Ngày 30/8, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin một số nội dung về cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài, trường có 100% vốn đầu tư nước ngoài, trường tư thục giảng dạy chương trình nước ngoài đang hoạt động trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đến tháng 8/2019, 14 trường mầm non và 11 trường phổ thông có 100% vốn nước ngoài đã đăng ký hoạt động với Sở GD&ĐT Hà Nội. 3 trường mầm non có vốn đầu tư Việt Nam và nước ngoài.
Thông báo của Sở GD&ĐT Hà Nội cho hay THCS Quốc tế Gateway có trụ sở tại Lô TH1, khu đô thị mới Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội, là trường tư thục có giảng dạy chương trình nước ngoài.
Cụ thể, trường dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT và chương trình tiếng Anh tăng cường 5 tiết/tuần theo giáo trình Keystone, Mỹ.
Trường Gateway thay đổi tên 2 lần trên website. |
Trước đó, ngày 17/8, trên website của mình, trường này đổi từ "quốc tế" thành "Tiểu học & THCS". Tuy nhiên, logo của trường vẫn là "Gateway International School".
Đến ngày 1/9, website của trường lại để là "Tiểu học & THCS quốc tế Gateway". Như vậy, trường bỏ rồi lại thêm chữ "quốc tế" trên trang web của mình.
Liên quan chủ đề này, trả lời trong buổi họp báo ngày 7/8, ông Phạm Ngọc Anh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Cầu Giấy, Hà Nội - khẳng định, trên địa bàn quận không có trường nào là quốc tế và cũng không có khái niệm "trường quốc tế" trong quy định hiện hành.
"Tên trường Tiểu học Quốc tế Gateway là cách mà trường tự đặt để thu hút thêm học sinh", ông Ngọc Anh nhấn mạnh.
Sở GD&ĐT Hà Nội cũng lưu ý hiện nay, nhiều phụ huynh hiểu "trương quốc tế" là dạy chương trình nước ngoài hoặc có giáo viên nước ngoài giảng dạy. Tuy nhiên, Nhà nước chưa có văn bản nào quy định khái niệm trường quốc tế tại Việt Nam. Pháp luật hiện hành chỉ thừa nhận 3 loại hình trường: Trường công lập, tư thục và dân lập.
Vì thế, tên gọi "quốc tế" của trường không nói lên tất cả. Khi chọn trường cho con, cha mẹ cần xem xét đầy đủ các thông tin như chương trình giáo dục, ngôn ngữ giảng dạy, giáo viên, cơ sở vật chất, mô hình quản trị, vốn đầu tư... thông qua nhiều kênh khác nhau.