Theo Reuters, nghiên cứu mới nhất thực hiện bởi Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) và tổ chức phi lợi nhuận về môi trường Pure Earth cho hay gần 1/3 trẻ em trên toàn thế giới, tương đương 800 triệu người, có lượng chì trong máu rất cao.
Khoảng 800 triệu trẻ em và thanh thiếu niên dưới 19 tuổi có mức chì từ 5 mg/dl trở lên trong máu. UNICEF cho biết mức độ này đủ lớn để làm suy yếu sự phát triển của não bộ, hệ thần kinh và các cơ quan quan trọng như tim, phổi.
Ông Nicholas Rees, chuyên gia chính sách tại UNICEF và là tác giả của nghiên cứu, cho biết: "Con số này hoàn toàn gây sốc. Từ lâu, chúng tôi đã biết về chất độc chì, nhưng không rõ nó lan rộng như thế nào và có bao nhiêu trẻ em bị ảnh hưởng".
Theo ông Richard Fuller, Chủ tịch của Pure Earth, mọi người ít biết về thiệt hại do chì gây ra. "Nồng độ chì ở mức 5 mg/dl có khả năng quét sạch khoảng 3-5 điểm IQ của trẻ và làm tăng gấp đôi hành vi bạo lực ở con người".
Trẻ em ở các nước kém phát triển phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm chì từ các ống nước không đảm bảo. Ảnh: AFP. |
Theo báo cáo, việc tái chế các loại pin axit-chì là nguyên nhân hàng đầu gây ngộ độc chì ở trẻ em sống tại các nước thu nhập thấp và trung bình. Những nước này thiếu quy định tái chế pin động cơ. Điều này khiến 50% lượng pin axit-chì được tái chế không an toàn. Các nguồn phơi nhiễm khác bao gồm sử dụng những loại ống bị nhiễm chì, ngành công nghiệp khai thác mỏ, sơn bột màu có chì và xăng pha chì.
Trẻ em ở những nước phát triển cũng có nguy cơ phơi nhiễm chì từ các nguồn bao gồm ống nước cũ, sơn chì và đất bị ô nhiễm.
Tờ The Guardian cho hay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo chì là chất độc thần kinh mạnh, phơi nhiễm cao và không có mức độ an toàn khi tiếp xúc. Ở mức độ cao, chì có thể gây chết người. Trong khi ở nồng độ rất thấp, hợp chất này vẫn gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nó dẫn đến các triệu chứng như đau, nôn mửa, co giật đến chậm phát triển, rối loạn tinh thần. Tiếp xúc với nồng độ chì thấp cũng có thể gây sinh non ở phụ nữ mang thai.