Gặp cô giáo dạy Sử được học sinh 'phát cuồng'
Cô Lê Thị Mỹ Dung – giáo viên dạy Sử trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) đã vô cùng bất ngờ và ngỡ ngàng khi chỉ sau một đêm trở thành người nổi tiếng.
Chỉ sau 2 ngày, fanpage hâm mộ cô Lê Thị Mỹ Dung trên mạng xã hội đã nhanh chóng tăng mạnh và có tới hơn 7.000 lượt người ủng hộ. Cô Dung bất ngờ trở thành “người nổi tiếng” bất đắc dĩ. Hai ngày nay đã có hàng trăm cuộc điện thoại của các phóng viên, của các học sinh cũ, bạn bè của cô gọi điện về chúc mừng.
Thầy Kiều Trung Tiến, Hiệu trưởng Trường THPT Phan Đình Phùng đã đoán ngay ra được vấn đề khi có điện thoại gọi tới, bởi không ít phóng viên đã xin liên hệ phỏng vấn cô. Đối với thầy Tiến, từ bao năm nay, cô Dung vẫn là một trong những giáo viên “nổi tiếng” được học trò yêu mến.
Trước tình cảm của hàng nghìn học trò dành cho mình, cô Dung cảm thấy quá bất ngờ và xúc động. Bản thân cô Dung thường ngày phải chăm lo cho chồng con, soạn giáo án, tham gia giảng dạy nên cũng không có nhiều thời gian lên mạng. Vì vậy, mới gần đây, thông qua những cuộc điện thoại của các học trò, cô mới được biết mình có một lượng fan hâm mộ hùng hậu đến thế.
Cô Dung xúc động chia sẻ: “Học trò yêu ai ghét ai là các con thể hiện ngay dù bằng cách này hay cách khác. Đối với một người giáo viên, khi được biết có rất nhiều học sinh đang dành tình cảm yêu mến đối với mình thì đó là niềm vui, niềm hạnh phúc vô giá”.
Đối với cô, hành động này của các em học sinh cũng thể hiện rằng những công sức cô dành cho học trò đã được các em ghi nhận.
“Học sinh bây giờ tinh lắm. Ai yêu quý các em thực lòng là các em biết ngay. Đối với một người giáo viên, quan trọng nhất là phải thực sự yêu quý học trò của mình” - cô chia sẻ.
Cách dạy “lạ”
Nhiều người vẫn cho rằng, môn Sử là một môn học khô khan và thường làm học sinh căng thẳng, nhưng cô Dung lại biết cách khơi dậy sự ham học hỏi của các em học sinh đối với môn học này.
Cô Dung quan niệm: “Tiêu chí của mình là dạy nhẹ nhàng, giúp trò nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm ngay trên lớp chứ không nhồi nhét tất cả những gì trong sách giáo khoa”.
Thực tế, hiện nay tại trường THPT Phan Đình Phùng cũng không có nhiều em học sinh lựa chọn Lịch sử là môn thi đại học. Vì vậy, với yêu cầu kiến thức của một kỳ thi tốt nghiệp, cô Dung luôn tối giản kiến thức để giúp học sinh không cảm thấy quá căng thẳng đối với môn học.
Đối với mỗi con số, mỗi sự kiện, cô thường giúp học sinh liên hệ đến một ví dụ thực thế để các em có thể nhớ được lâu hơn một cách đầy tính khoa học. Mỗi sự kiện, các em đều được tạo điều kiện để đưa ra chính kiến và quan điểm riêng của mình. Cuối cùng, cô chỉ là người tổng kết các ý kiến để có được nội dung chính xác nhất.
Đối với cô Dung, việc giảng dạy không thể thiếu được sự dí dỏm và hài hước vì đa số các em học sinh đều thích điều này. Khi giáo viên biết truyền đạt kiến thức bằng cách nói nhẹ nhàng và hài hước, học sinh sẽ dễ tiếp thu bài học hơn.
Nhiều học sinh không thuộc bài khi lên bảng đều rất sợ phải đối mặt với giáo viên. Vì vậy, ngay cả những tình huống này, cô Dũng vẫn dùng lời nhẹ nhàng pha chút dí dỏm để học sinh tự nhận ra khuyết điểm của mình. “Vậy tại sao không học bài. Cô tưởng có người yêu đi chơi thì mới không học bài chứ nhỉ?”. Cô Dung chia sẻ một trong những “chiêu thức” cô sử dụng.
Theo quan điểm của cô Dung, đối với những học sinh “cá biệt” trong lớp cũng không nên dùng biện pháp quát mắng hay dọa nạt các em về điểm số. Muốn các em tập trung mình thường dành lời khen, động viên hoặc đơn giản như nhờ các em này trả bài kiểm tra để trò thấy rằng mình cũng rất có giá trị.
Khi gặp những học sinh cá biệt dám lên mặt cãi lại, cô Dung vẫn biết cách kiềm chế để cuối giờ gặp riêng học sinh đó để tâm sự. Nhiều học sinh cá biệt, cũng vì thế đã bị cô “cảm hóa” đã nhận ra lỗi của mình.
Đối với những lớp do cô làm chủ nhiệm, nhiều học trò vẫn coi cô như một người mẹ thứ hai của mình. Biết bao nhiêu những vui buồn của gia đình, giận hờn, ghen ghét đố kỵ trong nhóm bạn hay cả chuyện yêu đương nam nữ, các cô cậu học trò đều tìm đến cô tâm sự. Thậm chí có nhiều học trò nửa đêm còn gọi điện cho cô để tâm sự, nghe cô khuyên giải.
Lúc đó, cô Dung lại đứng ra giảng hòa cho các bên. Đối với chuyện tình yêu, cô không ngăn cấm nhưng luôn nhắc nhở những học sinh của mình rằng: “Cuộc đời ai cũng phải yêu. Cô không cấm được các em. Nhưng ở mỗi thời điểm các em chỉ được phép lựa chọn một thứ thôi. Em có hứa với cô nếu yêu nhưng vẫn học giỏi, học tốt không".
Đối với cô Dung, khi thấy học trò của mình ngày càng trưởng thành, cứng rắn và giỏi giang hơn thì đó đã là niềm hạnh phúc vô bờ đối với một giáo viên.
Thỉnh thoảng, những cuộc điện thoại của những học trò cũ gọi về hỏi thăm hay thông báo về những thành công đầu tiên cũng khiến cô ấm lòng và thêm gắn bó với nghiệp dạy, gắn bó với các trò.
Một số "điển tích" về cô Dung được đăng tải trên trang của Hội phát cuồng vì cá tính cô Dung:
"Hôm 19/11 các thầy cô hát tập thể trên sân khấu, rồi cô kể là cô phải hát cái bài mà cô chưa nghe bao giờ. Thế nhưng cô vẫn đầy tự tin hát cùng các thầy cô khác. Bí mật nằm ở chỗ lời bài hát đã được "idol" nhà mình dính lên lưng thầy Tuyến - (thầy đứng trước cô) cô còn nói chưa bao giờ cô tự tin hát đến vậy". "Có lần trông kiểm tra cô phát hiện ra mấy đứa đang quay bài. Cô thu hết lên bàn rồi bảo: "Quay ruột mèo là kiểu quay... quê nhất trên đời". Cả lớp nhao nhao lên hỏi cô quay kiểu nào mới hay. Cô bảo: "Thi tốt nghiệp xong tôi sẽ dạy"". "Hình phạt của cô đối với những học sinh nói chuyện: Cô sẽ bắt vẽ cái ông Gandhi gì gì đấy. Lần khác thì cô bắt vẽ cái hình người ta đi biểu tình xong bảo là :"Tôi đếm đủ số đầu người đấy đừng có vẽ ăn bớt". |
Thiên Trường
Ảnh: Fanpage “HPC vì cá tính cô Dung sử THPT Phan Đình Phùng”
Theo Infonet