Gen Z gặp khó khăn trong việc tiết kiệm tiền. Ảnh: Pexels. |
Khi tình trạng sa thải tiếp tục diễn ra ở các công ty công nghệ, người lao động trên khắp nước Mỹ lo lắng về nguy cơ mất việc và thiếu tiền. Gen Z chính là đối tượng lo lắng hơn cả, theo Fortune.
Không đủ sống nếu mất nguồn thu nhập chính
Trong một khảo sát với Bankrate, 85% gen Z tại Mỹ làm khảo sát cho biết họ lo lắng về việc thanh toán chi phí sinh hoạt trong một tháng nếu họ mất đi nguồn thu nhập chính. 79% gen Y có chung nỗi sợ với gen Z. Trong khi đó, con số này ở gen X và baby boomer lần lượt là 69% và 53%.
Gen Z cũng trích một phần tiền lương để tiết kiệm, nhưng họ lại là thế hệ có ít thời gian nhất để xây dựng quỹ khẩn cấp so với các thế hệ khác.
Nhiều người Mỹ không tiết kiệm nổi 500 USD. Ảnh: Pexels. |
Một báo cáo gần đây của Edward Jones cũng cho thấy cứ 5 người Mỹ lại có 2 người không đủ tiền tiết kiệm để đủ sống trong một tháng. Khoảng 29% có chưa đến 500 USD trong quỹ tiết kiệm.
Theo Voice of the American Worker, phần lớn người lao động đang gặp phải tác động tiêu cực của môi trường kinh tế hiện tại. Đối với 1/3 người lao động, sự lo lắng về tài chính trở nên tồi tệ đến mức giấc ngủ của họ bị ảnh hưởng. 73% nói rằng những điều này khiến họ thay đổi cách nhìn về việc nghỉ hưu.
Nhà lập kế hoạch tài chính Stuart Boxenbaum cũng nhận định việc thu nhập bị gián đoạn đột ngột có thể gây ra tình trạng căng thẳng. Bạn có thể tránh hoặc giảm thiểu vấn đề này bằng cách lên sẵn kế hoạch. Đặc biệt, đối với gen Z, việc xây dựng quỹ tiết kiệm có thể giúp các bạn thoát khỏi tình trạng lo lắng nếu bị mất việc đột ngột.
Giải pháp
Người lao động, nhất là gen Z, đang phải đối mặt với một số rào cản khiến họ không thể xây dựng quỹ khẩn cấp để giảm bớt lo lắng về tài chính. Các rào cản có thể là chi phí sinh hoạt tăng, nợ sinh viên, lương thấp...
Gen Z nên chia tiền lương cho từng mục đích cụ thể để tiết kiệm dễ hơn. Ảnh: Pexels. |
Jennifer Huisking, Phó chủ tịch của Goldman Sachs Personal Financial Management, đề xuất chiến lược giúp lao động trẻ tiết kiệm được nhiều tiền hơn là chia từng đồng cho từng nhu cầu khác nhau.
Bà Huisking ví phương pháp này giống phương pháp lập ngân sách từ số 0 (zero-sum budgeting), nghĩa là từng khoản tiền đều được chi cho nhu cầu rõ ràng, ví dụ tiết kiệm, thuê nhà, mở cửa hàng...
Phương pháp này giúp bạn hạn chế tiêu xài quá mức khi thừa tiền vì nhiều người có xu hướng tiêu hoang khi nhận được tiền lương. Đồng thời, cách này giúp bạn đạt được các mục tiêu đã đặt ra, ví dụ như mục tiêu xây dựng quỹ khẩn cấp.
Để chia từng đồng cho từng nhu cầu, bạn có thể thử cách ngược lại là xem xét các chi phí cố định hàng tháng, trừ các chi phí này khỏi nguồn thu nhập. Với số tiền còn lại, bạn hãy chia tiền cụ thể cho từng hoạt động bạn mong muốn. Như vậy, mỗi đồng đều có một vai trò khác nhau.
Bên cạnh các khoản mua sắm, bạn nên dành thêm một khoản dự phòng để đề phòng những sự kiện bất ngờ xảy ra. Áp dụng thói quen này sẽ giúp bạn kiểm soát chi tiêu và tiết kiệm có chủ đích.
"Việc sử dụng phương pháp này có thể khiến bạn mất thời gian để thiết lập ngân sách, nhưng nó sẽ mang lại hiệu quả về mặt lâu dài. Khi bạn biết chính xác tiền của mình đi đâu, việc tiết kiệm sẽ đóng vai trò tích cực giống như một khoản chi", bà Huisking nói thêm.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.