Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gánh nặng phải ngoan hiền, khéo léo dù bị hỏi chuyện kém duyên

Sự phản đối của cộng đồng mạng đối với cách đối đáp của Tlinh cho thấy khuôn mẫu giới về lối cư xử của phụ nữ.

Sau đêm chung kết Rap Việt mùa 2, cuộc đối thoại giữa rapper Tlinh và MC Trấn Thành đã trở thành chủ đề nóng trên không gian mạng. Khi được Trấn Thành hỏi “có độc thân không”, Tlinh gượng cười và đáp: “Anh có thể hỏi câu nào tinh tế hơn được không ạ?”.

Nữ rapper đã chịu sự chỉ trích từ dư luận vì cách phản ứng trên. Nhiều người cho rằng cô “vô lễ” và “không tôn trọng đàn anh”. Ngày 27/1, Tlinh lên tiếng xin lỗi Trấn Thành và người hâm mộ trên trang cá nhân.

Việc bị “hỏi khó” như Tlinh không phải chuyện hiếm. Trên thực tế, trong các cuộc phỏng vấn, nhiều phụ nữ có ảnh hưởng khắp thế giới cũng thường bị hỏi về đời tư, ngoại hình thay vì công việc của họ. Những người này đã không ngần ngại chỉ ra định kiến giới trong các câu hỏi trên và nhận được sự ủng hộ.

Tuy nhiên, khi Tlinh thể hiện sự không thoải mái trên sóng truyền hình và chỉ ra sự thiếu tinh tế của người đối diện, cô gặp phải phản ứng dữ dội của cộng đồng mạng.

Theo PGS.TS Vũ Tiến Hồng, giảng dạy chuyên ngành Báo chí tại Đại học Kansas (Mỹ), cách đánh giá của cộng đồng với nữ rapper cho thấy vấn đề định kiến giới còn nặng nề ở Việt Nam, khi phụ nữ vẫn được kỳ vọng phải cư xử ngoan hiền, lễ độ.

Tlinh xin loi Tran Thanh anh 1

Phản ứng của cộng đồng trước câu trả lời của Tlinh cho thấy định kiến giới nặng nề.

Những câu hỏi nông cạn cho phụ nữ

Theo Tribune, việc phụ nữ gặp những câu hỏi nông cạn, xoáy vào đời tư, ngoại hình thể hiện định kiến giới sâu sắc. Tình trạng này cũng rất phổ biến và gây bất bình cho nhiều người.

Trong cuộc họp báo ra mắt phim Avengers vào năm 2012, nữ diễn viên Scarlett Johansson gặp câu hỏi về chế độ ăn kiêng để mặc vừa bộ đồ bó sát, trong khi bạn diễn nam của cô là Robert Downey Jr. được hỏi về quá trình nhập vai.

Năm 2015, phóng viên của Cosmopolitan đã thực hiện một cuộc phỏng vấn đi ngược kịch bản thông thường cùng Scarlett Johansson và Mark Ruffalo. Trong đó, nam diễn viên sẽ phải trả lời những câu hỏi nữ diễn viên thường xuyên nhận được và ngược lại. Kết quả là, khi Johansson kể về vai diễn, Ruffalo phải nói về cách ăn kiêng, trang điểm, hay đồ lót đang mặc.

Tlinh xin loi Tran Thanh anh 2

Trong cùng một buổi phỏng vấn, Scarlett Johansson và Robert Downey Jr. nhận 2 loại câu hỏi khác hẳn nhau. Ảnh: Newsbeezer.

Diễn viên Mỹ Reese Witherspoon từng bắt đầu chiến dịch #AskHerMore (tạm dịch: Hãy hỏi cô ấy nhiều hơn) trước lễ trao giải Oscar 2015 nhằm được hỏi những câu sâu sắc hơn là “Đêm nay bạn mặc trang phục của nhà thiết kế nào?”.

Không chỉ trong giới giải trí, những người phụ nữ thành công trên chính trường cũng gặp nhiều câu hỏi về ngoại hình hay đời sống gia đình, tình cảm.

Trong buổi phỏng vấn năm 2011, nữ chính khách Hillary Clinton từng bị hỏi: “Nhà thiết kế yêu thích của bà là ai?”. Clinton đã không ngần ngại chỉ ra định kiến giới: “Tôi không nghĩ bạn sẽ hỏi một người đàn ông như vậy”.

Giải thích hiện tượng truyền thông hay hỏi phụ nữ về chuyện riêng tư, PGS.TS Vũ Tiến Hồng cho biết: “Những phụ nữ thành công trong sự nghiệp thường bị đánh giá trên những phương diện truyền thống như gia đình, ngoại hình. Đó là những tiêu chuẩn rất lỗi thời, bất công và tạo áp lực lên người phụ nữ, nhất là khi họ đã phải nỗ lực vượt qua vai trò truyền thống để trở thành người có ảnh hưởng trong xã hội”.

Trong trường hợp của Trấn Thành và Tlinh, khá khó để kết luận liệu có chủ ý về định kiến giới, bởi nam MC từng hỏi về đời tư của nhiều nghệ sĩ khác nhau, bao gồm cả nam lẫn nữ.

Tuy nhiên, cần chú ý rằng việc tập trung vào đời tư, ngoại hình thay vì nỗ lực, thành công của nữ nghệ sĩ sẽ khiến khuôn mẫu giới đối với phụ nữ thêm nặng nề.

Tlinh xin loi Tran Thanh anh 3

Nữ chính trị gia Hillary Clinton từng gặp câu hỏi về thời trang, ngoại hình. Ảnh: NBC News.

Định kiến từ sự đánh giá

Sau khi nói rằng Trấn Thành thiếu tinh tế, Tlinh đã chịu sự chỉ trích liên quan đến thái độ. Cụ thể, cô bị nhận xét là “không khéo” hay “thiếu tôn trọng”. Nhiều người bình luận gợi ý nữ rapper có thể chọn cách “lịch sự” hơn để trả lời.

Điều này cho thấy cộng đồng mạng không nhất thiết đồng ý với câu hỏi của Trấn Thành, nhưng muốn Tlinh đáp lại một cách hiền hòa, khiêm nhường hơn.

Trong xã hội Việt Nam, phụ nữ vẫn thường được kỳ vọng phải cư xử nhẹ nhàng, khéo léo, làm vừa lòng người khác. Những hình ảnh phụ nữ mạnh mẽ, thẳng thắn gây cảm giác khó chịu với nhiều người.

Một ví dụ điển hình cho điều này là nữ quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm 2020 cũng từng bị dư luận ném đá vì thể hiện “thái độ ăn mừng kiêu căng, quá tự tin”.

Tlinh xin loi Tran Thanh anh 4

Thu Hằng, quán quân Olympia 20, từng bị chỉ trích vì thể hiện sự tự tin. Ảnh: Quỳnh Trang.

Tiến sĩ Hồng cho biết cảm giác khó chịu trên bắt nguồn từ định kiến giới, khi ngành giải trí và rộng hơn là cả xã hội đã quen với việc phụ nữ phải ngoan ngoãn, lễ phép, nói năng nhỏ nhẹ.

Khi gặp tình huống khó xử, Tlinh chọn cách đối đầu trực diện thay vì khéo léo nói lảng đi hay mỉm cười im lặng. Sự thể hiện cá tính riêng, trái với khuôn mẫu đã khiến nữ rapper gặp bất lợi.

“Trong trường hợp này, nếu thay Tlinh bằng một thí sinh nam trả lời câu hỏi tương tự, mọi người có thể khen là ‘cá tính’ hoặc ‘dũng cảm’ vì nam giới được coi là mạnh bạo, sẵn sàng đương đầu với những vấn đề khó khăn”, tiến sĩ Hồng nêu ví dụ.

Tựu trung, trước một câu hỏi xoáy vào đời tư và gây khó xử, ai cũng có thể chọn cách trả lời hoặc từ chối mà mình muốn. Nữ giới nên có quyền thẳng thắn đáp lại những điều khiến họ không thoải mái mà không cần xin lỗi về thái độ của mình.

Không ai phải xin lỗi khi nhận được câu hỏi xoáy vào đời tư

Trước những câu hỏi mang tính riêng tư, nhiều ngôi sao nổi tiếng trên thế giới đều tỏ thái độ thẳng thừng và quyết liệt. Họ không lảng tránh cho qua hay xin lỗi người phỏng vấn.

Mai Hoàng

Bạn có thể quan tâm