Steve Jobs của đạo diễn Danny Boyle và biên kịch Aaron Sorkin từng gây ra rất nhiều tò mò cho công chúng với cấu trúc ba hồi đặc biệt, kể lại những câu chuyện xoay quanh ông trùm đế chế Apple trước mỗi lần ông trình làng sản phẩm mới.
Tuy nhiên, sau khi ra rạp, tác phẩm vấp phải nhiều tranh cãi khi hầu hết các chi tiết trong phim đều là hư cấu. Có lẽ chính điều đó khiến Steve Jobs rốt cuộc chỉ nhận được hai đề cử Oscar cho Nam diễn viên chính (Michael Fassbender) và Nữ diễn viên phụ xuất sắc (Kate Winslet). Trang HistoryvsHollywood chỉ ra những điểm khác biệt giữa kịch bản của Steve Jobs với những gì đã thực sự diễn ra.
Bộ phim Steve Jobs từng gây tranh cãi lớn khi ra mắt khi chứa đựng toàn những tình tiết hư cấu xung quanh "huyền thoại Táo". Ảnh: Universal |
Cảnh mở đầu trong phim khi cỗ máy Macintosh không phát tiếng “Hello” có từng diễn ra thật không?
Trên màn ảnh, nhân vật Steve Jobs của Michael Fassbender mắng nhà thiết kế Andy Hertzfeld (Michael Stuhlbarg) vì máy tính Macintosh không thể phát ra tiếng “Xin chào” khi khởi động và lúc đó chỉ còn 40 phút nữa là đến giờ trình làng sản phẩm. Nhưng chẳng có sự kiện nào như thế diễn ra vào ngày 24/1/1984 khi công chúng lần đầu tiên được thấy Macintosh.
Có thật là Steve Jobs đã đối chất trước mỗi buổi giới thiệu sản phẩm?
Câu trả lời là không, bởi chính biên kịch Aaron Sorkin cho biết: “Theo những gì tôi biết thì Steve Jobs không tranh luận đối mặt với những người đó trong khoảng 40 phút trước khi công bố mỗi sản phẩm được nhắc tới trong phim. Đó đơn giản chỉ là ý tưởng của tôi mà thôi. Những gì khán giả thấy chỉ là phiên bản kịch tính hoá những mâu thuẫn cá nhân mà Jobs gặp phải”.
Hình ảnh Steve Jobs trên phim do Michael Fassbender thể hiện và ở ngoài đời thực. Ảnh: HistoryvsHollywood |
Có phải giám đốc thương mại Joanna Hoffman chỉ phát hiện ra Mac là máy tính có hệ sinh thái khép kín vào ngày nó ra mắt không?
Không hề có chuyện đó. Trong phim, nhân vật của Kate Winslet tỏ ra kinh ngạc khi biết Macintosh có hệ sinh thái khép kín, tức chỉ cài đặt được những ứng dụng được viết riêng và không tương thích với các hệ thống khác, cũng như nó chỉ có thể tháo lắp bằng một số dụng cụ đặc biệt. Trên thực tế, Joanna Hoffman và toàn bộ đội ngũ sản xuất Macintosh ở ngoài đời đều nắm rõ chuyện đó.
Con gái của Steve Jobs có xuất hiện trong buổi ra mắt Mac và cố gắng nối lại quan hệ với cha bằng cách vẽ trên MacPaint ở cánh gà không?
Thật đáng tiếc là khoảnh khắc đầy yêu thương đó không diễn ra ngoài đời thực. Trước đó, Steve Jobs đã chối bỏ quan hệ cha con với con gái là Lisa Brennan-Jobs, và cũng chưa bao giờ quyết định sẽ gửi thêm tiền cho mẹ cô bé là Chrisann sau khi thấy Lisa sử dụng MacPaint.
Steve Jobs bên cạnh Lisa Brennan-Jobs trong ngày Halloween năm 1986. Ảnh: HistoryvsHollywood |
Có đúng Mike Markkula là người đưa ra ý tưởng đoạn quảng cáo 1984 cho Macintosh không?
Không phải. Chính Steve Jobs mới là người đưa ra ý tưởng quảng cáo máy Macintosh dựa trên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng 1984 của George Orwell. Kết quả là chiến dịch quảng bá 1984 của Apple được đa số coi là một trong những màn quảng cáo vĩ đại nhất lịch sử.
Có phải Apple đã kiện Steve Jobs vào thời điểm ông công bố máy tính NeXTcube không?
Sự thật là Apple đã kiện ông trùm ngành công nghệ vào năm 1985, bởi Steve Jobs rời khỏi công ty và mang theo 5 nhân viên khác nhằm thành lập NeXT. Để đẩy mạnh cao trào, bộ phim đã dời vụ kiện sang ngay trước thời điểm 12/10/1988, ngày NeXTcube chính thức ra mắt.
Steve Jobs đã bao giờ lên kế hoạch tạo ra hệ điều hành riêng cho NeXT và khiến Apple phải mua nó chưa?
Dù hệ điều hành NeXT đã dẫn đến việc Steve Jobs trở lại Apple, thì ông cũng chưa bao giờ tiên đoán được chuyện đó. Và dĩ nhiên nó không nằm trong kế hoạch mà Jobs tiết lộ cho Joanna Hoffman ở phía sau cánh gà vào năm 1988 như trên màn ảnh.
Michael Fassbender tái tạo mẫu hình ảnh quảng cáo máy tính NeXT Cube của Steve Jobs trong quá trình quảng bá bộ phim. Ảnh: HistoryvsHollywood |
Thời điểm iMac ra mắt, Steve Jobs đã trở thành tỷ phú chưa?
Cảnh cuối cùng của bộ phim, xảy ra trước khi iMac ra mắt vào ngày 6/5/1998, cho thấy Steve Jobs đã trở thành tỷ phú. Nhưng thực chất ông không giàu đến thế cho tới khi Disney mua lại Pixar từ ông với giá 7,4 tỷ USD vào năm 2006.
Giám đốc điều hành hãng Apple là Tim Cook nghĩ gì về bộ phim?
Trong một lần xuất hiện trên chương trình The Late Show, người dẫn Stephen Colbert đã hỏi Tim Cook về cảm nghĩ ông dành cho Steve Jobs. Cook trả lời: “Tôi nghĩ có rất nhiều người là kẻ cơ hội, và tôi ghét điều đó. Nó là một phần không tốt đẹp trong thế giới chúng ta,” đồng thời tiết lộ mình chưa xem bất cứ bộ phim nào về người tiền nhiệm.
Aaron Sorkin, nhà biên kịch của cả Steve Jobs và The Social Network, đã phản pháo lại Cook như sau: “Nếu ông ấy có cả một nhà máy ở Trung Quốc đầy trẻ em lắp ráp điện thoại với mức lương 17 xu mỗi giờ, thì Cook kể ra cũng cũng khá bạo gan khi gọi người khác là kẻ cơ hội đấy.” Sau này, Sorkin đã công khai xin lỗi về phát biểu đó.
Steve Jobs có thực sự độc thân vào thời điểm iMac ra mắt không?
Không. Bộ phim Steve Jobs đã khá tự tiện khi loại bỏ chi tiết ông trùm công nghệ từng kết hôn vớiLaurene Powell từ năm 1991 và có với nhau ba đứa con lần lượt vào các năm 1991, 1995 và 1998. Cảnh nối lại tình cảm giữa ông và con gái riêng Lisa ở cuối phim cũng không có thật, và cô gái chỉ ở cùng với Jobs và Powell từ năm 1992 đến 1996.
Chi tiết Steve Jobs và Steve Wozniak công khai cãi nhau to trước khi giới thiệu iMac có thật không?
Cuộc cãi vã đó hoàn toàn là sản phẩm của trí tưởng tượng, bởi tại thời điểm iMac ra mắt năm 1998, Steve Wozniak không còn là nhân viên đang hoạt động tại Apple nữa. Còn lần tranh cãi nảy lửa thực sự giữa hai người lại diễn ra từ nhiều năm trước đó.
Steve Jobs và Apple có thật sự “chiến thắng” sau khi thấy doanh số dự báo của iMac không?
Trong phim, Joanna Hoffman nói với Steve Jobs rằng: “Kết thúc rồi, anh đã thắng”, sau khi cô thấy dự báo doanh số đầy tích cực dành cho iMac. Ở ngoài đời, sản phẩm đã giúp Apple thoát khỏi cảnh thua lỗ lâu dài, nhưng đó không phải là bước ngoặt khiến công ty trở thành đế chế công nghệ. Mãi đến đầu những năm 2000, Apple mới phát đạt trở lại sau thành công bất ngờ của iPod - một sản phẩm chỉ được gợi nhắc thoáng qua trong phim.
Người vợ goá của Steve Jobs phản ứng thế nào với bộ phim?
Laurene Powell Jobs đã vận động hành lang cả hai hãng phim Universal và Sony để ngăn cản bộ phim được sản xuất. Universal từng cố gắng mời bà tham gia dự án, nhưng bị từ chối bởi Powell không có mấy thiện cảm với tác phẩm văn học tiểu sử về chồng bà của nhà báo Walter Isaacson và đó chính là nguyên mẫu chuyển thể của bộ phim Steve Jobs. Trong phim, nhân vật của bà cũng hoàn toàn không được nhắc đến.
Vậy cảm nghĩ của Andy Hertzfeld, nhà thiết kế máy Macintosh đầu tiên, thì sao?
"Gần như không có chi tiết nào trên phim từng xảy ra”, Hertzfeld trả lời trang Re/code. “Chỗ nào cũng xa rời thực tế”.
Những diễn viên nào đã từ chối vai Steve Jobs của Michael Fassbender?
Cả hai gương mặt quen thuộc tại các mùa giải thưởng điện ảnh là Leonardo DiCaprio và Christian Bale đều bỏ qua lời đề nghị vào vai “huyền thoại Táo”. Tin đồn cho rằng Laurene Powell Jobs là người đã trực tiếp tác động đến hai ngôi sao.
Điều thú vị là họ cũng tham gia tranh tài tại Oscar 2016 giống như Michael Fassbender. Leonardo DiCaprio cạnh tranh trực tiếp ở hạng mục Nam chính với The Revenant; còn Christian Bale có đề cử Nam phụ với The Big Short.