Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp Duy 'dị nhân' trong 'Lập trình cho trái tim'

Diễn viên tay ngang Cao Thành Trung chia sẻ về vai diễn đến với anh đầy bất ngờ và những kỷ niệm khi đóng phim.

Gặp Duy ''dị nhân'' trong ''Lập trình cho trái tim''

Diễn viên tay ngang Cao Thành Trung chia sẻ về vai diễn đến với anh đầy bất ngờ và những kỷ niệm khi đóng phim.

- Cơ duyên nào đưa anh đến với vai diễn này?

- Đây là vai diễn đầu tiên và tôi vào vai cũng rất tình cờ. Hôm đi cổ vũ cho cậu bạn cùng phòng casting cho phim, đang buôn chuyện trước phòng, đạo diễn gọi vào diễn thử. Cuối cùng tôi được, còn cậu bạn lại trượt. Đến khi đạo diễn gọi đi quay, tôi mới tin là thật. Có lẽ ngoại hình mình béo, đầu hơi hói hợp với kiểu vai hài hài. Vào vai, tôi run lắm. Nhưng được nhiều người động viên, tôi cũng hoàn thành vai diễn.

Thành Trung trong phim Lập trình cho trái tim.

- Anh thấy thế nào khi lần đầu tiên đóng phim nhưng rất nhiều khán giả hết lời khen Duy “dị nhân”?

- Tôi rất vui sướng. Tôi thật may mắn được khán giả nhớ và rất quý nhân vật. Nhiều người tỏ ra đồng cảm với Duy: “Khổ thân, yêu thế mà Vũ Vũ không biết nhận ra”. “Vũ Vũ đối xử với anh thế là không được”. Nét đặc trưng của Duy “dị nhân” chính là hào hiệp đến lập dị, yêu chân thành, đơn phương đến si mê, điều mà bây giờ hiếm gặp, có lẽ vì thế mà nhiều người thích nhân vật này. Ngoài Duy “dị nhân”, giờ mọi người gọi tôi thêm một biệt danh nữa, Duy “chuối” vì anh chàng lúc nào cũng tỏ tình bằng chuối. Chắc vì thế mà anh bị “trượt vỏ chuối”.

- Nhân vật Duy “dị nhân” xuất hiện không nhiều. Vậy anh tạo dấu ấn cho vai diễn của mình bằng cách nào?

- Duy là một vai phụ trong phim, không có kịch bản để đào sâu tâm lý nhân vật nên không có nhiều “đất” để diễn viên thể hiện. Tôi thường chỉ đọc kịch bản trước 15 phút rồi vào diễn mà thôi. Nhân vật ít lời thoại, chủ yếu bằng hành động cử chỉ. Vì thế, tôi cố gắng tạo nét riêng trong cách diễn bằng cách chú ý đến từng hành động cử chỉ nhỏ của Duy. Như bạn thấy đấy, Duy xuất hiện lúc nào cũng long ngóng, vụng về. 13 lần xuất hiện, Duy luôn cầm theo nải chuối, bó hoa, bóng bay hay bài thơ để lấy lòng ngườiđẹp Vũ Vũ, nhưng… đều thất bại. Hơn nữa, mới nhìn thấy Duy mọi người đã buồn cười rồi. Béo, đầu hói, cái mặt lúc nào cũng ngố ngố, đần đần kiểu gì ấy. Ngay cả những lúc nghiêm túc, căng thẳng nhất như giận giữ túm cổ áo Hoàng Lâm trông cái mặt đã không nhịn được cười.

- Chi tiết nào khiến anh xem lại anh thấy ngố và buồn cười nhất?

- Những cảnh quay đầu tiên thực sự khó khăn với “người ngoại đạo” như tôi. Cảnh đứng hơn hai tiếng đồng hồ cầm hoa và nải chuối chờ Vũ Vũ để tỏ tình ở quán internet trong khi cô cứ chăm chăm vào màn hình. Tôi đứng như thằng hâm, mắt chỉ nhìn thẳng. Nếu là con gái, gặp anh chàng như thế tôi cũng khó mà “duyệt” được.

Thành Trung và Minh Tiệp

13 lần tỏ tình thất bại, nản, anh quay sang tặng bóng bay cho cô gái khác. Có lẽ vì thế đạo diễn có ý định cho Duy yêu một cô gái người nước ngoài nhưng sau đó có nhiều thay đổi nên phần hai của phim, Duy và một số vai diễn khác không xuất hiện nữa.

- Làm sao anh lại vào vai diễn “ngọt” như thế?

- Ngoài đời, Thành Trung cũng có nét tính cách giống Duy. Cũng nhút nhát, yêu cô nào cũng không dám tỏ tình mạnh bạo đâu. Nhưng lãng mạn và si mê đến mức như Duy “dị nhân” thì có lẽ là chưa đến. Vợ mình khi xem cảnh Duy tặng quà cho Vũ Vũ lại trêu: “Anh tặng cho cô ấy nhiều lần thế, sao không tặng cho em một lần”.

- “Lập trình cho trái tim” khắc họa cuộc sống, công việc, tình yêu của dân IT nhưng nhiều ý kiến cho rằng phim còn mô tả hời hợt về nghề lập trình, chưa thuyết phục. Là dân IT, anh nghĩ sao?

- Những người viết kịch bản cho bộ phim này cũng đã đến tìm hiểu thực tế tại công ty FPT Software chuyên về lập trình nhưng có lẽ thời gian không được nhiều. Hơn nữa, lại không có chuyên gia IT thường trực theo đoàn làm phim tư vấn nên chuyện phim còn nhiều “sạn” là không tránh khỏi. Phim khai thác đề tài về dân lập trình viên nhưng mục đích giải trí, hài hước là chủ yếu chứ không phải đi sâu vào nghề lập trình nên những vấn đề về chuyên môn không được tập trung khai thác.

Thành Trung trong vai Duy "dị nhân".

Phim mượn bối cảnh của công ty FPT nhưng chỉ mượn phòng làm việc chứ không thể mượn máy tính của họ. Máy tính phải đi mượn nơi khác nên chuyện không thể cài các chương trình của dân lập trình cũng là dễ hiểu. Vì thế, nhiều người thắc mắc khi thấy màn hình word sao lại lập trình được, đang trình chiếu powerpoint lại chèn chữ vào… Nhưng về cuộc sống, tâm tư tình cảm thì đúng là của dân lập trình, ít nhất là trong môi trường công ty chúng tôi. Tham gia viết kịch bản Lập trình cho trái tim có một người trong công ty FPT nên nhiều câu chuyện ở đây được khai thác và đưa vào phim.

- Vậy theo anh, đâu là “khuôn mặt” của dân IT?

- Những người làm công việc lập trình cũng như người bình thường thôi. Có điều, chủ yếu là người trẻ nên môi trường làm việc lúc nào cũng vui vẻ, năng động và cũng rất lãng mạn. Già như anh Mạnh “quặp” sợ vợ (diễn viên Đức Khuê đóng) mà còn làm nhân viên thì hiếm lắm, nếu không lên sếp thì cũng “out” từ lâu rồi.

Mọi người thường nghĩ đến dân IT với mẫu số chung là những anh chàng gầy còm, mắt kính dày cộm. Những cô gái nam tính, xơ cứng… Nhưng bạn vào công ty chúng tôi sẽ thấy rất nhiều anh chàng đẹp trai, cao to, có anh còn để tóc dài rất nghệ sĩ. Dân IT chơi hết mình, yêu hết mình nhưng khi làm việc rất nghiêm túc, năng động, trẻ trung và cũng rất lãng mạn

Theo Đất Việt

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm