Hai luồng ý kiến tranh luận đã nổ ra về clip của nhóm người đứng hô hào gây sự chú ý trên phố đi bộ Nguyễn Huệ này. Một bên cho rằng, các bạn trẻ “hoang tưởng”, bên khác lại nghĩ rằng, chẳng có gì sai khi các bạn trẻ tự tạo ra mục tiêu phấn đấu cho mình.
Ảo tưởng hay tham vọng?
Viển vông, ảo tưởng, mê muội, thậm chí điên khùng là những cụm từ rất nhiều người dành cho các bạn trẻ trong clip.
"Bạn trẻ làm giàu: Hô hào mục tiêu là đủ?" - nhiều người góp ý.
Quan điểm khác lại cho rằng việc đặt ra mục tiêu là không sai, nhưng các bạn cần biết cách thực hiện mục tiêu của mình.
“Ước mơ không có tội, cam kết với mục tiêu của mình là bước đầu tiên để các bạn vươn tới thành công. Nhưng điều quan trọng là bạn sẽ thực hiện nó bằng cách nào. Nếu điều bạn làm đem lại lợi ích cho xã hội và cộng đồng thì bạn sẽ được xã hội tôn vinh, còn làm ngược lại thì có thể bạn phải trả giá rất đắt” - bạn đọc Nguyễn Thanh Thịnh nói.
Hiện có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh clip này. |
Xác định mục tiêu: đúng nhưng chưa đủ
Ông Nguyễn Quang Ngọc, dịch giả cuốn sách Bí mật cho rằng các bạn trẻ trong clip này đang thực hiện một phương pháp có hiệu quả và được áp dụng nhiều trên thế giới, đó là đưa ra mục tiêu làm giàu để tạo động lực mạnh mẽ cho bản thân.
“Những hình ảnh này gợi cho tôi nhớ lại bản thân mình cách đây 5 năm. Lúc ấy khởi nghiệp, tôi chưa có kiến thức và kinh nghiệm nên làm đến đâu thất bại đến đó, mất tiền, mất thời gian, công sức và còn đổ vỡ nhiều mối quan hệ. Sau đó, tôi tự đặt ra những mục tiêu cho mình và cam kết thực hiện tới cùng những mục tiêu đó. Dần dần thì thành công cũng tới” - ông Nguyễn Quang Ngọc chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Quang Ngọc, việc đặt mục tiêu thôi là chưa đủ, quan trọng là phải cam kết đạt được mục tiêu.
Phải học tập và làm việc ở mức tập trung cao độ thì mục tiêu đó mới trở thành hiện thực. Ngoài ra, trước khi đặt mục tiêu thì phải suy nghĩ kỹ và luôn phải có trách nhiệm với quyết định của mình chứ không đổ thừa cho ai khác.
Đồng quan điểm với ý kiến trên, ông Đặng Tân Phong, chủ tịch The Olymbook Team cho rằng bên cạnh mục tiêu, những điều đầu tiên cần phải có còn là định hướng và tư duy đúng.
“Câu hỏi các bạn trẻ mong muốn làm giàu cần đặt ra là, mình phải cho đi những giá trị gì trước khi kỳ vọng nhận lại tiền và những lợi ích tương đương. Có cho đi thì mới có hy vọng nhận kết quả về, đây là khuôn mẫu chung của các bậc thầy trên thế giới về kiếm tiền.
Bạn trẻ phải xác định rõ điều ấy chứ không thể đặt mục tiêu bằng mọi cách kiếm tiền được. Ban đầu phải tạo được giá trị cho cộng đồng trước, danh lợi và tiền bạc sẽ đến sau" - ông Đặng Tân Phong phân tích.
Làm giàu được nhưng không dễ...
Anh Trần Nguyên, một người có nhiều kinh nghiệm khởi nghiệp chia sẻ anh từng thất bại khá nhiều lần khi mới chập chững ra riêng.
“Khởi nghiệp lần đầu năm 20 tuổi, cùng với một người bạn mở công ty tin học, lúc đó nghĩ mình có thể làm được nhiều thứ vĩ đại lắm. Nhưng rồi công ty chỉ có một khách hàng duy nhất và chúng tôi cũng xài hết tiền để dành. Kế đến, tôi mở một công ty về thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu nhưng cũng không đi đến đâu”- anh Nguyên kể.
"Các bạn cần biết rằng làm giàu chân chính đòi hỏi sự cố gắng, nỗ lực rất nhiều. Vì vậy các bạn trẻ cần làm giàu kiến thức, kỹ năng cho mình trước khi nghĩ đến chuyện làm giàu tiền bạc" - Thạc sĩ Vũ Tuấn Anh, giám đốc điều hành Viện Quản lý Việt Nam, nhận định như vậy tại một hội thảo do Bộ GD&ĐT tổ chức.
Anh Trần Nguyên cho biết hai lần thất bại này đều đưa đến một kinh nghiệm: "khởi nghiệp thì phải tập trung 100%, thậm chí 150% sức lực".
Theo anh Trần Nguyên, chuyện thất bại trong khởi nghiệp là bình thường, chẳng có gì là ghê gớm. Cho dù chuẩn bị tốt tới mức nào thì khả năng thất bại vẫn còn đó. Kinh doanh không có chuyện đúng hay sai, mà chỉ có sự phù hợp. Mình làm đúng hết, nhưng không phù hợp hoàn cảnh thì vẫn cứ thất bại.
Ông Đặng Tân Phong chia sẻ quan điểm người khởi nghiệp phải hiểu thị trường không đủ chỗ cho tất cả mọi người cùng thành công. Ai giỏi hơn, mạnh hơn thì người đó sẽ chiến thắng. "Thành công không dành cho mọi người mà chỉ dành cho thiểu số. Người khởi nghiệp phải hiểu rõ điều này" - ông Phong nói..
Ở một góc nhìn khác, ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo quản trị và an ninh mạng ATHENA cho rằng các khóa học làm giàu như cơn sốt hiện nay trên thị trường trang bị cho người học nhiều kỹ năng và kinh nghiệm tuy nhiên để biến những điều được học thành thực tế thì đòi hỏi rất nhiều nỗ lực, cố gắng.
“Từ lúc khởi nghiệp đến khi công việc được thuận lợi là một quá trình dài nhiều năm. Theo kinh nghiệm của tôi thì không bao giờ có chuyện thành công chỉ trong vòng 1-2 tháng. Thành công chỉ đến sau nhiều năm nỗ lực, nếu không kiên nhẫn thì sẽ dễ thất bại” - ông Võ Đỗ Thắng chia sẻ.
Ông Võ Đỗ Thắng cho rằng, người muốn khởi nghiệp trước tiên phải đi tìm cho mình giá trị cốt lõi trong những sản phẩm của bản thân. Có như vậy thì mới hạn chế được sức ảnh hưởng của thị trường và tạo lợi thế cạnh tranh. Thường thì phải mất nhiều năm để tìm được giá trị cốt lõi đó nên buộc phải kiên trì.
Theo ông Võ Đỗ thắng, các bạn trẻ hiện nay hay những đặt mục tiêu như trong một năm phải kiếm được 100.000 $ hay 200.000 $ mà không phải là đặt mục tiêu về sản phẩm, về giá trị cốt lõi mà mình mang đến.
“Tôi quan niệm rằng mình phải nỗ lực để tạo dựng uy tín trước, đồng tiền sẽ tiếp bước đến sau. Hữu xạ tự nhiên hương mà thôi, từng bước tạo niềm tin với khách hàng, khách hàng sẽ tự tìm đến với mình, tài chính và các nguồn lực hỗ trợ khác cũng sẽ tới.
Nhiều bạn trẻ mong muốn kiếm tiền quá nhanh nên vội vã, hấp tấp. Chính những hấp tấp này có thể dẫn tới thất bại” - ông Võ Đỗ Thắng nói.
Bên cạnh đó, ông Võ Đỗ thắng cũng cho rằng một điều quan trọng là các bạn trẻ phải tìm cho mình những người thành công thật sự để học hỏi về kinh nghiệm và kỹ năng thực tế, bởi lý thuyết làm giàu và thực tế thương trường khác nhau không ít.
Hành động chính là cầu nối giữa tư duy và hiện thực
Tôi thấy bản thân tư duy triệu phú có thể không khốn cùng nhưng hiện tượng xã hội bây giờ đôi khi khốn cùng, trong một góc hẹp.
Xã hội đang xuất hiện một số người tổ chức các hội thảo thuyết trình một cách bát nháo thậm chí dạy không học cũng giàu được, không chơi với người nghèo chỉ chơi với người giàu hoặc khuyên tất cả mọi người đi làm kinh tế... Nếu tất cả xã hội ai cũng đi làm duy nhất một việc thì ai sẽ tạo ra các giá trị khác cho con người?
Tôi ủng hộ các lớp truyền cảm hứng, truyền động lực cho mọi người tuy nhiên diễn giả phải làm sao để họ nhận thức đúng. Làm sao để người đi học tiếp nhận, xử lý, hành động đúng, phù hợp với từng cá nhân.
Gần đây nhiều bạn trẻ đến các hội thảo ảo tưởng không học đại học vẫn thành công. Nhiều bạn sinh viên đang học ĐH bỏ học hoặc học ĐH không đàng hoàng. Xu hướng đang lan rộng trong giới trẻ. Nhiều bạn đặt mục tiêu về tiền bạc không phù hợp với bản thân.
Mỗi người sinh ra có một sứ mệnh (hay còn còn là mục đích). Thứ nhất, nếu ngay từ đầu mình không đi trên đúng mục đích đó, chắc chắn dễ gặp thất bại, sẽ gãy đổ. Trong thất bại, nếu nhìn ra, tìm ra được mục đích của cuộc đời, sẽ thành công. Thứ 2, nếu ngay từ ban đầu, mình đi đúng mục đích của cuộc đời mình, mình sẽ thành công.
Các bạn trẻ có suy nghĩ, có cảm xúc nhưng phải hành động mới có kết quả. Hành động chính là cầu nối giữa tư duy và hiện thực. Đặc biệt, quan trọng là khi xác lập mục tiêu, nên xác lập mục tiêu phù hợp với mình.