Chiều 4/4, nhận tin sắp được trở lại trường, bé Gấu, con trai chị Lê Nguyệt (Hà Nội), nhảy cẫng lên vì vui sướng. Bấy lâu nay, cậu bé đã rất mong sớm được đi học, gặp thầy cô, bè bạn, xuống thư viện giờ ra chơi.
“Hồi trước, chị Thỏ được đi học trước, Gấu vẫn phải ở nhà nên buồn lắm. Tôi phải cho con mặc đồng phục, chở đến trường, xin trường cho con vào chạy quanh sân trường một chút cho đỡ nhớ. May quá, giờ con cũng được đi học”, chị Nguyệt kể.
Phụ huynh, học sinh vui sướng khi trường mở cửa
Con trai chị Lê Nguyệt không được đến lớp từ tháng 5/2021 đến nay. Tính con vốn hiếu động, thích tìm tòi, khám phá nên thích tới trường. Trong thời gian học online dài đằng đẵng, vợ chồng chị tìm mọi cách để con giải tỏa tâm lý như đăng ký cho con học lập trình, bóng bàn, chơi ukelele, thực hiện 7-8 “tour” đi bộ khám phá thành phố, cùng nhau tản bộ vào buổi chiều, cuối tuần lại có chuyến trải nghiệm.
Họ cũng phân tích để con hiểu tác hại của việc ngồi trước màn hình quá lâu, trò chuyện để đưa ra giải pháp như cho phép con đăng ký giờ chơi. Bản thân chị Nguyệt cũng làm việc tại nhà nên có thể theo sát con.
Dù vậy, chị thừa nhận học online vẫn có nhiều hệ lụy, dễ thấy nhất, Gấu bị cận từ khi học trực tuyến, và con cần có môi trường với bạn bè, thầy cô để phát triển.
“Lớp con tôi 90% học sinh mắc Covid-19 rồi. Tôi thấy nên cho con đi học vì con ở nhà, chịu nhiều tác hại về sức khỏe, tâm sinh lý, nhiều thứ vô hình mà chúng ta không nhìn thấy được. Sau mấy vụ trẻ tự tử gần đây, tôi càng sợ. Kể cả bố mẹ cố gắng bằng nhiều cách, con vẫn cần môi trường ở lớp”, chị Lê Nguyệt chia sẻ.
Vì Gấu quá nhớ trường, chị Lê Nguyệt chở con đến trường, xin vào trong cho con chơi. Ảnh: L.N. |
Việc con đi học luôn trong vài ngày tới cũng không ảnh hưởng gì lớn đến lịch sinh hoạt của gia đình hay chương trình ngoại khóa của bé Gấu.
Gia đình chị Cao Thu Hà (Hà Đông, Hà Nội) cũng đang háo hức ngóng chờ ngày cuộc sống gia đình trở lại như trước đây. Trường con trai lớn của chị (lớp 6) đã thông báo cho trẻ đi học 2 buổi/ngày, bán trú từ ngày 6/4. Nhận tin, chị và con rất vui.
Dù vậy, chị vẫn sốt ruột chờ thêm thông báo từ trường của con trai nhỏ (lớp 2). Bình thường, 2 con ở nhà học online, anh lớn trông em nhỏ. Nay nếu anh đi học, em chưa, gia đình sẽ phải sắp xếp lại. Song chị tin tưởng con cũng sớm trở lại trường, chỉ là trường công lập nên thông báo muộn hơn trường tư thục.
Thời gian qua, con học online lâu ngày nên khép mình, bất ổn tâm lý khi dễ bức bối, cáu gắt, thậm chí có hành vi, thái độ cư xử không đúng với bố mẹ. Chị mong đợi ngày con đến lớp, những vấn đề từ việc học đến thay đổi trong tính cách của con sẽ được giải quyết ổn thỏa.
Có thể, ngày con trở lại trường gấp gáp nhưng chị Hà cho rằng dù có gặp một ít khó khăn trong sắp xếp, phụ huynh cũng cần nỗ lực khắc phục để con được đến trường.
“Khi tôi nói với con khả năng cao, con sắp được đi học, con rất vui. Tôi không nghĩ là nhanh như vậy, nhận thông báo, mẹ con bất ngờ nhưng rất vui. Với chúng tôi, con đi học luôn từ ngày 5/4 cũng được”, chị Hà hồ hởi.
Chị cũng không lo con đến trường ở thời điểm gần cuối năm học sẽ rơi vào tình cảnh học trực tuyến, thi trực tiếp, khó thích nghi. Bà mẹ 2 con tin tưởng thầy cô sẽ hỗ trợ con học tập, rèn lại nề nếp tốt.
Trường sẵn sàng đón trẻ ngay trong tuần
Phấn khởi cũng là tâm trạng của thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, và cô Nguyễn Thị Thanh Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Khương Thượng (Đống Đa), trước tin học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 được đi học trở lại.
Thầy Khang chia sẻ nhận tin, thầy có rất nhiều cảm xúc. Thành phố đưa ra quyết định ở thời điểm tròn 11 tháng kể từ ngày các trường thông báo với phụ huynh việc chuyển sang dạy học trực tuyến vì dịch (4/5/2021) và tròn 8 tháng nếu chỉ tính năm học 2022-2022.
Chị Cao Thu Hà tin tưởng việc cho trẻ trở lại trường sẽ giải quyết các vấn đề về sức khỏe, tâm sinh lý mà 2 con gặp phải trong thời gian qua. Ảnh: T.H. |
Theo thầy, quyết định phù hợp với nỗi lòng của phần lớn phụ huynh dù một số người vẫn băn khoăn. Như tại Marie Curie, trong đợt khảo sát hôm cuối tuần, hơn 94% phụ huynh có con học lớp 6 và khoảng 92% gia đình có con học tiểu học đồng ý để trẻ đến trường. Tỷ lệ này cao gấp 3 lần so với hồi cuối tháng hai, khi trường lấy ý kiến cho trẻ đi học từ 21/2.
Thầy Khang cho rằng sự thay đổi này đến từ lời khuyên có cơ sở khoa học từ chuyên gia y tế cùng trải nghiệm thực tế của các gia đình khi trẻ mắc Covid-19 dù không đến trường và chỉ có triệu chứng nhẹ.
Khi đã có sự đồng thuận từ phụ huynh, theo thầy Khang, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn. Ngày 5/4, trường họp cán bộ chủ chốt để chuẩn bị đón trẻ. Trường sẽ mở cửa với học sinh lớp 6 trong ngày 6/4 và từ ngày 7/4 đối với trẻ từ lớp 1 đến lớp 5.
“Dù chỉ có một vài ngày đi học trước dịp nghỉ lễ, trường vẫn cho trẻ đến lớp để học sinh, phụ huynh phấn khởi, đồng thời xem có vấn đề gì còn điều chỉnh nhằm từ 12/4, mọi việc trở lại bình thường. Đặc biệt, trẻ lớp 1 mới chỉ biết cô, bạn bè qua màn hình. Trường cần tập cho trẻ làm quen trong 1-2 ngày để vào khuôn khổ”, Hiệu trưởng trường Marie Curie nói.
Thầy cho biết thêm từ trong tuần, trường kịp tổ chức bán trú vì bấy lâu nay, nhà trường vẫn trả lương để duy trì đội ngũ phụ trách xe buýt đưa đón, nhân viên nhà ăn, vệ sinh.
Trong khi đó, tại trường Tiểu học Khương Thượng, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà, cho hay có thể, trường chưa kịp thực hiện bán trú từ tuần này mà phải chờ sang đầu tuần sau.
Với các công việc còn lại, mọi thứ sẵn sàng do đã có đợt chuẩn bị, tập duyệt trước đó, tức hồi Hà Nội quyết định cho trẻ tiểu học nội thành trở lại trường từ ngày 21/2. Ngày 5/4, trường Khương Thượng cũng tổ chức họp để rà soát cơ sở vật chất, chờ chỉ đạo chính thức từ quận.
“Nhận tin thành phố cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 đi học, tôi đã bắt đầu hình dung trong đầu cần làm cái gì, tập hợp giáo viên, dọn dẹp, tu sửa lại để trường khang trang, sạch đẹp, sẵn sàng đón học sinh”, cô Thanh Hà chia sẻ.
Cô nói thêm với học sinh lớp 1 chưa từng được đến trường, giáo viên sẽ có thời gian làm quen, tổ chức đón chậm hơn để các con không bỡ ngỡ. Cô nhấn mạnh trẻ được đi học, cô trò, phụ huynh đều vui. Dịch bệnh khó tránh được hoàn toàn song trường sẽ cố gắng để đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch.
Vẫn còn thời gian ôn tập trước khi kiểm tra giữa kỳ
Ngoài việc chuẩn bị về cơ sở vật chất, các trường cũng sẵn sàng phương án dạy học khi chuyển từ trực tuyến sang trực tiếp.
Hiệu trưởng Nguyễn Thị Thanh Hà cho hay theo kết quả khảo sát, 85% cha mẹ học sinh đồng ý để con tới trường. Do đó, sắp tới, trường sẽ tiến hành dạy học song song - trực tiếp cho những trẻ tới lớp và trực tuyến cho trường hợp cha mẹ chưa yên tâm gửi con đến trường hoặc trẻ thuộc diện F0, F1.
Cô khẳng định việc chuyển từ thời khóa biểu học online sang học trực tiếp 2 buổi không có khó khăn gì vì trước kia, trường vẫn dạy trực tiếp. Chưa kể đến, dạy học offline thuận lợi hơn khi giáo viên sát sao, dễ giúp trẻ rà soát kiến thức, học tập tốt hơn.
Hiệu trưởng Nguyễn Xuân Khang cũng cho biết trường không vướng mắc gì trong việc chuyển đổi giữa 2 hình thức. Từ đầu năm học, trường vẫn xây dựng thời khóa biểu học trực tiếp làm căn cứ để trả lương cho giáo viên. Sắp tới, trường sử dụng thời khóa biểu này.
Với khoảng 8% phụ huynh chưa đồng ý cho con đi học, nhà trường sẽ gom thành lớp học online, đảm bảo việc dạy học cho trẻ.
Thầy nói thêm phụ huynh không cần lo lắng khi con học thời gian dài, gần cuối năm đi học sẽ gặp khó khăn trong bài kiểm tra cuối học kỳ. Theo kế hoạch, trẻ thi vào giữa tháng năm, tức vẫn còn khoảng một tháng để học trò quen với việc học trực tiếp, ổn định nề nếp, củng cố kiến thức.
“Nếu tuần này học trực tuyến, tuần sau trực tiếp, tuần sau nữa đã thi, việc thi cử sẽ căng thẳng. Nhưng chúng ta có một tháng, tôi tin tháng này sẽ giúp các con hòa nhập việc học trực tiếp sau thời gian quá dài học online. Với một tháng, trẻ thích ứng được. Nhà trường, giáo viên sẽ sắp xếp để đảm bảo mọi thứ ổn”, thầy giải thích.
Tương tự, cô Nguyễn Thị Thanh Hà khẳng định chuyện học trực tuyến, thi trực tiếp không đáng lo. Khoảng ngày 10-15/5, chương trình học kết thúc, học sinh kiểm tra giữa kỳ. Khi học sinh đến trường, giáo viên củng cố lại kiến thức, làm như thế nào để thuận tiện, tốt nhất cho các con.
Năm học này, trẻ học online gần như cả năm. Ban giám hiệu thống nhất với tất cả giáo viên dạy kiến thức cơ bản, nhẹ nhàng, phù hợp với trẻ. Với thực tế chỉ có một tháng học trực tiếp, giáo viên và trường cân nhắc, tránh chạy theo nội dung quá khó.
Cô nhắn nhủ phụ huynh, học sinh yên tâm về chuyện thi cử, đề thi nằm trong nội dung cơ bản, hơn nữa, có một tháng học tập, rà soát kiến thức trực tiếp, mọi chuyện sẽ thuận lợi hơn.