Ngày 3/8 vừa qua, ban tổ chức The Asian Project Market (Chợ dự án châu Á - APM) thuộc liên hoan phim (LHP) Busan đã công bố 30 dự án điện ảnh được chọn từ 15 quốc gia thuộc khu vực này.
Trong đó, dự án của hai đạo diễn trẻ đến từ Việt Nam - Đỗ Quốc Trung và Trần Dũng Thanh Huy - được đánh giá cao, sẽ tham gia thuyết trình trước các nhà sản xuất, nhà đầu tư quốc tế nhằm nhận giải thưởng bằng tiền mặt để làm phim. APM 2015 dự kiến diễn ra trong ba ngày (4-6/10), tại thành phố Busan, Hàn Quốc.
Trước tín hiệu đáng mừng dành cho sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà, Zing.vn đã gặp và trò chuyện với chàng đạo diễn 9X - Đỗ Quốc Trung - để nghe anh chia sẻ nhiều hơn về dự án phim Cha Cha Cha sắp trình làng tại LHP Busan sắp tới.
Đỗ Quốc Trung là một trong hai đạo diễn trẻ của Việt Nam được chọn tham gia Chợ dự án châu Á thuộc liên hoan phim Busan năm 2015 với tác phẩm Cha Cha Cha. |
Đỗ Quốc Trung (sinh năm 1990, Hà Nội)
- Tốt nghiệp thủ khoa chuyên ngành Đạo diễn Điện ảnh K28, Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội
- Đạt giải phim Đông Nam Á xuất sắc nhất Cuộc thi phim ngắn Chatomuk Campuchia 2013 với tác phẩm Cá chuối
- Cúp bạc phim xuất sắc nhất, giải Đạo diễn xuất sắc nhất cuộc thi làm phim 48h Canon Hà Nội với Ngày đầu tiên của mùa thu
- Cúp Trái tim hồng tại YxineFF 2012 với phim ngắn Trực nhật với Thư Kỳ
- Giải nhất cuộc thi Chuyện đời qua phim 2012 với phim ngắn Về nhà
- Giải thưởng Phim hay nhất tại LHP ngắn quốc tế REC Berlin, Đức 2014 với phim Đóng vào, mở ra...
Mất 3 năm để hoàn thiện kịch bản Cha Cha Cha
Chia sẻ cảm xúc của mình khi Cha Cha Cha được chọn tham gia Chợ dự án của liên hoan phim Busan, Đỗ Quốc Trung cho biết: "Mình thấy khá lẫn lộn. Mình vui vì dự án phim đầu tay được chọn đến thị trường lớn và quan trọng nhất châu Á. Dự án đã có những khởi đầu thuận lợi, hy vọng sẽ "đầu xuôi đuôi lọt". Ngoài ra, mình cũng có chút hồi hộp, do đây là lần đầu tiên mình mang dự án phim với nhiều bỡ ngỡ đến với một diễn đàn lớn thế này".
Cha Cha Cha là bộ phim kể về sự khác biệt thế hệ giữa hai ông cháu khi chung sống cùng nhau. Người ông lang thang trong những nghĩa trang để tìm ngôi mộ chôn chính mình, trời quá nóng và ông không muốn bị hỏa táng. Trong khi đó, người cháu tìm đủ mọi cách để mua được chiếc điều hòa.
Cha Cha Cha không có cốt truyện rõ ràng, nó là những lát cắt mà qua đó người ta thấy nỗi cô đơn, sự trống rỗng của con người trong xã hội hiện đại.
Hé lộ về dự án phim nhiều tâm huyết của mình, Trung nói: "Mình mất gần 3 năm kể từ lúc tốt nghiệp đại học để phát triển ý tưởng và hoàn thiện kịch bản. Chuyện phim là những ám ảnh và điều mình quan tâm trong suốt những năm tuổi trẻ".
Tiếng Anh là điểm yếu của nghệ sĩ trẻ muốn tiếp cận thế giới
Theo đuổi dòng phim tác giả, không nhiều yếu tố giải trí, Đỗ Quốc Trung tự xác định phim của mình sẽ kén khán giả trong nước nhưng không hẳn chỉ làm để chiếu ở nước ngoài. Với chàng đạo diễn trẻ, việc đưa những bộ phim, câu chuyện, tiếng nói từ Việt Nam ra với thế giới rất quan trọng.
"Những đạo diễn đi trước như Phan Đăng Di, Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Hoàng Điệp hay Bùi Kim Quy đã khiến cho cái tên Việt Nam được nhắc nhiều hơn ở những liên hoan phim hàng đầu trên thế giới. Nó phần nào đã truyền cảm hứng cho một đạo diễn 9X như mình" - Trung bộc bạch.
Chàng đạo diễn 9X đang trao đổi cùng các diễn viên trong một buổi quay phim. |
Một trong những khó khăn khi làm hồ sơ dự án cho Cha Cha Cha - đó là tiếng Anh. Trung chia sẻ: "Mình có thể trò chuyện và giao tiếp bằng ngoại ngữ song nó chưa đủ để mình hoàn thiện hồ sơ bằng tiếng Anh một cách tốt nhất. Đặc biệt, cần làm sao để những người đọc kịch bản của mình có thể hiểu hết tinh thần câu chuyện dù đã qua một lần chuyển ngữ.
Mình nhận thấy, tiếng Anh đang là một trong những điểm yếu cực lớn của nhiều nghệ sĩ trẻ muốn tiếp cận với thế giới. Bạn cứ thử tưởng tượng, họ phải đọc cả trăm dự án khác nhau, làm sao để họ nhớ đến mình là điều rất khó".
Từng học hành sa sút, lăn ra ốm vì phim
Đỗ Quốc Trung yêu thích việc làm phim ngay từ những ngày đi học. Chàng trai sinh năm 1990 thích việc kể chuyện, quan sát và kể lại cho bạn bè xung quanh. Trung cho biết, anh thích cảm giác lôi kéo cảm xúc của những người nghe chuyện.
"Khi không có ai nghe, mình về phòng và kể một mình với những món đồ chơi. Lớn hơn, mình nhận ra điện ảnh như một điều kỳ diệu với ngôn ngữ hình ảnh và âm thanh. Nó giúp cho việc kể chuyện thú vị, sinh động và mình có thể kể cho thật nhiều người hơn. Mình bắt đầu tìm hiểu làm phim như thế" - Quốc Trung kể lại về hành trình đưa anh đến với nghề đạo diễn.
Vì không ai trong gia đình làm nghệ thuật nên Trung phải tự mày mò tất cả từ đầu, có cái hiểu đúng, có cái hiểu sai. Anh thường vào thư viện phim từ năm lớp 10, ngồi lì trong đó để xem các tác phẩm hay. Trung chia sẻ rằng, có những bộ phim rất kỳ lạ, xem xong chẳng hiểu gì, nhưng nó cứ làm anh nhớ mãi.
Một thời gian mê mẩn phim ảnh, điểm số học tập trên lớp của Trung bị ảnh hưởng khiến gia đình anh lo lắng. Tuy nhiên, vì đam mê nên chàng trai đã quyết tâm thi vào ĐH Sân khấu Điện ảnh.
Trung tâm sự: "Mình học mỗi thầy một chút, học từ bạn bè nữa nhưng có lẽ mình học nhiều nhất bằng việc xem phim. Thế giới làm rất nhiều phim, đa dạng và độc đáo. Mình xem, tìm hiểu về ngôn ngữ điện ảnh từ đó. Có tuần, mình xem phim liên tục, không ngấm được hết nên lăn ra nhức đầu rồi ốm luôn".
Đến nay, Đỗ Quốc Trung làm được khoảng 6 bộ phim ngắn. Anh cảm thấy tâm đắc nhất với tác phẩm vừa mới hoàn thành năm ngoái - Đóng vào, Mở ra. Trung tự nhận thấy còn một số vấn đề ở phim này, cũng có nhiều ý kiến không thích nó bằng những phim khác, song anh biết chắc mình đang làm gì.
Đỗ Quốc Trung từng thử sức với vai trò diễn viên khi tham gia cùng Huỳnh Anh trong phim Dành cho tháng sáu. |
Đến với LHP Busan không phải vì giải thưởng
Khi được hỏi về sự phát triển của điện ảnh nước nhà trong thời gian gần đây, Trung vui mừng cho biết: "Tôi tin sẽ có nhiều đạo diễn tài năng và các bộ phim hay đến từ Việt Nam xuất hiện trong thời gian tới. Điều vui nhất là các nhà làm phim trẻ đã tạo được một cộng đồng".
Như nhiều người làm nghệ thuật, Trung cũng có thần tượng của mình. Anh tự nhận mình là người tham lam khi cùng lúc ngưỡng mộ ba cái tên Ozu, Trần Anh Hùng và Thái Minh Lượng. Trong số đó, đạo diễn Trần Anh Hùng là người truyền cảm hứng cho Trung, mỗi khi ông về Việt Nam nói chuyện.
Nói về kỳ vọng của mình trong LHP sắp tới, Trung chia sẻ: "Mình chỉ biết làm hết sức có thể chứ không nghĩ đến chuyện đạt giải. Nếu không đạt giải thì việc được lựa chọn vào APM cũng cho dự án của mình gặp nhiều thuận lợi trong việc xin tài trợ kinh phí. Các nhà làm phim đến đây không phải chỉ cố gắng nhận giải thưởng tiền mặt, mà họ cần nó cho những điều xa hơn để có thể đi hết chặng đường hoàn thiện bộ phim".
Bật mí về dự định trong thời gian tới, chàng đạo diễn trẻ tâm sự: "Mình sẽ tiếp tục tìm kiếm tài chính cho dự án từ các liên hoan phim, quỹ quốc tế và nhà đầu tư. Mình cũng cần suy nghĩ thật kĩ về bộ phim để khi có đủ tiền bấm máy, có thể kể một câu chuyện hấp dẫn nhất và chính xác với những cảm xúc mình mong muốn".
The Asian Project Market (APM) là thị trường dự án thuộc Liên hoan phim quốc tế Busan, Hàn Quốc. Hàng năm, các dự án phim xuất sắc nhất từ các nhà làm phim châu Á sẽ được lựa chọn đến APM.
Các nhà làm phim sẽ có cơ hội gặp các nhà đầu tư, đối tác, nhà sản xuất, nhà tuyển phim từ khắp nơi trên thế giời, qua đó dự án sẽ tìm được nhà đồng sản xuất, tài chính hoặc truyền thông cho dự án phim. APM chọn lựa dự án dựa trên kịch bản phim, ý đồ nghệ thuật, độ khả thi của dự án, năng lực đạo diễn và nhà sản xuất để chọn ra 30 dự án tốt nhất từ khắp châu Á.
Năm nay là năm đầu tiên Việt Nam có hai dự án được lựa chọn đến APM, cả hai tác giả đều thuộc thế hệ 9X - Cha Cha Cha của Đỗ Quốc Trung và Thằng Ròm của Trần Dũng Thanh Huy.
Trước đây, một số dự án phim nghệ thuật của Việt Nam từng được lựa chọn đến APM trước khi thành phim là Đập cánh giữa không trung, Bi! Đừng sợ, Mùa len trâu.