Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gập ghềnh đường đến trường

Để vào ĐH, những học sinh nơi vùng sâu vùng xa tỉnh Tiền Giang phải vượt qua một chặng đường dài đầy chông gai, thử thách.

41 tân sinh viên ấy tuy xuất thân từ những gia đình khác nhau nhưng các bạn lại giống nhau bởi một lý lịch chung: nhà thuộc diện nghèo, thiếu cha hoặc vắng mẹ, tự thân bươn chải từ nhỏ để phụ giúp gia đình và tìm đường đến trường...

Cô học trò làng biển cháy ước mơ thoát nghèo

12h trưa, cảng cá Vàm Láng (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) vẫn còn tấp nập những đợt cá, mực từ các tàu đi biển mang vào. Len lỏi giữa dòng người hối hả ở cảng, chúng tôi gặp tân sinh viên Võ Nhật Hảo. Cô bé có gương mặt sáng, dáng người nhỏ xíu đang cùng mẹ xẻ vội số mực vừa được giao.

Hảo xẻ mực thuê ở cảng cá Vàm Láng.
Hảo xẻ mực thuê ở cảng cá Vàm Láng.

 

Từ năm học lớp 8, Hảo đã theo mẹ vào cảng xẻ mực thuê. Hảo cho biết công việc xẻ mực rất bấp bênh, có ngày hai mẹ con làm được cả trăm ngàn đồng nhưng cũng có ngày chỉ hai ba chục ngàn. “Nửa đêm tàu ghé là phải có mặt làm liền để mực tươi. Mẹ ít khi cho em theo, chỉ buổi trưa mẹ mới cho ra làm” - Hảo nói.

Hảo là con gái lớn trong gia đình có ba chị em. Cha Hảo mất cách đây bốn năm. Kể từ đó, mẹ Hảo trở thành trụ cột chính trong gia đình với nghề xẻ mực thuê và sửa quần áo. Thương mẹ vất vả, Hảo phụ mẹ mọi việc có thể. Hàng xóm thương con bé Hảo học giỏi, hiếu thảo nên cho chiếc xe đạp để em đi học và chở mẹ ra chợ làm mỗi ngày.

Rồi khi Hảo lên THPT, đi học xa nhà gần 20 km, hàng xóm lại thương cho cả chiếc xe máy cũ để đến trường.

Bà Phạm Thị Tiến - mẹ Hảo nói: “Ở đây sống chủ yếu nhờ tình làng nghĩa xóm. Con Hảo nhập học ĐH được cũng nhờ mỗi người cho một ít...”

Kỳ thi ĐH năm nay Hảo đỗ cả hai trường là ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM và ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM. Hảo nói: “Nhìn mẹ vất vả em thương lắm nhưng không thể bỏ học được. Chỉ có học mới giúp em thoát nghèo, mới lo cho mẹ, ông bà nội và các em được”.

“Con phải vào ĐH”

Trở về nhà sau hơn một tuần nhập học, Đoàn Thị Diễm Trinh (xã Hậu Mỹ Bắc B, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang) không quên đến bên bàn thờ mẹ thắp nén nhang và kể về những ngày đầu bước vào giảng đường.

Với Trinh, việc vào được giảng đường ĐH không chỉ là hiện thực hóa ước mơ của bản thân mà hơn hết đó chính là hoàn thành di nguyện của người mẹ quá cố.

Tranh thủ ngày chủ nhật về thăm nhà, Trinh giúp cha rửa xe cho khách.
Tranh thủ ngày chủ nhật về thăm nhà, Trinh giúp cha rửa xe cho khách.

Trinh kể cách đây gần một năm, mẹ em bị bệnh nặng phải vào bệnh viện. Gia đình khó khăn, chỉ có căn nhà sàn dựng tạm bên lề đường. Cha làm nghề sửa và rửa xe, phải bỏ hết việc theo mẹ vào bệnh viện. Hằng ngày ở nhà, Trinh thay cha rửa xe cho khách kiếm tiền đi học. Chị gái Trinh đang học CĐ cũng phải bỏ ngang việc học để giúp cha chăm sóc mẹ.

Thế rồi, không bao lâu sau mẹ Trinh qua đời. Trước lúc mất, người mẹ chỉ nhắn gửi chồng mình một điều là lo cho hai con học đến nơi đến chốn, nhất là Trinh, phải vào được ĐH.

Căn bệnh ung thư quái ác không chỉ cướp mất mẹ Trinh mà còn để lại một món nợ khổng lồ cho gia đình Trinh. Chị gái Trinh quyết định không trở lại trường mà đi làm công nhân để phụ giúp cha. Còn Trinh nhận được giấy báo nhập học vừa mừng vừa lo không biết liệu đường nào.

Ông Đoàn Ngọc Thanh - cha Trinh nói: “Con gái lớn quyết tâm đi làm nuôi em nên tui cũng ráng lo cho con được thỏa ước mơ. Tui ở nhà làm kiếm tiền trả nợ từ từ cũng được, chỉ sợ con gái đi học xa nhà thiếu hụt đủ thứ thì tủi thân”.

Phận mồ côi vào ĐH

Khác với Trinh, Lượm mồ côi cả cha lẫn mẹ khi còn rất nhỏ. Cái tin thằng Lượm “mồ côi” đậu ĐH khiến không khí trong căn nhà lá xập xệ ở phường 5, thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang sôi nổi hẳn lên.

Trong căn nhà ấy, có đến năm người phụ nữ đã thay phiên nhau chăm sóc Lượm từ những ngày còn đỏ hỏn. Giờ họ đang nở nụ cười tươi vì đứa con “ngang hông” nay đã vào được ĐH.

Đạt đi cắt rau mướn phụ giúp các cô.
Đạt đi cắt rau mướn phụ giúp các cô.

Lượm là cái tên các cô đặt cho Lương Phát Đạt bởi lẽ “nó sức khỏe yếu, khó nuôi” - bà Lương Thị Kim Liên, cô thứ tám của Đạt giải thích. Bà Liên kể do mẹ Đạt bị bệnh tim nên sinh em ra rất yếu, chỉ có 2,1kg. Ít lâu sau khi sinh Đạt thì mẹ em mất. Sau ngày vợ mất, cha Đạt buồn nên đi làm xa, cả năm mới ghé về một lần. Bốn năm sau thì ông có gia đình mới.

Cách đây hơn một năm, cha Đạt trở về nhà, sau đó qua đời. Đạt nói: “Năm người cô thay phiên nhau lo cho em đến giờ. Cô này lấy chồng thì gửi em cho các cô còn lại. Cứ như thế giờ chỉ còn cô út chưa lấy chồng nên đi làm nuôi em”.

Hiện tại, Đạt sống chung với gia đình người cô thứ tám và cô út. Cuộc sống gia đình chỉ trông vào mảnh vườn nhỏ trồng mấy dây mướp và vài cây mít, cây mía. Cô út của Đạt làm công nhân, mỗi tháng tích góp được hơn 2 triệu đồng cũng để dành lo cho thằng cháu đi học.

Đạt đã chọn ngành sư phạm ngữ văn và thi đỗ vào ĐH Sư phạm TP.HCM. Sau khi làm thủ tục nhập học, Đạt được các cô gửi ở một ngôi chùa gần trường ĐH. Hằng ngày sau giờ học em lại phụ giúp các sư dọn dẹp và giữ xe cho khách viếng chùa.

Đạt nói: “Em mang ơn các cô nhiều lắm. Nhờ các cô em mới lớn khôn nên người. Em phải học tốt để trả ơn các cô...”. 

Người đứng đầu 100 thiên tài vĩ đại nhất hành tinh

Bên cạnh Albert Hofmann, Tim Berners-Lee là người đứng đầu danh sách 100 thiên tài vĩ đại nhất thế giới. Ông nổi tiếng khi là người sáng tạo và phát triển Internet.

http://tuoitre.vn/tin/nhip-song-tre/20140927/gap-ghenh-duong-den-truong/650956.html

Theo Thuý Hằng - Hiền Trần/Báo Tuổi trẻ

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm