Ghen cô Vy là ca khúc sáng tạo từ bản hit Ghen (2017) của Min và Erik. Mang thông điệp kêu gọi mọi người giữ gìn vệ sinh trong tình hình dịch Covid-19 bùng phát, tác phẩm sau đó gây chú ý khi được khen ngợi trong chương trình talk show của John Oliver trên kênh HBO, và một số chương trình truyền hình quốc tế khác.
Đây thực tế là một dự án truyền thông đến từ Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường. Viện trưởng Doãn Ngọc Hải đã có cuộc trò chuyện với Zing.vn về thành công và sức lan tỏa của Ghen cô Vy.
- Từ đâu mà Bộ Y tế có ý tưởng viết lại lời cho một ca khúc sẵn có với nội dung tuyên truyền về dịch Covid-19?
- Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường là viện trực thuộc Bộ Y tế, và tham gia công tác phòng chống dịch cho người dân. Trong quá trình thực hiện công tác chống dịch, viện có rất nhiều công việc như soạn thảo văn bản hướng dẫn phòng chống dịch chung cho mọi người, phòng chống dịch riêng cho các đối tượng như người lao động, học sinh, sinh viên, y bác sĩ…
Các tài liệu phòng chống dịch cứ được viết đi viết lại, nhìn chung trở nên nhàm chán. Do đó, nhóm truyền thông có ý tưởng làm thế nào để người dân dễ nhớ, dễ thực hiện. Trong các nội dung phòng chống dịch, thì rửa tay rất là quan trọng. Trước đó, Bộ Y tế đã phát động rửa tay từ lâu để phòng chống bệnh chân tay miệng.
Nhưng cứ viết trên giấy, hoặc hô hào rửa tay, thì người dân không thể nhớ hoặc lưu tâm. Nên viện mới nghĩ ra chuyện làm điều gì đó để người dân đều nhớ. Khả năng sáng tạo, sáng tác mới là khó, nên có thể sử dụng một bài nổi tiếng có sẵn và đưa thông điệp vào trong đấy.
Ghen cô Vy là dự án xuất phát từ Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường do Viện trưởng Doãn Ngọc Hải đứng đầu. |
- Tại sao Viện lại quyết định sử dụng bài hát Ghen - một bản hit từ năm 2017 của Erik và Min, do Khắc Hưng sáng tác - mà không phải một ca khúc khác mới hơn?
- Khi bàn bạc, nhóm truyền thông có liên lạc với Khắc Hưng, Erik và Min. Xuất phát từ ý tưởng chọn bài hát nào đấy đã “hot”, cũng như với mối quan hệ cá nhân, nhóm đề xuất bài Ghen. Ca khúc đáp ứng yêu cầu dễ nhớ vì đã nổi tiếng từ trước.
- Quá trình hợp tác giữa Bộ Y tế và nhạc sĩ, ca sĩ để thực hiện bản thu mới này như thế nào?
- Từ bàn bạc đến lúc có thành phẩm, quãng thời gian chỉ khoảng hơn 10 ngày. Khi đã quyết chọn bài Ghen, thì phải nghĩ ý tưởng sáng tạo như thế nào, đưa câu chuyện phòng chống dịch ra sao.
Ban đầu, tôi có đặt ra là kịch bản gồm hai người là một đôi đang ghen và cãi nhau, rồi cô gái chạy ra ngoài. Ra ngoài thì thấy đã bị phong toả, rồi cấm đường, rồi lại phải quay vào. Trong nhà, chỉ còn mỗi hai người lại phải làm lành với nhau.
Song, các bạn truyền thông rất sáng tạo. Việc ghen được biểu diễn thành hình ảnh đang tức nhau. Còn hành động ra ngoài được đưa vào trong TV, là thông tin trên truyền hình. Họ đã sáng tạo cách biểu đạt câu chuyện rất đạt.
Vẫn là câu chuyện đó, rồi hai người cùng nhau, người thì lau nhà, người thì lau cửa sổ. Hai người cứ thế làm việc cùng nhau, cùng vui vẻ, dần sát lại gần nhau. Cuối cùng, họ hôn nhau là vì hết ghen. Covid-19 xuất hiện, gây ảnh hưởng đến mọi góc cạnh của cuộc sống, trong đó có cả chuyện ghen tuông.
Nhưng từ đó, thành phẩm cũng toát ra thông điệp là phải rửa tay vệ sinh để phòng chống dịch. Một thông điệp nữa mà bài hát muốn truyền tải là thói quen vệ sinh. Nhưng rửa tay là quan trọng nhất, nên bài hát cũng lặp đi lặp lại chuyện này tới 4-5 lần.
- Vậy chi phí dành cho Ghen cô Vy có tốn kém không?
- Khi chống dịch, quan điểm của viện là tất cả phải tham gia cho bản thân và toàn xã hội. Ai đóng góp được gì thì cứ đóng góp. Trong điều kiện bình thường, chúng tôi chắc chắn phải đặt hàng: bao nhiêu tiền, làm cái gì, nghiệm thu sản phẩm…
Nhưng trong quá trình chống dịch, bên truyền thông và nghệ sĩ trao đổi là các em muốn đóng góp công sức cho bài hát, kinh phí bồi dưỡng chỉ là phụ. Có thể thấy xã hội vẫn có rất nhiều người nhiệt tình với công việc chung mà không màng gì tới tiền bạc. Phía viện cũng chỉ muốn có một sản phẩm đem ra ngoài xã hội, thay cho việc truyền thông bằng giấy.
Ca khúc đặc biệt lan tỏa sau khi xuất hiện trong chương trình talk show của John Oliver. |
- Chiến lược của Bộ Y tế là gì khi tung ra bài hát trước rồi mới tới MV vũ đạo, và lan tỏa nó dưới hình thức thử thách #ghencovychallenge?
- Chiến lược này tương đối giống nhiều chiến lược ở nước ngoài. Nhảy challenge là một trong các nội dung để tương tác với nội dung bài hát. Trước tiên, khi đưa bản audio lên thì cần phần animation minh họa. Chính phần animation mới là cách truyền tải tốt vì đó là hình ảnh, giúp nâng cao hiệu ứng.
Bài hát ra trước, nhưng mọi người hiểu rõ là chỉ khi bài hát tạo được sự tương tác với người nghe thì mới lan tỏa. Song, từ nội dung, đã phải nghĩ ra tương tác dự kiến. Bạn Quang Đăng cũng ở trong nhóm, và có quãng thời gian ngắn để thực hiện phần vũ đạo.
Ban đầu, sức lan toả chưa đủ rộng khắp. Nhưng sau này, có nhiều người uy tín chia sẻ thành phẩm, và mọi người bắt đầu hiểu đúng về MV. Khi tương tác thành công, thì mọi chuyện rẽ sang muôn hướng, trẻ con làm một kiểu, bác sĩ làm một kiểu, công nhân làm một kiểu…
- Ông nghĩ gì khi Ghen cô Vy thậm chí còn trở thành hiện tượng trên mạng xã hội thế giới, được khen ngợi trên chương trình talk show của HBO?
- Ai có một sản phẩm được xã hội chấp nhận, tiếp nhận vui vẻ, thì hẳn cũng cảm thấy rất vui. Đây là dự án sáng tạo, với công sức của rất nhiều người. Không có sự sáng tạo của các nhóm sau này, ý tưởng của viện hẳn không thể thành công.
Ban đầu, không ai nghĩ thành phẩm lan tỏa đến thế này. Quan trọng hơn cả, nó giúp mọi người ý thức hơn về chuyện vệ sinh cá nhân, cũng như hiểu tầm ảnh hưởng của điều đó với cộng đồng. Trong dịch bệnh, một người có thể gây liên lụy tới hàng trăm người, hay thậm chí cả một xí nghiệp, cơ quan... Ghen cô Vy như thế sẽ giúp nhắc nhở mọi người giữ gìn cho bản thân, cho xã hội.
- Trước Ghen cô Vy, có một bài hát khác cũng được sáng tác về dịch bệnh là Đánh giặc Corona. Nhưng hiệu ứng của nó dường như chưa đủ rộng. Vì sao vậy?
- Chuyện sáng tác nhạc là do viện chủ động, chứ không phải chạy theo trào lưu. Cứ quẩn quanh thông điệp trên giấy để tuyên truyền thì khó lắm, nói mãi người dân chưa chịu làm, tức là hiệu quả chưa cao. Từ đó, chúng tôi mới nghĩ ra cách truyền đạt như lúc này.
Khi nghĩ ra thì đã có người khác làm rồi với Đánh giặc Corona. Nhưng bài hát ấy hơi cứng, khó tiếp cận tầng lớp người trẻ, thanh niên. Chúng ta rõ ràng cần điều gì đó vui vẻ hơn, mềm mại hơn. Rút kinh nghiệm từ chuyện đó thì chúng tôi tìm đến Ghen.
Ca khúc đang được phát triển phiên bản quốc tế. |
- Ông có thể chia sẻ về những chiến lược tiếp theo của Bộ Y tế để tăng cường nhận thức của người dân về dịch Covid-19 trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội?
- Viện Sức khoẻ nghề nghiệp và Môi trường một mặt chăm sóc sức khoẻ người lao động, một mặt là bảo vệ môi trường. Công việc truyền thông diễn ra liên tục, để người dân hiểu và thay đổi nhận thức, cuối cùng là thay đổi hành vi. Đây là câu chuyện dài, cần rất nhiều thời gian. Không phải chiến dịch nào cũng đạt hiệu quả sớm, lan tỏa sâu rộng.
Bên cạnh đó, viện cũng tiếp tục công việc nghiên cứu, như nước rửa tay bằng muối ion để thay thế các sản phẩm cloramin B. Sản phẩm có thể phun trong không gian mà không làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Hoặc làm buồng khử khuẩn toàn thân để mọi người có thể đi qua trong 30 giây…
Còn sau Ghen cô Vy, viện cũng sẽ phát huy tiếp hướng đó; nhưng để đạt thành công như lúc này thì chưa chắc, bởi còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Ngoài ra, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên toàn thế giới, Ghen cô Vy sẽ có bản quốc tế. Bài hát còn mang thông điệp rằng “Việt Nam quyết thắng đại dịch”. Nhưng ở bản mới, đó chắc chắn không chỉ còn là Việt Nam nữa, mà là “we” - tất cả chúng ta, không phân biệt biên giới.