Mới đây, theo báo cáo của Cảng vụ đường thủy nội địa Quảng Ninh, địa phương này có khoảng 500 tàu vận chuyển khách và lưu trú nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long. Tuy nhiên, có hơn 170 chiếc trong số này đã hết hạn đăng kiểm, hơn 20 tàu đang lên đà sửa chữa.
Tuy nhiên, số tàu còn lại đủ điều kiện đón khách tham quan vịnh Hạ Long cũng đang trong tình trạng không thuê được nhân viên hoặc không thể trả lương theo tháng do những chi phí phát sinh và lương nhân viên quá lớn, nếu cố làm sẽ phải bù lỗ.
Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở du lịch Quảng Ninh, phân tích từ những số liệu của khách sạn, nhà hàng và lịch đặt tàu tham quan vịnh Hạ Long, dự báo sẽ có số lượng lớn khách tới vịnh Hạ Long dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, thậm chí có ngày lên tới 30.000 người (năm 2020, có thời điểm đón 35.000 người/ngày). Với lượng tàu có đủ đăng kiểm hiện nay, chỉ đáp ứng được khoảng 20.000 người mỗi ngày, bằng 2/3 lượng khách do với dự kiến.
Cùng với thiếu điều kiện về kỹ thuật, nhiều tàu cũng rơi vào tình trạng thiếu nhân lực, lao động phục vụ dưới tàu. Theo các chủ tàu, dịch bệnh được kiểm soát, ngành du lịch đang dần phục hồi nhưng chưa mạnh mẽ, lượng khách tới Quảng Ninh chỉ nhộn nhịp dịp cuối tuần nên việc tuyển lao động gặp nhiều bấp bênh.
Thậm chí, nhiều chủ tàu buộc phải trả lương theo tháng cho nhân viên dù chỉ có khách du lịch dịp cuối tuần. Với tàu du lịch, cần thuyền trưởng, máy trưởng và các thuyền viên nên các chủ doanh nghiệp phải chủ động về nhân sự. Khi không có đủ nhân sự thì không thể hoạt động.
Thu không đủ chi, chủ tàu phải bù lỗ
Trao đổi với Zing, ông N.H.H., một chủ tàu chạy đưa khách tuyến 1,2 tham quan vịnh Hạ Long cho biết việc thuê nhân công phục vụ trên tàu du lịch đang rất khó. Gần 3 năm ảnh hưởng dịch Covid-19, tàu du lịch không hoạt đông nên nhân viên đã bỏ tàu đi làm việc khác.
Tàu du lịch nằm chờ trên âu cảng do hết hạn đăng kiểm và không đủ nhân viên để chạy. Ảnh: Quốc Nam. |
Ông H. cho biết theo quy định mỗi tàu tham quan phải có ít nhất 4-5 người. Những năm trước, mỗi tháng chủ tàu phải chi trả 30-60 triệu đồng cho nhân viên và lái tàu. Chi phí phát sinh lớn nhưng khách chỉ đông dịp cuối tuần hoặc những ngày lễ nên nếu trả đủ lương cho nhân viên chủ tàu phải bù lỗ.
Ông H. lấy ví dụ bản thân ông vừa là chủ tàu vừa là thuyền trưởng, ông gọi vợ và em vợ từ quê ra phục vụ không công nhưng vẫn không đủ người theo quy định. Dịp nghỉ lễ sắp tới, ông H. phải thuê thêm người và trả công 700.000 đồng/ngày mới đủ điều kiện để đón khách.
Mỗi chuyến thu nhập tầm 2-3 triệu, nếu dịp lễ, Tết thì được tăng thêm 30%. Ông H. tính toán trừ chi phí dầu máy và trả lương nhân viên và các chi phí phát sinh như thuế, phí bến bãi… thì lãi chỉ còn chút ít, nếu không đông khách thì phải bù lỗ.
Đồng tình với ông H., một số chủ tàu đưa khách tham quan theo tuyến cho rằng khách có nhu cầu đi vịnh Hạ Long chỉ đông vào dịp cuối tuần, mỗi tàu chạy tối đa được 2 chuyến, nếu chở khách nhỏ giọt như hiện nay, các chủ tàu chỉ thuê nhân viên theo kiểu thời vụ, theo ngày chứ không đủ khả năng thuê theo tháng.
Các chủ tàu cho rằng làm vậy để giảm chi phí, tránh bù lỗ vì nếu thuê theo hợp đồng nguyên tháng thì phải trả 6-12 triệu đồng/tháng/người, nếu thuê nhân viên theo ngày thì chỉ phải trả tối đa 1,2 triệu/ngày/người.
Trong khi thời điểm này khách du lịch lúc có lúc không và tình hình dịch bệnh chưa biết diễn biến như thế nào, việc thuê theo tháng là bất khả thi. “Đấy là tàu chạy theo tuyến, còn tàu nghỉ đêm thì nhân viên phục vụ trên tàu và bến cảng phải lên đến hàng chục người. Vì vậy, có chủ tàu mỗi tháng phải chạy vạy hàng trăm triệu đồng để chi trả lương cho nhân viên”, ông H. nói.
Chấp nhận trả lương cao nhưng vẫn không có người
Chị N.T.D. chủ tàu nghỉ đêm trên vịnh Hạ Long cho biết tình trạng thiếu nhân lực phục vụ là nỗi lo của các chủ tàu hiện nay. Năm 2020-2021, chiếc tàu sắt mới đóng của chị D. phải nằm trên cảng do không có khách và không đủ nhân viên phục vụ.
“Cả đội tàu gần 20 người, dịch bệnh kéo đến cùng đủ chi phí ngân hàng, bến bãi mà tàu không chạy, không có tiền để trả nhân viên nên tôi phải cho nghỉ gần hết, chỉ giữ lại vài người trông nom và bảo dưỡng tàu”, chị D. chia sẻ.
Đầu năm 2022, thấy dịch bệnh đã giảm, khách gọi điện hỏi thuê tàu, chị D. gọi điện cho những nhân viên cũ nhưng họ đã về quê, chuyển việc hoặc xin vào làm công nhân tại các khu công nghiệp.
Vào mùa du lịch nhưng cả bến cảng chỉ đông khách vào dịp cuối tuần, những ngày thường hầu như không có khách. Ảnh: Quốc Nam. |
“Tôi cũng mời họ quay lại nhưng họ bảo công việc mới đã ổn định, giờ quay lại làm du lịch không biết tương lai như thế nào nên họ từ chối. Tôi liên hệ cả với người quen, nhờ giới thiệu và chấp nhận trả lương cao hơn trước nhưng vẫn không tìm được người”, chị D. nói.
Bà Nguyễn Thị Hằng, chủ tàu Hoàng Phương, cho biết đội tàu của bà có 8 tàu, trong đó 3 tàu ngủ đêm, 5 tàu chạy tuyến. Nhưng hiện tại chỉ có một tàu đủ điều kiện chạy vào dịp nghỉ lễ sắp tới. Số còn lại thì một tàu đã lên đà sửa chữa nhưng không biết có xuống kịp đón khách dịp nghỉ lễ hay không, những tàu khác đến kỳ đăng kiểm nên cũng đang trong tình trạng nằm chờ lên đà.
Bà Hằng cho biết vấn đề khó khăn lớn nhất hiện nay là tuyển nhân viên. Khi tàu chạy, cả hệ thống trên bờ và dưới đất phải hoạt động song hành theo nên chi phí chi trả rất lớn. Trong khi nếu chỉ chạy một ngày thì lỗ, nếu chạy 2 ngày cuối tuần tạm thời đủ bù chi chứ không có lãi.
Theo bà Hằng, các chủ tàu vẫn tiếp tục đối mặt với những khó khăn kéo dài đến cuối năm 2022. Khi nào khách châu Âu trở lại, ngành kinh doanh tàu du lịch mới tạm thời ổn định. Nếu bây giờ các tàu du lịch hoạt động, doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục bù lỗ cho những ngày tàu không chạy, vẫn phải nuôi nhân sự cho toàn hệ thống.
“Nếu không nuôi thì cuối tuần lấy người đâu mà chạy, mà bây giờ có thuê được nữa đâu. Trước đây còn gọi nhân viên làm "part-time", thuê ngoài nhưng tàu nào cũng chạy thì lấy người đâu mà thuê.
Mình phải tuyển nhân viên cố định. Vậy mà cứ phải nuôi cả hệ thống trong tuần nhưng chỉ chạy được 2 ngày cuối tuần thì lấy đâu mà chi. Bây giờ cũng chỉ hy vọng vào những tháng mùa hè khi học sinh nghỉ học nhưng không biết thế nào”, bà Hằng chia sẻ.
Doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng phải tạm dừng
Ông Trần Văn Hồng, Phó Chi hội tàu du lịch Hạ Long cho biết nhiều chủ tàu phải trả lương theo tháng cho nhân viên, dù chỉ có khách du lịch dịp cuối tuần. Ông Hồng cho rằng một xe vận tải có thể cần một tài xế nhưng tàu du lịch cần thuyền trưởng, máy trưởng và các thuyền viên nên các chủ doanh nghiệp phải chủ động về nhân sự.
“Khi không có đủ nhân sự thì không thể hoạt động. Hiện nay tàu lưu trú thiếu khoảng 50% nhân sự, còn tàu tham quan trên tàu chỉ định biên máy trưởng, thuyền trưởng và nhân viên, các chủ doanh nghiệp đang động viên người lao động quay trở lại làm việc, đảm bảo đủ điều kiện để xuất bến", ông Hồng chia sẻ.
Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh khẳng định: "Chúng ta rất muốn đón đông khách nhưng các doanh nghiệp không đảm bảo chất lượng và điều kiện hoạt động thì phải tạm dừng hoạt động, bởi chúng ta cam kết chất lượng tốt nhất với du khách khi đến với Quảng Ninh".
Ông Thủy cho rằng việc thiếu nhân lực và tàu vận chuyển khách tham quan vịnh Hạ Long đang là bài toán cấp thiết đặt ra cho ngành du lịch Quảng Ninh.
Trước mắt, để tạo điều kiện thuận lợi cho du khách tham quan vịnh Hạ Long dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, ngành du lịch cùng các ngành liên quan cần có phương án phù hợp, báo cáo lãnh đạo tỉnh để tránh những sự cố phát sinh ảnh hưởng tới hình ảnh du lịch Hạ Long - Quảng Ninh.