Những ngày cuối năm, khi hoa đào hoa mai đang nở rộ khắp nơi để đón chào năm mới, chúng tôi đã tìm đến tận điểm trường tại bản Thuôn (xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) để gặp gỡ và trò chuyện với thầy giáo đã dành cả tuổi thanh xuân để cắm bản, dạy chữ cho học sinh.
Lớp học ghép của thầy Hoàng Phúc Gọn. |
Bản Thuôn cách trung tâm xã Đàm Thủy chừng 16 km, trước kia, nếu muốn vào bản mọi người phải leo qua một quả núi với thời gian là 2h đồng hồ qua động Ngườm Ngao. Thế nhưng, những ngày cuối của năm 2017, một con đường nối từ trung tâm xã đang dần hoàn thành làm quãng đường đi cũng đỡ vất vả hơn.
Hành trình đến với điểm trường tại bản Thuôn, chúng tôi phải đi qua con đường gồ ghề đá hộc, trơn trượt, nằm chênh vênh trên lưng chừng sườn núi, phía dưới là vực sâu đầy nguy hiểm.
Máy chiếc xe của chúng tôi nóng ran. Thỉnh thoảng, những viên đá tảng to như nửa chiếc bàn lại bất thần từ đâu hiện ra chắn ngang mặt đường. Đá hầm hè, hung dữ như muốn làm đổ chiếc xe.
Quay đầu nhìn lại, cả đoạn đường dài bui tung trắng xóa, mù mịt cạnh những thung sâu khiến người cầm lái có cảm giác hãi hùng.
Gọi là điểm trường bản Thuôn nhưng thực chất đó chỉ là một gian nhà chật chội, đơn sơ với những lớp ghép cho học sinh độ tuổi lớp 1, 2, 3. Đơn sơ là vậy nhưng lúc nào nơi đây cũng vang lên tiếng trẻ tập đánh vần "ê a", tiếng thước giữ nhịp, giảng bài. Không gian tứ bề như rộn ràng hẳn lên, bớt đi cái bóng chiều âm u của núi rừng.
Đến đây, chúng tôi được gặp thầy giáo Hoàng Phúc Gọn - giáo viên thuộc điểm trường xã Đàm Thủy, người đã dành cả tuổi thanh xuân để dạy chữ cho trẻ em vùng cao.
Học sinh trong lớp của thầy Gọn. |
Thầy Hoàng Phúc Gọn cho hay: “Ngày còn đi học, tôi cũng từng trèo đèo, lội suối, đi hàng giờ trong rừng để đến với ánh sáng của những con chữ nên tôi thấu hiểu được sự nghèo khó, vất vả, thiệt thòi của những đứa trẻ vùng vùng cao.
Đó chính là lý do tại sao sau khi học xong tôi quyết về bản Thuôn công tác mặc dù biết nơi đây còn muôn vàn khó khăn. Người dân trong bản 100% là dân tộc Tày, cả bản hiện nay có 21 hộ thì đã có 10 hộ nghèo và 6 hộ cận nghèo. Người dân trong bản tôi sống chủ yếu là nghề làm ruộng và vào rừng hái lâm sản và quan trọng là đa số người dân nơi đây mới chỉ học hết lớp xóa mù chữ”.
Thầy Hoàng Phúc Gọn cũng chia sẻ thêm: “Ước mơ của tôi là làm thế nào Bản Thuôn có con đường hoàn chỉnh để việc đi lại của các học sinh bớt vất vả. Hiện nay, các cháu học mẫu giáo đi học tại trường Cốc Ry cách bản 7 km. Đến trường THCS và THPT cũng cách bản 14 km.
Với con đường vào bản đang làm hay đi qua động Ngườm Ngao thì hễ trời mưa là các cháu xác định là nghỉ học.
Cứ mỗi dịp năm học mới đến là tôi phải đến nhà từng học sinh để vận động các cháu đến lớp cũng như cho phụ huynh ký văn bản cam kết cho các cháu đến trường. Nếu không, các con chỉ đi học khoảng dăm bữa, nửa tháng là lại phải theo bố mẹ lên nương mà bỏ qua việc học hành”.
Khi trò chuyện với thầy Hoàng Phúc Gon, tôi biết rằng ở khắp đó đây, mọi miền của Tổ quốc vẫn còn có những thầy cô dùng cả tuổi thanh xuân để dạy chữ cho trẻ, để trăn trở với sự nghiệp giáo dục.
Có lẽ, với họ chỉ cần mỗi ngày được nghe tiếng đánh vần ê a của học sinh thì bao vất vả, mệt nhọc cũng chẳng là gì.