Với chi phí nhà ở và những thứ khác tăng vọt, 3,2 triệu thanh niên Mỹ đang sống với nửa kia dù chưa lập gia đình. Ảnh: Cottonbro Studio/Pexels. |
Từ những năm 1960, chung sống trước hôn nhân là hiện tượng phổ biến ở Mỹ, đáng chú ý nhất là trong giới trẻ. Theo khảo sát của Gallup, xu hướng này đang tiếp diễn, cứ 10 thanh thiếu niên thì có gần 7 người ủng hộ ý tưởng các cặp đôi sống thử.
Năm 2022, hơn 11% người Mỹ 18-24 tuổi quyết định sống chung với nửa kia dù cho họ chưa phải là vợ hoặc chồng. Đây là con số đạt mức cao nhất từ trước đến nay, theo Cục điều tra dân số Mỹ, Familytoday trích dẫn.
Nguyên nhân
Do lạm phát làm tăng giá nhà thuê và chi phí sinh hoạt, ngày càng nhiều cặp đôi chọn sống chung cùng mái nhà với lý do chính là tiết kiệm tiền.
Theo một phân tích gần đây của Realtor.com, tiền bạc là nguyên nhân hàng đầu khiến 80% cặp đôi Gen Z tại xứ cờ hoa quyết định dọn về sống cùng nhau. Gần 1/4 số người được hỏi cho biết việc sống chung với người yêu giúp họ tiết kiệm được hơn 1.000 USD/tháng.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Duke (Mỹ), Kerry Eller đã quyết định chuyển đến sống cùng bạn trai. Họ thuê chung nhà với ba người bạn khác và cặp đôi chỉ cần phải chi 1.200 USD tiền thuê nhà mỗi tháng.
Eller cho hay: “Chi phí thuê nhà ở Durham (Anh) cao ngất ngưởng so với đồng lương của sinh viên mới tốt nghiệp. Về mặt tài chính, sẽ rất tệ nếu hai người phải ở hai nơi khác nhau”.
Tiền thu nhà, sinh hoạt phí khiến nhiều người trẻ cảm thấy áp lực. Ảnh: Pressfoto/ Freepik. |
Khi quan niệm xưa đã dần cởi mở, số lượng cặp đôi người Mỹ quyết định sống thử đã tăng lên đáng kể trong thập kỷ qua. Ngoài ra, đại dịch Covid-19 cũng khiến nhiều người háo hức bước vào một giai đoạn cuộc sống mới.
Galena Rhoades, nhà tâm lý học tại Đại học Denver (Mỹ), cho biết: “Nhờ những quy định cách ly nghiêm ngặt hồi đại dịch, việc dọn đến sống cùng nhau của người trẻ trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết".
Trong khi đó, Fenaba Addo, nhà nghiên cứu tại Đại học Bắc Carolina (Mỹ), cho rằng nhiều người trẻ chọn sống chung vì họ có thể san sẻ với nhau các khoản sinh hoạt phí đắt đỏ. Điều này nghe có vẻ tốt, nhưng đa số đến mãi sau này mới nhận ra rằng quyết định đó là vội vàng.
Realtor.com phát hiện rằng 42% số người chọn sống thử cuối cùng đã cảm thấy hối hận. Max Kulchinsky, nghệ sĩ sống tại thành phố New York (Mỹ) và bạn gái hẹn hò được một năm, sau đó cả hai đều đã ký hợp đồng thuê một căn hộ trị giá 2.200 USD/tháng.
Sống thử có thể giúp các cặp đôi vun vén tình cảm, thấu hiểu nhau hơn. Ảnh: Pavel Danilyuk/Pexels. |
Kulchinsky chia sẻ rằng với chi phí đắt đỏ ở thành phố New York, việc sống một mình không hợp lý về mặt tài chính, quan trọng là hai người không muốn sống xa nhau. Từ đó, cặp đôi luôn cố gắng vượt qua mọi thử thách suốt đại dịch.
Thật không may, khi Covid-19 qua đi, New York bắt đầu sôi động trở lại vô tình để lộ một số điểm khác biệt giữa hai người. Họ chia tay vào tháng 5/2022, chỉ vài tháng sau khi gia hạn hợp đồng thuê nhà. Bạn gái của Kulchinsky chuyển ra ngoài sống, anh phải rút hết tiền tiết kiệm và xoay xở tài chính để trang trải mọi thứ.
“Đây là bài học quý giá trong cuộc đời tôi. Chắc chắn, tôi sẽ không quyết định sống thử cùng ai đó trừ khi đó là người xứng đáng và đem lại cảm giác an toàn", Kulchinsky giãi bày.
Sống cùng nhau có thể là một cách tuyệt vời để cắt giảm chi phí và san sẻ gánh nặng cơm áo gạo tiền. Tuy nhiên, mọi người nên đảm bảo rằng mối quan hệ của mình có thể đủ mạnh để cả hai không phải rơi vào bất kể tình huống tồi tệ nào.
Hệ lụy
Hạ thấp tầm quan trọng của kết hôn: Sống chung trước hôn nhân có thể làm trì hoãn kế hoạch kết hôn của nhiều cặp đôi. Trong trường hợp mọi thứ không suôn sẻ, hai người đã mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu và không thu được gì từ nỗ lực của mình.
Ảnh hưởng tiêu cực: Quyết định sống thử là khi cả hai phải chia sẻ trách nhiệm và tiền bạc. Ban đầu, thảo luận về vấn đề tiền bạc có thể khó khăn. Nếu không xử lý tốt, nó có thể tạo ra những rạn nứt trong mối quan hệ. Thậm chí, chênh lệch về thu nhập có thể trở thành vấn đề phức tạp hơn bao giờ hết.
Nhiều người cảm thấy hối hận khi vội vàng quyết định sống thử. Ảnh: Darina Belonogova/Pexels. |
Di chứng tương lai: Một khi mối quan hệ đổ vỡ, sẽ để lại nhiều vết thương lòng cho cả hai, từ đó khiến nhiều người cảm thấy sợ yêu, dần dần mất niềm tin vào người sau.
Phái nữ chịu thiệt thòi: Khi sống thử, việc đụng chạm thân mật là điều khó tránh khỏi. Nếu không có kiến thức về sức khỏe sinh sản, phái yếu dễ mang thai ngoài ý muốn và thường chọn giải pháp nạo phá thai. Đây là nguyên nhân chủ yếu gây ra những biến chứng gây hại cho sức khỏe, thậm chí là tử vong.
Mỗi người sẽ có quan điểm và lối sống riêng biệt. Tuy nhiên, để việc sống chung trước hôn nhân trở nên ý nghĩa, cả hai cần trau dồi kiến thức, kỹ năng và tinh thần sẵn sàng đón nhận mọi trường hợp xảy ra.
Sự bất công với phụ nữ luôn ẩn mình trong xã hội hiện đại
Khi nghiên cứu về nhiều mặt của đời sống như: Giao thông, y tế, giáo dục, phúc lợi xã hội… phần lớn dữ liệu được thu thập từ nam giới, hoặc không phân biệt giới tính khi tiến hành khảo sát. Từ đó các nhu cầu của phụ nữ không được quan tâm đúng mức. Cuốn sách Phụ nữ vô hình của tác giả Caroline Criado Perez mang đến cho người đọc một cái nhìn khác về bình đẳng giới. Bình đẳng không nằm ở việc đặt hai giới ngang nhau khi suy xét một vấn đề cụ thể. Sự công bằng đến từ việc nhìn nhận một cách đúng đắn về các hạn chế của phụ nữ từ đó giúp họ thể hiện hết khả năng của mình và không bị tụt lại phía sau.