Ung thư dương vật không phổ biến nhưng nguy hiểm và để lại hậu quả lớn đối với sức khỏe, tinh thần người bệnh. Ảnh: Freepik. |
Theo thống kê của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế vào năm 2020, ung thư dương vật là bệnh lý không phổ biến ở cả thế giới và Việt Nam.
Tại Việt Nam (năm 2020), bệnh này có 397 ca mắc mới, chiếm tỷ lệ 0,22% trong số các ca ung thư tại Việt Nam. Trong đó, có 147 trường hợp không qua khỏi, chiếm tỷ lệ 0,12%.
Tỷ lệ mắc ung thư dương vật theo độ tuổi tương đối thấp, đạt 2,14/100.000 dân. Tỷ lệ này có thể khác nhau tùy thuộc vào nhóm chủng tộc, dân tộc và vị trí địa lý.
Tuy không phổ biến và chỉ chiếm một tỷ lệ rất nhỏ các ca mắc ung thư ở nam giới, nhưng mức độ nguy hiểm của bệnh ung thư dương vật rất cao. Nếu không được phát hiện và chữa trị kịp thời, ung thư dương vật có thể lan rộng sang các mô xung quanh như bàng quang, hậu môn, tiểu khung và cả đường tiếp khớp, dẫn đến di căn.
Điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy nguy hiểm, ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và đe dọa tính mạng người bệnh.
Thời gian gần đây, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc đã ghi nhận một số trường hợp ca bệnh phải chỉ định thực hiện phẫu thuật cắt cụt dương vật và nạo vét hạch điều trị ung thư dương vật do hẹp bao quy đầu.
Đây là một vấn đề sức khỏe nghiêm trọng mà nhiều nam giới chưa nhận thức đầy đủ. Những ca bệnh này không chỉ gây ra nỗi đau về thể chất mà còn để lại những tổn thương lớn về mặt tinh thần.
Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tuấn, Phó trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc, việc người bệnh phải phẫu thuật cắt cụt dương vật là điều rất đáng tiếc do bệnh này hoàn toàn phòng tránh được.
Nguyên nhân gây ra ung thư dương vật rất đa dạng, nhưng hay gặp nhất là hẹp bao quy đầu gây ứ đọng nước tiểu. Điều này tạo điều kiện cho vi khuẩn và virus phát triển, lâu dần phát triển thành tế bào ung thư.
Phát hiện ung thư dương vật càng sớm, hiệu quả điều trị càng cao. Ảnh minh họa: Unsplash. |
Phẫu thuật cắt cụt dương vật và nạo vét hạch bẹn trong điều trị ung thư dương vật là ca phẫu thuật lớn, không chỉ ảnh hưởng đến ngoại hình, chức năng sinh lý mà còn tác động nặng nề đến tâm lý người bệnh. Sau phẫu thuật, nhiều bệnh nhân phải đối mặt với khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày, giảm sút sự tự tin, và các vấn đề tâm lý kéo dài.
Do vậy, phát hiện ung thư dương vật càng sớm thì càng có lợi. Nếu được phát hiện sớm, cơ hội điều trị thành công và chữa khỏi sẽ tăng cao. Ở trường hợp ngược lại, khi chẩn đoán bị trì hoãn, bệnh có thể trở nên tồi tệ hơn.
Nếu để ung thư tiến triển, quá trình điều trị có thể ít thành công hơn và gây nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.
Mọi người có thể phát hiện ung thư dương vật thông qua các dấu hiệu đặc trưng như:
- Một hoặc nhiều vùng da dương vật trở nên dày hơn và/hoặc có sự thay đổi về màu sắc.
- Có một khối u xuất hiện trên dương vật (thân, quy đầu, bìu,…) không đau
- Xuất hiện vết loét đau trên dương vật, có thể chảy máu.
- Xuất hiện phát ban màu đỏ, mượt như nhung trên da dương vật.
- Có vết sưng nhỏ, căng, dễ vỡ.
- Xuất hiện các nốt sần nhỏ.
- Dương vật tiết ra chất lỏng có mùi hôi dưới bao quy đầu.
- Dương vật bị sưng tấy và kích ứng, nhất là ở vị trí vùng đầu dương vật (có thể phát triển thành viêm quy đầu).
Tuy nhiên, không phải lúc nào các triệu chứng này đều là dấu hiệu của ung thư dương vật. Nhiễm trùng hoặc phản ứng dị ứng cũng có thể gây ra các triệu chứng tương tự.
Cố vấn chuyên môn: Bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Tuấn, Phó trưởng khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Phúc.
Sách hay về sức khỏe con người
Giáo sư ngành miễn dịch học tại Đại học Manchester (Anh) Daniel M. Davis đã cung cấp góc nhìn khoa học về hệ miễn dịch trong cuốn sách Hệ miễn dịch: Khám phá cơ chế tự phòng, chữa bệnh của cơ thể người.
Để giúp bạn đọc dễ hiểu về hệ miễn dịch, tác giả lấy ví dụ về phản ứng của cơ thể với vết cắt hay nhiễm trùng. Khi đó, bên dưới da đã “diễn ra điều kỳ diệu”, các tế bào di chuyển đến để chống lại mầm bệnh, cũng như sửa chữa tổn thương và đối phó với các mảnh mô bị hư tổn. Những diễn tiến âm thầm này rất cần thiết cho sự sống còn của cơ thể.