- Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, ĐH RMIT Việt Nam
- Giảng viên ngành Quản trị Du lịch và Khách sạn, ĐH RMIT Việt Nam
Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, Phú Quốc đón hơn 112.000 lượt khách, giảm 11,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Không chỉ sụt giảm về lượng khách, doanh thu du lịch trong kỳ nghỉ lễ vừa qua cũng giảm 24%, chỉ đạt khoảng 132,5 tỷ đồng.
Sau khi tạo ra "cơn sốt" du lịch vào năm ngoái, du lịch đảo ngọc dần trở nên kém hấp dẫn trong mắt du khách bởi nhiều lý do. Một trong số đó có thể nhắc đến vấn đề chi phí tăng cao.
Tăng giá do lạm phát
Giá du lịch tăng do lạm phát toàn cầu là điều có thể lường trước được. Nếu khách du lịch nhận được những dịch vụ và trải nghiệm hài lòng ở Phú Quốc, mức giá cao hơn hợp lý sẽ được chấp nhận.
Bên cạnh đó, đảo ngọc còn phải cung cấp dịch vụ du lịch có giá trị cao, đáp ứng sở thích đa dạng của khách du lịch và tuân thủ các tiêu chuẩn chất lượng đã được thống nhất về an toàn, vệ sinh và khả năng tiếp cận.
Nếu đặt mục tiêu trở thành tâm điểm du lịch lớn nhất ở Việt Nam, Phú Quốc cần sự hỗ trợ từ cả chính quyền và các đơn vị tư nhân. Cơ quan du lịch phải đánh giá nhu cầu và mong muốn của khách du lịch và người dân, cũng như mức sẵn có và chất lượng của cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất.
Phú Quốc vẫn còn nhiều sản phẩm để thu hút khách. Ảnh: Hoàng Giám. |
Cuối cùng, đảo ngọc chỉ có thể phát triển nếu thiết lập được mối quan hệ cùng có lợi với du khách, nhà cung cấp và cộng đồng. Để đảm bảo sự hài lòng cho cả du khách và nhà cung cấp, điểm du lịch này cần chọn thị trường mục tiêu có lợi cho họ.
Ví dụ, Phú Quốc có thể chọn sản phẩm du lịch chính có lợi thế cạnh tranh so với các điểm đến khác và xác định thị trường mục tiêu dựa trên đặc điểm nhân khẩu học của du khách, chẳng hạn như mức thu nhập và mục đích du lịch. Từ đó có thể phát triển các dịch vụ, hàng hóa chuyên biệt, đáp ứng nhu cầu của từng nhóm du khách cụ thể.
Ngoài ra, đảo ngọc nên phân tích các đối thủ cạnh tranh ở cả thị trường trong nước và thế giới. Sau đó, giá của dịch vụ và sản phẩm có thể được thiết lập để mang lại lợi ích cho cả khách du lịch và người làm du lịch.
Vẫn cần giải pháp để phát triển bền vững
Để cân bằng tốc độ phát triển du lịch hiện tại ở Phú Quốc với các tác động môi trường và xã hội, hòn đảo cần áp dụng phương pháp phát triển du lịch bền vững, bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa, đồng thời mang lại lợi ích và cơ hội kinh tế cho người dân.
Cách tiếp cận phát triển du lịch bền vững nên cân nhắc sức chứa của hòn đảo để xác định số lượng du khách có thể đáp ứng mà không gây tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội.
Sự phát triển du lịch nhanh chóng ở Phú Quốc đã dẫn đến các vấn đề môi trường và xã hội, có thể góp phần làm giảm lượng khách du lịch và doanh thu trong năm 2020 và 2021, bên cạnh đại dịch Covid-19.
Không loại trừ khả năng tốc độ phát triển du lịch quá nhanh của Phú Quốc đã ảnh hưởng đến lượng khách năm nay.
Khách gia đình có thể trở thành nhóm khách mục tiêu của Phú Quốc. Ảnh: Hoàng Giám. |
Kế hoạch phát triển hiện tại nhằm mục đích cải thiện cơ sở hạ tầng vật chất và khả năng kết nối của hòn đảo nhưng cũng nên giải quyết các khía cạnh mềm của du lịch như marketing, xây dựng thương hiệu, phát triển nguồn nhân lực, đảm bảo chất lượng, quy định, điều phối và giám sát.
Cơ quan quản lý du lịch của Phú Quốc có thể cần phát triển các chỉ số sẵn sàng du lịch của riêng họ hoặc điều chỉnh các chỉ số hiện có để đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển du lịch, định chuẩn và so sánh với các điểm đến khác, đồng thời đặt ra các mục tiêu và ưu tiên thực tế và có thể đạt được.
Phú Quốc nên tập trung vào các nỗ lực marketing nhắm đến người nước ngoài sống ở TP.HCM, đặc biệt là các gia đình đang tìm kiếm một địa điểm du lịch ngắn ngày và phát triển thêm các phương tiện giao thông tại điểm đến để thuận tiện cho họ.
Bằng cách thực hiện các bước này, Phú Quốc có thể trở thành một điểm đến du lịch bền vững và hấp dẫn hơn, đồng thời bảo tồn các giá trị tự nhiên và văn hóa, đồng thời mang lại các lợi ích và cơ hội kinh tế cho người dân.
Mục Du lịch - Ẩm thực gửi tới độc giả những tựa sách hay, truyền cảm hứng xê dịch. Không chỉ là những chuyến du lịch đơn thuần, mỗi tác phẩm kể lại hành trình khám phá, học hỏi nhiều điều hay từ những nền văn minh, địa điểm mới của các tác giả.