Để ghi nhận hành động nhân văn, ủng hộ thiết thực phong trào đăng ký hiến tặng mô, tạng của cơ sở y tế tuyến trung ương đầu tiên trong cả nước, chiều 25/8, Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người, Hội vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam và Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương (Hà Nội) đã tổ chức buổi lễ trao thẻ ghi nhận đăng ký hiến tặng mô, tạng cho 465 bác sĩ, cán bộ y tế của viện.
Đây là một sự kiện đánh dấu sự thay đổi tích cực về nhận thức của cán bộ, nhân viên y tế về hiến mô tạng.
GS.TS Trịnh Hồng Sơn phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HQ. |
Tại buổi lễ trao thẻ ghi nhận, GS.TS Trịnh Hồng Sơn - Giám đốc Trung tâm Điều phối quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người - cho biết khó khăn lớn nhất của ngành ghép tạng nước ta hiện nay là khan hiếm nguồn cung, số người đăng ký hiến tặng mô, tạng sau khi qua đời còn rất ít ỏi. Tính đến ngày 23/7, tổng người đăng ký hiến tạng sau khi qua đời trên cả nước là 7.400 người.
“Trong khi ngành ghép tạng đang cực kỳ khan hiếm nguồn cung như hiện nay, con số 465 người đăng ký hiến tạng ngày hôm nay, trong đó hầu hết là đăng ký hiến đa tạng, thực sự có giá trị trong việc cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế và mọi người dân tham gia đăng ký hiến tặng mô, tạng để cứu chữa người bệnh và phục vụ nghiên cứu khoa học”, GS Sơn nói.
Một khó khăn nữa mà Việt Nam đang phải đối mặt là thiếu hệ thống tư vấn, đăng ký hiến tặng mô, tạng tại các bệnh viện ghép tạng, cơ sở y tế trong cả nước.
Hiện, ngoài Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, trên cả nước mới chỉ có một cơ sở y tế là Bệnh viện Chợ Rẫy tại TP.HCM có hệ thống truyền thông, tư vấn, đăng ký hiến tạng. Thực trạng này đã hạn chế quyền được đăng ký hiến tặng mô, tạng của công dân cũng như hiệu quả công tác truyền thông, vận động người dân đăng ký hiến tạng sau khi qua đời trên cả nước thời gian qua.
GS Trịnh Hồng Sơn bày tỏ lòng mong muốn trong thời gian tới sẽ nhận được sự cộng tác ngày càng chặt chẽ và hiệu quả hơn của các bệnh viện ghép tạng, các cơ sở y tế trong việc xây dựng hệ thống tư vấn, đăng ký hiến tạng.
GS.TS Nguyễn Anh Trí - Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu Trung ương - cũng cho biết: “Tôi và nhiều cán bộ công nhân viên của viện đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chết não bởi chúng tôi nhận thức được ý nghĩa của hành động này.
Tôi nghĩ rằng việc đăng ký hiến mô tạng chỉ là mặt thủ tục hành chính, vấn đề là chúng ta phải nói với bố mẹ, chồng con và những người trong gia đình của mình để sau này, khi chúng ta không may chết, chết não, gia đình sẽ không phản đối việc hiến tạng để cứu người khác. Việc đó vừa để thông báo cho gia đình, vừa góp phần thay đổi nhận thức của mọi người trong gia đình về việc hiến tạng cứu người. Vì đây là một việc làm vô cùng ý nghĩa”.
Ghép tạng là phương pháp điều trị cuối cùng và hiệu quả cho người bệnh suy tạng giai đoạn cuối, bằng cách lấy tạng của người hiến để ghép cho người bệnh. Ngoài thận và gan có thể hiến tặng khi người hiến còn sống, hầu hết các mô và tạng khác chỉ được lấy và ghép cho người bệnh khi người hiến mô, tạng đã chết, chết não. Một người chết não có thể hiến tăng mô, tạng có thể cứu sống cho cả chục người bệnh khác như thận, tim, gan, phổi, tụy, giác mạc, mạch máu, gân, da, xương,…
Hiện nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam rất lớn. Với số dân 90 triệu người, có khoảng 6.000 người suy thận mạnh cần được ghép thận, trên 1.500 người có chỉ định ghép gan, khoảng 300.000 người mù do các bệnh lý giác mạc và trên 6.000 người đang chờ được ghép giác mạc và hàng trăm người chờ được ghép tim, phổi,… Đi kèm theo đó không chỉ là gánh nặng cho các gia đình, người thân của những người bệnh mà còn là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả cộng đồng, xã hội và ngành y tế.
Bất kỳ ai đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không phân biệt giời tính, tín ngưỡng, địa vị xã hội đều có thể hiến tặng mô, bộ phận cơ thể của mình khi còn sống hoặc hiến tặng sau khi chết, chết não và hiến xác.