ý chuyện có thể hiến một số mô, tạng của mẹ chị, bà Nguyễn Thị Hồng Hải.
Lúc khoẻ mạnh, người mẹ 50 tuổi của chị từng có ý định hiến tạng sau khi lìa trần, không nghĩ ngày ấy đến sớm. Dù vậy, chị Hiền phải suy nghĩ rất lâu mới quyết định hiến tạng của mẹ. Chưa kể, gia đình bên ngoại vẫn giữ quan niệm phải "chết toàn thây". Chị mất 1 ngày để giải thích mới nhận được sự đồng ý của đại gia đình.
Ngày tai nạn xảy ra với mẹ, người em 18 tuổi của chị Hiền đang chờ kết quả trúng tuyển đại học. Bố mất vì ung thư từ 4 năm trước, cô gái 27 tuổi bỗng chốc thành trụ cột gia đình.
Nghẹn ngào ký vào đơn tự nguyện hiến tạng của mẹ sau khi bác sĩ thông báo bà đã chết não, chị Hiền khẽ khàng đến bên giường bệnh nơi mẹ nằm. Không gian im ắng, chỉ còn tiếng tít tít phát ra từ những thiết bị máy móc xung quanh.
Chị cố bình tĩnh, cầm bàn tay mẹ, vuốt nhẹ lên mái tóc mẹ, ngắm mẹ thật lâu. Chị rướn người ghé vào gần mẹ hơn, thầm thì: "Mẹ yên tâm, con sẽ thay bố mẹ chăm lo cho em. Con cảm ơn mẹ đã mạnh mẽ, con tự hào là con của mẹ Hải". Chị tin rằng mẹ sẽ nghe được, sẽ vui vì ý nguyện hiến tạng cứu người được thực hiện.
Sau khi các thầy thuốc phẫu thuật lấy tạng, phổi của bệnh nhân được chuyển về Bệnh viện 108; gan, 2 thận, 3 mạch máu và 5 gân được đưa về ngân hàng Mô Bệnh viện Việt Đức; 2 giác mạc chuyển về Bệnh viện Mắt Trung ương.
Chiều 11/12, chia sẻ tại buổi lễ tri ân, truy tặng kỷ niệm chương "Vì sức khỏe nhân dân" cho hai người đã hiến tạng sau khi chết não, chị Hiền cho hay dù có lời xì xào chuyện mẹ hiến tạng, nhưng chị và gia đình luôn tin quyết định đó là đúng đắn, là thực hiện di nguyện tự hào. Biết tin những người nhận tạng đều hồi phục sức khỏe tốt, chị càng vững tin sự ra đi của mẹ không hề vô nghĩa.
Trường hợp thứ hai cũng hiến nhiều tạng cứu người sau khi chết não là anh Đào Đức Lợi (27 tuổi, Tiên Du, Bắc Ninh). Vụ tai nạn hồi tháng 10 khiến nam thanh niên không thể qua khỏi. Nuốt nước mắt, ông Đào Đức Thắng quyết định gọi điện cho vợ đang ở nước ngoài và thuyết phục con dâu cùng quyết định hiến mô, tạng của chàng trai trẻ.
Chị Hiền và ông Thắng xúc động chia sẻ tại lễ truy tặng kỷ niệm chương chiều 11/12. Ảnh: T.L. |
Nhận được thông tin từ Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia cử ngay kíp bác sĩ đón bệnh nhân về Bệnh viện Việt Đức và phẫu thuật lấy tim, gan, 2 thận ghép tại bệnh viện. 3 mạch máu và 5 gân của anh Lợi gửi vào Ngân hàng mô của Bệnh viện Việt Đức, 2 giác mạc chuyển về Bệnh viện Mắt Trung ương.
"Nuôi con gần 30 năm, con tôi chưa cống hiến gì cho xã hội, nhưng nếu hiến tạng thì nhiều người được cứu. Có người bảo tôi bán nội tạng con nhưng tôi mặc, vẫn quyết hiến tất cả các phần mô, tạng có thể, giúp được cho ai thì giúp..." - ông Thắng nghẹn ngào.
Noi gương mẹ, chị Hiền nói sẽ đăng ký tự nguyện hiến toàn bộ mô, tạng để cứu người.
Từ nguồn tạng hiến của bà Nguyễn Thị Hồng Hải và anh Đào Đức Lợi, gần 10 người được cứu sống, hiện sức khỏe ổn định. Đến tháng 12, cả nước có hơn 62.000 người đăng ký hiến mô, tạng. Việt Nam đã triển khai hơn 7.000 ca ghép. Nguồn tạng hiến chủ yếu từ người sống, nhưng nguồn từ người cho chết não đã tăng lên hơn 100 người. Riêng năm 2022 có hơn 10 người chết não hiến tạng.
Ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.