Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gặp lại nữ sinh bị cưa chân

Cũng có những lúc buồn, nằm khóc một mình nhưng sau đó, nữ sinh bị cưa chân Hà Vi nhanh chóng lấy lại tinh thần, hòa nhập với bạn bè và vượt qua vô vàn khó khăn trong cuộc sống.

Gặp lại chúng tôi, Lê Thị Hà Vi (học sinh lớp 11) vẫn tươi cười, đầy nghị lực sống sau khi phải cưa chân do sự yếu kém chuyên môn, tắc trách của các bác sĩ.

Trước đó, vào tháng 3/2016, (khi Vi đang học lớp 10, trường THPT Y Jút, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk) trên đường đi học về, Vi va chạm với một chiếc xe máy, té xuống đường. Tưởng chừng vụ tai nạn bình thường nhưng đã khiến cuộc đời em chuyển sang một giai đoạn mới với chân phải bị cưa đến đầu gối.

Từ thông tin báo chí, trường THCS&THPT Đông Du (TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã đón Hà Vi về học nội trú và miễn toàn bộ chi phí để em có điều kiện được tiếp tục học tập.

Hà Vi cho hay sau khi xảy ra biến cố, em vô cùng đau đớn nhưng nghĩ đến bố mẹ, những người quan tâm mình nên đã cố gắng vượt qua để không phụ lòng mọi người.

Do thời gian điều trị rất lâu, em bị hổng kiến thức rất nhiều. Sau khi chuyển về trường mới, em được các thầy cô chăm sóc, bồi dưỡng một thời gian dài.

Hiện nay, sức khỏe tiến triển tốt hơn nhưng khi thời tiết thay đổi, chân còn đau nhức, bàn tay phỏng nước vì chống nạng nhiều. Việc lắp chân giả vẫn chưa thực hiện được do còn đau.

“Điều khiến em lo lắng nhất hiện nay là không biết sẽ học nghề gì để ra trường có nơi nhận vào làm. Bố mẹ rồi cũng già, không lo cho em mãi được, nên cũng phải phấn đấu để sau này tự nuôi bản thân”, Hà Vi tâm sự.

nu sinh bi cua chan anh 1
Hà Vi trong một buổi học. Ảnh: Người Lao Động.

Cô Đỗ Thị Ngọc Ánh, Phó hiệu trưởng trường THCS và THPT Đông Du cho biết Hà Vi bắt đầu chuyển về trường này từ giữa học kỳ II năm lớp 10. Một thời gian dài Hà Vi phải đi điều trị, hổng kiến thức nên kết quả lớp 10 chỉ đạt loại trung bình. Bằng sự cố gắng của mình, kết thúc học kỳ I năm lớp 11 vừa rồi, Vi đạt học sinh khá với tổng điểm trung bình 7,6, xếp thứ 3 trong lớp.

Cũng theo cô Ánh, trước đây, Hà Vi học chuyên sâu khối xã hội và ước mơ thành một chiến sĩ công an. Sau khi xảy ra sự việc, gia đình và nhà trường đã thống nhất định hướng cho Hà Vi chuyên sâu vào các môn tự nhiên để sau này có cơ hội nghề nghiệp.

Chắc chắn Hà Vi sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc thay đổi các môn chuyên sâu, nhưng nhà trường tin tưởng em sẽ học tốt và thực tế em cũng đang chứng tỏ được điều đó.

“Lúc mới nhận Hà Vi về, điều nhà trường lo lắng nhất là ở tuổi này sợ em sẽ bị sốc. Do ở nội trú, chiều chiều, bạn bè ra sân chơi thể thao, một mình Hà Vi nằm trong phòng nên thỉnh thoảng em buồn và khóc. Vậy nhưng, khi có người tới, Hà Vi liền ngồi dậy cười nói, vui đùa. Cô bé đầy nghị lực. Đó là tấm gương cho các học sinh trong trường noi theo”, cô Ánh chia sẻ.

Diễn biến vụ việc

Ngày 6/3/2016, trên đường đi học về, Hà Vi va chạm với một chiếc xe máy, té xuống đường rồi được đưa vào Bệnh viện Đa khoa huyện Cư Kuin.

nu sinh bi cua chan anh 2
Hà Vi vẫn tràn đầy nghị lực sống. Ảnh: Người Lao Động.

Ngày 11/3/2016, thấy bệnh tình quá nặng, Hà Vi mới được chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Lắk rồi chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.

Ngày 13/3/2016, do được chuyển xuống quá muộn, chân phải đã hoại tử nên bệnh viện phẫu thuật cưa chân.

Ngày 14/3/2016, báo chí thông tin vụ việc, phản ánh về sự tắc trách, yếu kém chuyên môn dẫn đến Hà Vi bị cưa chân.

Ngày 15/3/2016, Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn gửi Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk yêu cầu khẩn trương xác minh thông tin về trường hợp nữ sinh mất chân do bác sĩ tắc trách.

Ngày 18/3/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tới đến thăm gia đình Hà Vi (ở huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk). Tại đây, Bộ trưởng đã nói lời xin lỗi và hứa sẽ tạo điều kiện giúp đỡ Hà Vi sau này.

Ngày 19/3, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy thăm hỏi, động viên Hà Vi.

Ngày 17/6/2016, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp báo công bố kết luận cho thấy có nhiều sai sót trong quá trình điều trị cho Hà Vi như: Bác sĩ điều trị không đúng chuyên môn, bác sĩ trực lãnh đạo hội chẩn nhưng không nắm chuyên môn…Từ đó, bệnh viên tổ chức họp kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với tập thể cá nhân có liên quan.

Bộ trưởng Y tế trò chuyện cùng thiếu nữ bị cưa chân Chiều 19/3, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã đến BV Chợ Rẫy (TP HCM) để động viên, hỏi thăm sức khỏe cháu Lê Thị Hà Vi - nạn nhân bị cưa chân vì sự tắc trách của bác sĩ.

Những ký ức về Tết gắn liền với tuổi thơ của 9X đời đầu

"Tết này vẫn giống Tết xưa, vẫn là con nít vẫn ưa lì xì". Song Tết của những năm 1990, số tiền mừng tuổi thường là 100, 200 đồng, chỉ có người khá giả mới mừng tiền "nghìn".



http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/gap-lai-nu-sinh-bi-cua-chan-20170127160404573.htm

Theo Cao Nguyên / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm