Gặp cô gái mạo hiểm diễn xiếc từ lúc 11 tuổi
23 tuổi đời nhưng đã có 12 năm tuổi nghề, cô gái trẻ còn ẵm hàng loạt huy chương quốc tế về xiếc. Với tài năng của mình, cô cũng đã trình diễn trên các sân khấu lớn của thế giới.
Lưu Thị Hường sinh năm 1989, cô bạn hiện công tác tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Dù còn rất trẻ nhưng Hường từng giành Huy chương đồng liên hoan tài năng trẻ 3 nước Đông Dương, Huy chương bạc liên hoan xiếc quốc, Huy chương bạc liên hoan xiếc tổ chức tại Nga...
Cô đã có những chia sẻ về nghề nghiệp của mình:
Lưu Thị Hường. |
- Diễn viên xiếc là nghề không phải dễ dàng để chọn lựa, vậy điều gì đã khiến em bén duyên với lĩnh vực này?
- Lý do em đến với nghề xiếc cũng rất bất ngờ. Ngay từ nhỏ, khi em xem trên tivi thấy các cô chú biểu diễn xiếc rất hay, thú vị. Chính vì vậy, em đã cảm thấy thích, đam mê nghề xiếc ngay từ lúc đó. Và cũng vì lý do hết sức đơn giản như vậy nên em quyết định sẽ học để có thể trở thành diễn viên xiếc. Tuy nhiên, phải đến năm 2000 thì em mới thực sự bước chân vào nghề này. Tính đến bây giờ thì em đã hoạt động trong nghề được 12 năm rồi.
- Gia đình em có ai theo ngành này hay không? Khi em quyết định đến với xiếc thì bố mẹ đã có ý kiến như thế nào?
- Nhà em có 2 chú đều theo nghề xiếc nên đôi khi em cũng được các chú hướng dẫn, chỉ bảo. Về phía gia đình thì bố mẹ cũng chỉ bảo nghề này hết sức nguy hiểm và dặn dò em phải cẩn thận mỗi khi luyện tập. Tuy nhiên bố mẹ vẫn hết sức đồng tình khi em quyết định lựa chọn nghề này. Bởi nó là niềm đam mê cũng như sở thích của em.
Những màn nhào lộn mạo hiểm của |
- Đây là một nghề đòi hỏi sức khỏe, sự khéo léo, tập luyện bền bỉ trong nhiều năm liền cũng như sự dẻo dai. Vậy một cô gái như em khi tham gia luyện tập cũng như biểu diễn có gặp khó khăn, bất trắc gì?
- Thông thường một cô gái khi tham gia vào lĩnh vực này thường gặp một số hạn chế nhất định về sức khỏe. Có nhiều động tác phải đòi hỏi không chỉ sự khéo léo mà còn phải có sức khỏe tốt nữa.
Ngoài ra tâm lý không sợ độ cao cũng rất quan trọng, bởi nếu như một ai đó mắc chứng bệnh sợ độ cao thì rất khó để có thể thực hiện được bài diễn như “dây căng cao”. Ở đó, sẽ có một sợi dây cách mặt đất khoảng 3m. Người diễn viên phải đi qua đi lại trên sợi dây đó, đôi khi những bạn nữ được đứng trên vai các bạn nam, tay cầm một cái sào để giữ thăng bằng và rồi các bạn nam sẽ đi qua trên sợi dây đó. Nếu như bạn nào mắc chứng bệnh sợ độ cao chắc chắn không thể thực hiện được động tác này.
Về cơ bản, đã là xiếc thì phải có nhiều khó khăn, nhưng nếu bản thân mình thực sự yêu thích nó thì em nghĩ sẽ vượt qua được hết. May mà sức khỏe của em tốt nên đối với em việc tập luyện cũng không vất vả lắm.
Hơn nữa, những nữ diễn viên phải đầu tư tiền trang phục nhiều hơn các nam diễn viên. Tuy đoàn đã cho tiền để mình may nhưng nhiều khi bọn em vẫn phải bỏ tiền ra để sắm thêm cho mình. Mỗi lần như vậy cũng mất vài trăm ngàn đến một triệu.
Cô gái trẻ cùng các đồng nghiệp. |
- Hiện nay lịch tập và biểu diễn của em như thế nào, có kín mít hay không?
- Một tuần trung bình bọn em diễn 3 buổi vào cuối tuần: tối thứ 7, sáng chủ nhật và tối chủ nhật. Những ngày còn lại thì bọn em không phải biểu diễn, nhưng thay vào đó là phải tập luyện cho tốt. Trừ chủ nhật thì hầu như ngày nào bọn em cũng phải luyện tập, sáng từ 9h-12h và chiều thì từ 14h-17h. Còn những dịp cao điểm như 1/6 thì một tuần bọn em phải diễn khoảng 20 buổi, mỗi buổi kéo dài khoảng 2 tiếng.
- Thường thì tiết mục "đinh" của Hường là gì?
- Hiện tại em đang biểu diễn 4 tiết mục, đó là dây lụa tập thể, dây dọc đơn, đi dây, dây dọc đôi.
Tiết mục dây dọc đơn nghĩa là sẽ có một sợi dây thừng được nối từ trên cao xuống dưới mặt đất, tiếp đó em sẽ cầm đạo cụ để móc vào sợ dây, tay còn lại sẽ bám vào sợi dây. Khi đó người sẽ phải nằm ngang, ở dưới sẽ có một người con trai cầm đầu dây và xoay tròn nhiều lần. Còn dây dọc đôi tức là người con trai sẽ được móc 2 sợi dây vào 2 bên hông, sau đó em sẽ đu lên người đó rồi biểu diễn trên cao.
Cả 2 tiết mục này đều tương đối khó vì chỉ cần sơ sẩy tuột tay ra khỏi dây thì có thể sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Để có thể biểu diễn thuần thục tiết mục đó, em phải mất từ 6 tháng đến một năm để luyện tập. Có nhiều tiết mục phải luyện tập hơn một năm mới biểu diễn được.
- Với một tiết mục nguy hiểm như vậy, chắc hẳn em cũng không tránh khỏi tai nạn nghề nghiệp?
- Có một điều may mắn là từ khi em bước chân vào nghề cho đến nay chưa gặp phải tình huống xấu cũng như tai nạn đáng tiếc nào cả. Khi luyện tập, bọn em thường xuyên bị ngã, nhiều người còn bị gãy tay, gãy chân nhưng sau khi khỏi họ lại tiếp tục luyện tập. Riêng bản thân em thì chỉ bị trầy xước hoặc cơ bắp bị đau nhức thôi chứ không bị nặng. Nhiều khi tập luyện xong người cảm thấy mệt mỏi vô cùng nhưng em biết nghề nào cũng có những vất vả, khó khăn riêng của nó nên một khi mình đã đam mê thì sẽ có thể vượt qua những cái mệt mỏi như vậy.
- Lịch diễn của đoàn đa số là vào cuối tuần hoặc những dịp lễ tết, vậy trong lúc thời gian rảnh rỗi em thường làm gì?
- Tuy bọn em chỉ diễn vào cuối tuần nhưng ngày thường bọn em vẫn phải chăm chỉ luyện tập để nâng cao chuyên môn và giữ cho phong độ ổn định. Chỉ cần lười tập một thời gian thì sẽ mất rất nhiều công sức để bắt kịp nhịp độ cũ. Dù tập luyện miệt mài như vậy nhưng em vẫn có thời gian để nghỉ ngơi. Vào những ngày nếu như không phải luyện tập hay biểu diễn thì em đi chơi cùng bạn bè hoặc về quê thăm gia đình.
Dù không phải nghề thời thượng, nhưng là niềm đam mê nên Hường sẽ gắn bó suốt đời. |
- Từng đi diễn nhiều nơi trên thế giới, và thường xuyên đứng ở sân khấu trong nước, em cảm nhận sự khác biệt thế nào về khán giả đối với những nghệ sĩ xiếc?
- Em cũng thỉnh thoảng được cùng đoàn đi diễn ở một số nước như Đài Loan, Lào, Thái Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Monaco và đợt gần đây nhất là ở Nga.
Thực sự em thấy có một sự khác biệt rõ rệt lắm. Khi em biểu diễn ở nước ngoài, mỗi khi bọn em diễn họ đều cổ vũ rất nhiệt tình, họ đều đứng dậy vỗ tay khi buổi diễn kết thúc. Trong khi đó khán giả trong nước thì ngược lại.
Lứa tuổi khán giả bọn em phục vụ đa số đều là các em nhỏ, nhưng ngày nay khi xã hội phát triển, có quá nhiều thứ để các em chú ý, quan tâm. Còn những khán giả khác thì đều tỏ ra không mặn mà với nghề xiếc. Đôi khi, có những người nói rằng: “ Có cho tiền cũng không vào xem xiếc.” Đó là một thực trạng đang diễn ra trong xã hội hiện nay đối với nghề xiếc.
- Dường như cũng có phần "bạc", vậy em có dự định muốn gắn bó lâu dài với nghề?
- Một điều chắc chắn là em sẽ gắn bó với nghề lâu dài, bởi đây là niềm đam mê của em. Em mong muốn rằng trong một tương lai gần nào đó, nghề xiếc của em sẽ ngày càng phát triển, được mọi người quan tâm nhiều hơn, được hưởng nhiều chính xách ưu đãi hơn. Các bộ môn thể dục dụng cụ, thể thao họ đều có những ưu đãi trong luyện tập, chế độ bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp. Còn đối với diễn viên xiếc bọn em thì chỉ có bảo hiểm y tế bình thường như các nghề lao động khác.
Tùng Trần
Theo Infonet