Ưu điểm của gan là?
Theo Viện Dinh dưỡng Quốc gia, gan chứa nhiều đạm, sắt và vitamin A, có tác dụng cung cấp sắt để chống thiếu máu thiếu sắt rất tốt cho trẻ em và phụ nữ mang thai cũng như phụ nữ lứa tuổi sinh đẻ. Loại phủ tạng này cung cấp nhiều vitamin A có tác dụng bổ mắt tăng cường sức đề kháng và tăng trưởng ở trẻ em. |
Nhược điểm lớn nhất của gan động vật là?
Hạn chế lớn nhất của nội tạng nói chung, gan nói riêng là chứa nhiều cholesterol nên không phù hợp với người cao tuổi, người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa như tăng cholesterol máu, xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, bệnh gout, bệnh thận, người thừa cân - béo phì... Người cao tuổi nên ăn hạn chế, còn người mắc các bệnh kể trên không nên ăn loại phủ tạng này. |
Gan là bộ phận thải độc nên chứa rất nhiều chất độc?
Theo thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Hải, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, cho rằng gan là cơ quan thải độc của cơ thể cho nên tồn dư nhiều chất độc hại là sai lầm. Thực tế, độc tố đi qua gan sẽ được chuyển hóa, phân hủy, đào thải qua phân và nước tiểu ra khỏi cơ thể. Vì vậy, gan an toàn nếu chế biến đúng cách. |
Có nên ăn gan cá hay không?
PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội, cho hay trong nội tạng cá, duy chỉ có gan và trứng là hai bộ phận ăn rất tốt cho cơ thể đồng thời không chứa đựng các yếu tố độc hại. Khác với các loại động vật trên cạn, gan cá chứa độc tố không đáng kể. Đồng thời lượng cholesterol của cá tốt hơn so với động vật trên cạn. |
Mỗi tuần, chỉ nên ăn mấy bữa gan động vật?
Trẻ em, phụ nữ có thai cho con bú, người thiếu máu thiếu sắt, thanh thiếu niên và người trẻ tuổi nên ăn các loại phủ tạng, nhưng khi ăn cũng chỉ nên vừa phải, mỗi tuần 2-3 lần, mỗi lần ăn từ 50-70 g đối với người lớn, còn trẻ em chỉ ăn từ 30-50 g/bữa. |
Những người tuyệt đối không nên ăn gan?
Viện dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo đối với những người cao tuổi, thừa cân - béo phì nên ăn hạn chế, người mắc các bệnh tăng mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh gout, thận hư nhiễm mỡ, suy tim thì không nên ăn các loại phủ tạng, bao gồm gan. |
Khi nào gan lợn trở nên độc?
PGS Thịnh cho biết gan heo rất giàu dinh dưỡng, chỉ có hại nếu như chế biến không đúng cách. Trong gan có thể chứa nhiều ký sinh trùng như sán lá gan lớn, sán lá gan nhỏ hoặc virus gây bệnh. Nếu gan không được nấu chín hẳn, còn tái sẽ không diệt hết được các loại virus, ký sinh trùng này. Ngoài ra, trước khi chế biến không bóc lớp màng trên bề mặt, lượng virus có thể vẫn còn tồn dư, gây hại cho sức khỏe. Ngoài ra, một số món không nên nấu chung với gan để tránh các tương tác không có lợi cho sức khỏe. |
Nhìn bề ngoài, đâu là gan đảm bảo?
PGS Thịnh lưu ý khi mua, người dân cần quan sát màu sắc của gan phải đỏ tươi, bề mặt nhẵn, không có những nốt sần sùi, không có mùi lạ. |