Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ghép tủy: Những hạn chế nào có thể khắc phục?

Ghép tế bào tạo máu, được xem là phương pháp điều trị “nhắm đích” trong điều trị các bệnh về máu ác tính: suy tủy, rối loạn sinh tủy, ung thư máu.

300 triệu đồng /đơn vị máu cuống rốn

Đến nay, Viện huyết học và Truyền máu Trung ương đã thực hiện được 145 ca ghép tủy thành công. Từ năm 2008, các bệnh nhân vẫn sống khỏe mạnh và chất lượng cuộc sống sau phẫu thuật cũng rất tốt.

Những ngày cuối năm, có mặt tại khoa Ghép tế bào gốc của Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, các bác sĩ ở đây rất bận bịu với hàng trăm hồ sơ bệnh án. Nào là Hoàng Thị Thùy L. ghép máu cuống rốn, Vũ Duy Hoài ghép máu cuống rốn. Hồ sơ tập lớn tập bé được tiến sĩ Võ Thị Thanh Bình lần lượt dở xem từng người. Vừa trả lời phỏng vấn, tiến sĩ Bình vừa tư vấn cho người nhà một bệnh nhân bị suy tủy. 

Tiến sĩ Bình cho biết đến thời điểm này thì ghép tế bào máu cuống rốn từ ngân hàng máu cuống rốn cộng đồng đã được bệnh viện thực hiện, tuy nhiên vẫn phải theo dõi thêm thời gian mới có thể công bố và đây được xem như hi vọng mới cho những bệnh nhân bị bệnh máu ác tính không có tủy phù hợp để ghép tủy. 

Em Nguyễn T. L., 18 tuổi đang học lớp 12 trú tại Vĩnh Phúc là trường hợp kém may mắn. Bố mẹ chỉ sinh được mình em và khi vào học lớp 12, L. phát hiện bị bệnh suy tủy. Căn bệnh hiểm nghèo của em chỉ có thể tiến hành ghép tủy mới có thể khỏe mạnh. 

Tuy nhiên, gia đình chỉ có mình em nên không có người hiến tủy. Tiến sĩ Bình cho biết gia đình đồng ý ghép tế bào máu cuống rốn thì viện sẽ tìm trong ngân hàng máu cuống rốn có gen nào phù hợp với cháu. Sau đó, các bác sĩ sẽ tiến hành điều trị theo phác đồ ghép máu cuống rốn.

Tuy nhiên, tiến sĩ Bình cho biết khó khăn nhất hiện nay là chi phí cho việc điều trị đối với gia đình cháu bé. Nếu ghép tủy đồng loại chi phí 600-800 triệu đồng bảo hiểm chi trả một phần và gia đình bệnh nhân phải chi trả khoảng 200 triệu đồng. 

Một ca ghép tủy thành công cho bệnh nhi tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương.

Một ca ghép tủy thành công cho bệnh nhi tại Viện Huyết học và truyền máu Trung ương.

Nếu phải mua đơn vị máu cuống rốn thì giá của một đơn vị máu cuống rốn hiện nay là 300 triệu đồng. So với Singapore và Mỹ chi phí này thấp hơn rất nhiều. Ở Mỹ một đơn vị máu cuống rốn có giá hơn 1 tỷ đồng, tại Singapore có giá 500 triệu đồng. Nếu cháu L. ghép tế bào gốc từ máu cuống rốn thì chi phí gia đình cháu phải chi trả khoảng 500 triệu đồng. 

Vẫn nhiều ca thất bại

Ghép tủy là phương pháp tiên tiến và có khả năng chữa khỏi bệnh cao với tỉ lệ thành công 65-80%, nhưng vẫn có không ít ca ghép tế bào gốc thất bại. Với tiến sĩ Bình và các đồng nghiệp, mỗi ca ghép thất bại đều để lại cho bà sự tiếc nuối, trăn trở. Sau mỗi ca thất bại, các bác sĩ lại rút kinh nghiệm đánh giá. Vì trên thế giới, mức thành công cũng chỉ đạt 70-80 %. 

Điều kiện để ghép tủy thành công còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhất là vấn đề tuổi tác. Với những bệnh nhân trên 60 tuổi do thể trạng kém, sử dụng hóa chất liều cao bệnh nhân khó dung nạp nên chỉ định ghép tủy sẽ thành công rất ít. Ngoài ra, sự hợp tác của bệnh nhân cũng rất quan trọng.

Trường hợp bệnh nhân bị suy tủy xương khi đến với viện ở giai đoạn muộn, họ phải truyền nhiều máu. Khi đã truyền nhiều máu thì nguy cơ thải ghép rất cao. Còn có một số bệnh nhân khi biết tình trạng bệnh tật của mình nhưng vì điều kiện kinh tế chi phí phẫu thuật cao nên họ đắn đo. Khi bệnh nặng họ mới quay lại viện, lúc này tiên lượng thành công thấp.

Tiến sĩ Bình nhớ nhất có một trường hợp nam thanh niên ở Nam Định. Bệnh nhân xác định bị suy tủy. Bác sĩ tư vấn nên ghép tủy nhưng chi phí cao nên bệnh nhân buông xuôi. Bệnh nhân kéo dài sự sống bằng việc vào viện truyền máu. Bẵng đi mấy tháng, bệnh nhân quay lại gặp bác sĩ để đăng ký ghép tủy, có em gái hiến tủy. Lúc này, bác sĩ tiên lượng tỷ lệ thành công chỉ đạt 30-40% vì bệnh nhân này đã truyền một lượng máu rất lớn. 

Sau khi ghép, bệnh nhân có biểu hiện biến chứng sau ghép như không mọc mảnh ghép mới. Thường thì chỉ sau 15 ngày sau ghép, mảnh ghép sẽ mọc mới nhưng bệnh nhân không có biểu hiện mọc và còn bị đái ra máu.

Sau đó, bệnh nhân được ghép lại lần nữa nhưng tình hình bệnh nhân vẫn xấu đi nhiều. Đến đầu năm 2014, bệnh nhân qua đời. Tiến sĩ Bình cho biết đây là điều tiếc nuối nhất cho cả bác sĩ và người nhà. Nếu bệnh nhân ghép tủy ngay từ khi phát hiện ra bệnh thì tỷ lệ thành công cao hơn.

Khi tiến hành ghép tủy cần một lượng máu rất nhiều. Vì thế, một trong yếu tố truyền máu nhiều mà chế phẩm máu đó không được chuẩn bị kỹ trước khi ghép dẫn đến sau ghép tỉ lệ biến chứng cao hơn như biến chứng thải ghép. 

Còn với bệnh ung thư máu, các bác sĩ thường chia ra nhiều nhóm nguy cơ và có từng biện pháp cụ thể với các nhóm. Ví dụ nhóm nguy cơ xấu, trung bình hay tốt. 

Đối với bệnh rối loạn sinh tủy, bệnh viện cũng đã tiến hành ghép cho bệnh nhân bị bệnh này và bệnh nhân cao tuổi nhất được ghép do rối loạn sinh tủy là 51 tuổi, được em gái hiến tủy. Đến nay bệnh nhân vẫn khỏe mạnh.

Tiến sĩ Bình cho biết ưu điểm của ghép tủy là bệnh nhân chỉ sử dụng thuốc trong một thời gian ngắn năm cách ly tại viện. Khi về nhà bệnh nhân sẽ không phải sử dụng thuốc chống thải ghép như các loại ghép tạng thông thường. Có những bệnh nhân sau phẫu thuật đã về nhà lấy vợ sinh con, đi làm bình thường.

http://infonet.vn/ghep-tuy-nhung-han-che-nao-co-the-khac-phuc-post156287.info

Theo Khánh Ngọc/Báo Infonet

Bạn có thể quan tâm