PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 49.209 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng 9,7% so với cùng thời điểm năm 2016.
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp bất thường
Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, tình hình dịch sốt xuất huyết đang diễn ra phức tạp. 10 năm trở lại đây, dịch cao đỉnh điểm nhất là năm 2009 với khoảng 16.000 ca, trung bình các năm là 5.000-6.000 ca.
Theo ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, tính đến 6/7, số ca bệnh mắc sốt xuất huyết là 9.628, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái (8.422 ca), 17/24 quận, huyện có số ca sốt xuất huyết tăng so với năm 2016, trong đó quận 12 tăng đến 85%. Thành phố đã có 3 trường hợp tử vong vì căn bệnh này. Đây là nơi có số lượng bệnh nhân mắc bệnh cao nhất cả nước.
Tại Hà Nội, đại diện Sở Y tế cho biết đã ghi nhận trên 5.000 ca và diễn biến có thể tăng cao nếu không kịp thời xử lý quyết liệt.
TS Đỗ Duy Cường, Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai, thông tin năm nay, dịch sốt xuất huyết đến sớm hơn mọi năm và diễn biến bất thường. Thông thường dịch xuất hiện từ tháng 9-12, cao điểm vào tháng 11.
Tính từ 1-18/7, số ca mắc sốt xuất huyết nhập viện đã lên con số 90, gấp đôi so với tháng 6. Các ca vào điều trị tại khoa thường trong tình trạng đã khá nặng. Từ đầu năm, bệnh viện đã tiếp nhận 199 trường hợp. Hiện khoa Truyền nhiễm phải nằm ghép 2-3 bệnh nhân một giường.
PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương - cũng cho biết trong hai tuần trở lại đây, số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tăng nhanh, với hơn 200 bệnh nhân khám mỗi ngày, tỷ lệ nhập viện 10-20%. So với cùng kỳ năm ngoái, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng bốn lần với nhiều ca diễn biến nặng.
Theo ông Kính, nhiều người bệnh sốt xuất huyết vào bệnh viện năm nay gặp biến chứng nặng, 4-5 người gặp biến chứng xuất huyết não. Đây là biểu hiện lạ hơn mọi năm. Điển hình, ngày 12/7, một bệnh nhân nam 51 tuổi bị sốt xuất huyết trên cơ địa huyết áp cao và đái tháo đường tử vong sau hai ngày nhập viện. Người có bệnh mạn tính như tim mạch, huyết áp cao là nhóm cần chú ý nhất vì nguy cơ biến chứng nặng nếu mắc bệnh.
Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết có mặt khắp nơi
Ông Hoàng Đức Hạnh cho biết việc tuyên truyền phòng chống sốt xuất huyết cho người dân cần thật đầy đủ và thiết thực. Muỗi truyền sốt xuất huyết là muỗi vằn, và chỉ con muỗi cái mới đốt người lây truyền bệnh, chỉ đốt ban ngày, thích ở trong nhà, thích đẻ trứng ở các vùng nước trong.
Do đó, chỉ cần một hộp sữa chua vứt ở góc sân trường chưa dọn, ngày mưa nước đọng lại trong hộp là tạo nên một ổ bọ gậy bệnh. Hiện Hà Nội đã thu gom hơn 12.000 lốp xe cũ để rải rác, tạo thành nơi thuận lợi cho muỗi đẻ trứng và đang tiếp tục thu gom, xử lý triệt để.
Dấu hiệu nhận biết sốt xuất huyết
Theo ông Hạnh, dấu hiệu rõ nhất để phân biệt sốt xuất huyết với sốt thông thường là người bệnh bị sốt cao đột ngột, 38-39 độ C, đau đầu, hố mắt, người, các khớp và có những biểu hiện chảy máu chân răng, chảy máu cam.
Do đó, ông đề nghị người dân tốt nhất khi bị sốt cao mà không hạ nhiệt nên đi khám ngay lập tức để bác sĩ tư vấn, không nên tự điều trị tại nhà. Thông thường từ ngày thứ 3, bệnh có tiến triển nặng, nhất là trẻ em, vì vậy, nếu không được chẩn đoán sớm và xử trí kịp thời, bệnh nhân sẽ có nguy cơ diễn biến xấu bởi sốc hoặc do tổn thương các cơ quan khác.