Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gánh nặng của con gái cả trong gia đình

Là chị cả trong nhà, nhiều cô gái Philippines phải gánh vác trách nhiệm nặng nề hơn những thành viên còn lại từ công việc gia đình đến hỗ trợ tài chính.

Majann Lazo (28 tuổi, sống tại Manila, Philippines) từng ghét nấu nướng khi còn nhỏ.

Tuy nhiên, là chị cả, cô phải vượt qua sự ác cảm của mình và học cách xử lý “trăm công nghìn việc” vốn được coi là trách nhiệm của những đứa con đầu lòng. Đó cũng là số phận chung của nhiều bé gái khi sinh ra ở châu Á, theo SCMP.

Trong gia đình của Majann, cô được xem là “áte’ (chị gái), thuyền trưởng của cả con tàu, người sẽ giám sát mọi thứ xảy ra trên boong. Trong nhiều năm, Majann phải cân bằng việc học tại trường với các nhiệm vụ ở nhà như dạy kèm em gái, nấu ăn và quản lý chi tiêu.

Con gai dau long tai Philippines anh 1

Majann chuẩn bị bữa sáng cho các thành viên trong gia đình. Ảnh: SCMP.

“Mẹ tôi mất trong một vụ tai nạn xe hơi khi tôi 10 tuổi. Tôi luôn tự nhủ rằng mình cần chăm sóc cho em gái Eljann (khi đó mới 7 tuổi) vì chúng tôi không còn mẹ nữa”, Majann bày tỏ.

Majann hiện là sinh viên ngành luật. Ngoài học hành và giúp chồng điều hành công việc kinh doanh, cô vẫn chu toàn mọi thứ với sự hỗ trợ của người giúp việc bán thời gian (tên là Winnie). Riêng Eljann không sống cùng chị gái vì đang làm việc ở một tỉnh phía bắc Manila.

“Tôi làm tất cả điều này vì gia đình. Mẹ sẽ rất tự hào về tôi”, Majann nói.

Đảm đương việc nhà

Không chỉ Majann, nhiều cô gái khác trên khắp xứ sở nghìn đảo cũng đang gánh trên vai trách nhiệm nặng nề của con cả. Trong đó có Jasmine Buenaventura (17 tuổi), sống ở một ngôi làng xa xôi ở phía bắc Philippines. Mỗi ngày, cô phải dậy lúc 6h30 để quét dọn nhà cửa.

Sau đó, cha sẽ đưa cô và các em trai đến một ngôi nhà khác trong làng - nơi có kết nối Internet. Tại đây, cả 3 sẽ tham gia các lớp học trực tuyến trong khi đợi mẹ làm việc. Vào buổi tối, Jasmine cùng các em trở về nhà, cô lại tiếp tục nấu nướng, rửa bát và ru chúng ngủ.

“Một người phụ nữ đúng nghĩa là phải trưởng thành, có trách nhiệm và có ích cho gia đình. Những con gái đầu lòng cũng là người mà cha mẹ tin tưởng nhất”, Jasmine nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng những kỳ vọng đặt lên các bé gái được sinh đầu tiên trong nhà có thể tạo nên áp lực khi chúng lớn lên và thậm chí phải trả giá cho sau này.

Ở Philippines, “áte” là một từ trong phương ngữ Hokkien biểu thị thứ tự sinh và thâm niên của phụ nữ, thường là người có nhiệm vụ chăm sóc, làm nhiều việc nhà.

Tiến sĩ Excelsa Tongson, một học giả tại Đại học Philippines, cho biết định kiến ​​giới bắt đầu từ gia đình.

“Những con gái đầu lòng được đặt trách nhiệm nặng nề như các bà mẹ. Còn con trai cả thì phải có nhiệm vụ bảo vệ, lo cơm áo gạo tiền như người cha. Điều đó quá rập khuôn bởi vì sẽ tạo nên suy nghĩ là họ phải sống như thế vì giới tính của mình”, Tiến sĩ Excelsa Tongson nhận định.

Nam giới và trẻ em trai không được yêu cầu làm việc nhà vì họ có những kỳ vọng khác nhau như lái xe cho gia đình, nâng hàng nặng, lo kinh tế và bảo vệ anh chị em. Đối với những gia đình không có con trai, “áte” phải vừa chăm sóc vừa chu cấp cho cả nhà.

Mặc định là trách nhiệm của con đầu

SCMP đã khảo sát 25 phụ nữ Philippines là con đầu lòng sống ở Manila từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái. 56% số người được hỏi cho hay họ phải hỗ trợ tài chính cho gia đình, tiếp theo là thanh toán các hóa đơn, chăm sóc các thành viên khác và làm việc nhà.

Một nghiên cứu của UNICEF ​​năm 2016 cũng ủng hộ lời giải thích của Tiến sĩ Tongson.

Thống kê của tổ chức này cho thấy trên toàn thế giới, trẻ em gái từ 5-14 tuổi dành nhiều thời gian hơn 40% - nhiều hơn 160 triệu giờ một ngày - cho công việc nhà so với bé trai cùng tuổi. Thời gian sẽ tăng lên khi các cô gái dần trưởng thành.

“Các bé gái phải làm việc nhà từ thời thơ ấu. Đến tuổi vị thành niên, số lượng công việc sẽ ngày càng tăng lên. Kết quả là chúng phải hy sinh những cơ hội quan trọng để học hỏi, trưởng thành và tận hưởng tuổi thơ của mình”, Anju Malhotra, từng là cố vấn về giới của UNICEF, nói.

Jasmine kể rằng cô từng tranh luận với cha mẹ để nhờ giúp đỡ nhưng họ không muốn cô dành quá nhiều thời gian cho việc học ở trường.

“Tôi thực sự cảm thấy tồi tệ khi cha mẹ yêu cầu tôi chăm sóc anh em mình. Họ dường như không thể hiểu được tôi”, Jasmine chia sẻ.

Tuy nhiên, vì cô là chị cả nên phải học cách trưởng thành và tránh để cho những mâu thuẫn trượt dài.

Đối với Majann, tận tâm với gia đình đồng nghĩa với việc có rất ít hoặc hầu như không có thời gian dành cho bản thân cũng như cơ hội thực hiện những mong muốn riêng.

Áp lực phải chu toàn việc nhà khiến cô trở nên căng thẳng. Majann đôi lúc cảm thấy bực bội và muốn kiểm soát mọi thứ.

"Có những lúc tôi rất tức giận khi những người ở nhà không làm theo yêu cầu của tôi".

Vài năm trước, Majann được chẩn đoán mắc chứng rối loạn lưỡng cực. Bác sĩ nói rằng nguyên nhân có thể là do cô bị stress lâu ngày.

25 người được SCMP khảo sát cũng từng trải qua thời gian khó khăn như Majann, một số người còn bị kiệt sức, quá tải.

Tiến sĩ Rowena Laguilles-Timog, chủ tịch ban Nghiên cứu và Phát triển Phụ nữ tại UP Diliman, cho biết nhiều người Philippines cảm thấy bị mắc kẹt trong những vai trò của họ.

Còn Tiến sĩ Tongon thì hy vọng vào tương lai phía trước, vì thái độ đối với giới đang dần thay đổi.

“Mọi người nên nhận ra rằng bất kể thứ tự sinh, con đầu lòng là nam hay nữ, mọi trẻ em đều cần được quan tâm như nhau”, cô nói.

Những đứa trẻ không biết mặt ông bà, họ hàng vì đại dịch

Những em bé được sinh ra trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã trải qua khoảng thời gian khó khăn để phát triển khi không thể tương tác với thế giới bên ngoài.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm