Các doanh nghiệp Trung Quốc đang buộc phải đáp ứng nhiều hơn các nhu cầu của nhân viên gen Z, một thế hệ người lao động có nhiều sự lựa chọn và cơ hội hơn trong sự nghiệp, theo SCMP.
Theo kết quả từ cuộc khảo sát của trang tuyển dụng Zhaopin, các mối quan hệ việc làm truyền thống đang bị đảo lộn trong nền kinh tế số, khi gen Z trở thành lực lượng áp đảo trên thị trường lao động và đại dịch thúc đẩy quá trình số hóa nơi làm việc.
Cuộc khảo sát cũng cho ra kết quả về 4 tiêu chí hàng đầu mà người lao động thế hệ mới mong muốn ở nhà tuyển dụng: tôn trọng nhân viên, giữ đúng cam kết, trả lương phù hợp với công sức và chia sẻ cơ hội một cách bình đẳng trong tập thể.
Những phát hiện này đã nhấn mạnh sự thay đổi về cơ cấu đang diễn ra trong lực lượng lao động Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế quốc gia này đang phát triển và tạo ra số lượng nghề nghiệp gia tăng nhiều lần so với trước đây.
Người lao động gen Z có nhiều cơ hội việc làm hơn thế hệ trước đây. Ảnh: Getty. |
‘Thế giới thuộc về những người trẻ tuổi’
Từ năm 2019, Bộ Lao động Trung Quốc đã công bố hơn 50 lĩnh vực mới thuộc ngành công nghiệp.
Trong khi đó, một báo cáo năm 2020 từ Zhaopin cho biết hơn 70 việc làm đã được tạo mới trên Meituan, siêu ứng dụng dịch vụ, bao gồm cả việc thiết kế phòng thoát hiểm và nhân viên giao hàng.
Chen Long, nghiên cứu sinh bậc tiến sĩ về xã hội học tại Đại học Bắc Kinh, cho biết: “Nếu gen Z không được tôn trọng trong một công ty, hoặc họ không có cơ hội thể hiện hết khả năng của mình, họ có thể dễ dàng nhảy việc bởi có rất nhiều lựa chọn khác”.
Cũng theo tiến sĩ Chen, gen Z lý trí hơn trong công việc, họ không muốn làm thêm giờ hoặc nỗ lực mà không được trả thêm tiền. Đồng thời, họ không chấp nhận những lời hứa suông từ sếp.
“Gen Z coi trọng hạnh phúc và nghĩ rằng cuộc sống còn nhiều điều hơn là chỉ làm việc. Vì vậy, họ không còn sẵn sàng chịu đựng sự bất công và có thể thay đổi công việc một cách dễ dàng hơn thế hệ trước đó.
Trước đây, các nhà tuyển dụng sa thải nhân viên. Hiện tại, gen Z mới là những nhân viên ‘sa thải’ sếp mình”, ông nói.
Giới trẻ Trung Quốc đang yêu cầu được làm công việc linh hoạt hơn và các nhà tuyển dụng buộc phải đáp ứng. Ảnh: AFP. |
Còn theo Yao Yang, Hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia, Đại học Bắc Kinh, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thuộc thế hệ cũ cần phải thích nghi với gen Z thay vì ngược lại.
“Sự phát triển của một xã hội luôn được thúc đẩy bởi thế hệ mới hơn và các thế hệ cũ cuối cùng sẽ phải cúi đầu chào thua”, ông cho biết.
“Lãnh tụ Mao Trạch Đông đã nói rằng ‘Thế giới thuộc về những người trẻ tuổi’, chính họ là người quyết định xã hội của chúng ta sẽ đi về đâu”, ông nói thêm.
Thách thức đối với nhà tuyển dụng
Wang Shengtong, quản lý thương hiệu nhà tuyển dụng tại JD.com, cho biết việc thu hút nhân tài mới đối với các công ty Trung Quốc đang trở nên khó khăn hơn so với trước đây.
Theo ông, sinh viên không còn háo hức đến các sự kiện tuyển dụng trong khuôn viên trường học. Chính các công ty càng cần làm mình trở nên nổi bật hơn bằng việc đưa ra nhiều lợi ích, cung cấp môi trường làm việc tốt, hứa hẹn bằng sự chân thành thay vì những lời nói suông.
Theo các chuyên gia, doanh nghiệp mới là đối tượng cần nhượng bộ nhân viên gen Z. Ảnh: VCG Photo. |
Sun Xianhong, người đứng đầu bộ phận tuyển dụng của Oriental Yuhong (công ty vật liệu niêm yết tại Thâm Quyến), cho biết so với các thế hệ cũ, kiếm tiền không còn là mục tiêu duy nhất của người lao động gen Z. Thay vào đó, họ hy vọng chứng minh bản sắc và giá trị bản thân trong công việc
“Những người sinh ra trong những năm 1970 và đầu những năm 1980 làm việc để tồn tại, họ coi trọng những thành quả mang lại về mặt vật chất và sự hoàn vốn cho gia đình mình.
Nhưng đối với gen Z, hoặc những người sinh sau năm 1995, tình hình tài chính của họ khá hơn và họ không bao giờ phải chết đói. Vì vậy, họ tìm kiếm những mục tiêu cao hơn, chẳng hạn như việc có nhiều tiếng nói hơn trong tập thể, được tự do hơn và chia sẻ các giá trị của công ty”, cô nói.
Theo SCMP, các chuyên gia cũng cho biết thế hệ trẻ đang dần từ bỏ văn hóa làm việc 996 khét tiếng (làm việc từ 9h sáng đến 9h tối, sáu ngày mỗi tuần), một lịch trình mệt mỏi được nhiều công ty công nghệ Trung Quốc áp dụng trong thời gian dài qua.
Li Qiang, Phó Chủ tịch điều hành của Zhaopin, cho biết nhân viên trẻ không còn chấp nhận làm thêm giờ vì lợi ích tiền bạc.
Họ yêu cầu người sử dụng lao động phải cam kết tạo điều kiện phát triển với từng nhân viên; tạo ra sự cân bằng giữa việc tăng lợi nhuận và giúp nhân viên tìm thấy niềm đam mê của mình.