Thông tin này được chia sẻ trong Hội thảo hướng dẫn triển khai Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu đời do Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) tổ chức sáng 15/4.
Theo đại diện của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, tỷ lệ này đã tương đối đạt mục tiêu của chiến lược dinh dưỡng quốc gia. Việt Nam được xếp vào mức trung bình theo phân loại của Tổ chức Y tế thế giới - WHO.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn còn sự chênh lệch giữa các vùng miền về tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi. Ở các vùng nông thôn và miền núi, tỷ lệ này còn ở mức cao.
Tỷ lệ trẻ thấp còi tại vùng nông thôn là 14,9%, miền núi 38% và thành thị 12,4%. Một số vùng có tỷ lệ cao nhất là miền núi phía Bắc (37,4%) và Tây Nguyên (28,8%).
Bên cạnh đó, sau 2 năm Chính phủ ra quyết định về Chương trình Chăm sóc dinh dưỡng 1.000 ngày đầu, tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai tăng 4 lần trong 3 thời kỳ, đạt 69,6% trên toàn quốc. Tỷ lệ thai phụ được cán bộ y tế đỡ đẻ cũng đạt 96%.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, Bộ Y tế nhận định: “Suy dinh dưỡng thấp còi, suy dinh dưỡng nhẹ cân không phải vấn đề lớn với các địa phương vùng Đồng bằng Bắc Bộ”.
Tuy nhiên, việc lập kế hoạch hành động của các địa phương này đang gặp nhiều vấn đề.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Quốc Toàn. |
Theo ông Vinh, cơ sở để xây dựng kế hoạch, đưa ra chỉ tiêu là xu hướng giảm suy dinh dưỡng của địa phương mình trong điều kiện bình thường. Ngoài ra, các địa phương không nên quá cứng nhắc và cầu toàn trong việc xây dựng kế hoạch.
Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em hướng đến đẩy nhanh tốc độ giảm suy dinh dưỡng thấp còi toàn quốc cũng như những vùng miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số tới năm 2030.
Cụ thể, đến năm 2030, Việt Nam hướng tới tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ dưới 5 tuổi nhỏ hơn 19%, suy dinh dưỡng nhẹ cân ở trẻ dưới 5 tuổi nhỏ hơn 10,5%, trẻ có cân nặng sơ sinh thấp (dưới 2,5 kg) nhỏ hơn 7%, tỷ lệ thiếu máu ở phụ nữ có thai dưới 20% (riêng vùng núi dưới 23,5%).
Ngoài ra, Việt Nam đặt mục tiêu có 85% bà mẹ thực hành cho trẻ bú sớm, 30% bà mẹ cho trẻ bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu, 70% bà mẹ tiếp tục cho trẻ bú mẹ đến khi bé 24 tháng tuổi, 80% bà mẹ cho trẻ 6-24 tháng tuổi ăn bổ sung đúng cách.