Subaru Forester thế hệ mới được nhập khẩu từ Thái Lan thay vì Nhật Bản, hưởng thuế nhập khẩu thấp hơn nên giá xe đã thấp hơn so với phiên bản cũ. Subaru Forester có 3 phiên bản đều sử dụng động cơ xăng gồm 2.0 i-L, 2.0 i-S và 2.0 i-S EyeSight có giá bán lần lượt là 1,128, 1,218 và 1,288 tỷ đồng.
Mazda CX-8 mới ra mắt hồi giữa năm, là mẫu xe lấp đầy khoảng trống crossover 7 chỗ mà CX-9 để lại. Được lắp ráp trong nước, tận dụng nguồn tài nguyên sẵn có, song giá bán CX-8 tương đối cao. Mazda CX-8 được phân phối 3 phiên bản dùng động cơ xăng 2.5L là CX-8 Luxury giá 1,199 tỷ đồng, CX-8 Premium giá 1,349 tỷ đồng và CX-8 Premium AWD giá 1,399 tỷ đồng.
Kích thước CX-8 vượt trội
Là mẫu xe 7 chỗ, Mazda CX-8 có kích thước vượt trội hơn so với Subaru Forester ở hầu hết thông số. Không chỉ dài hơn, CX-8 còn rộng hơn, cho thấy khoang nội thất của mẫu xe này sẽ thoải mái hơn đôi chút so với Forester.
Subaru Forester chỉ vượt trội hơn ở khoảng sáng gầm. Là mẫu xe có khoảng sáng gầm lớn bậc nhất phân khúc, Forester có lợi thế khi di chuyển ở những cung đường gồ ghề hoặc phải vượt qua vùng ngập nước.
Ngoại thất CX-8 trung tính, Forester vuông vắn
Phần đầu xe, Forester đã có thay đổi nhỏ so với thế hệ trước ở những chi tiết như viền crom lưới tản nhiệt, hốc đèn sương mù, đèn full LED. Thêm một số chi tiết trang trí và hiện đại hơn, song tổng thể phần đầu Forester vẫn khá "thô", vuông vắn và nam tính.
Mazda CX-8 có phần đầu xe khá giống với người anh em của mình là CX-5 với cụm đèn trước LED dẹp, dải đèn LED định vị khá bắt mắt. Đèn trên CX-8 có khả năng cân bằng góc chiếu và tự động mở rộng khi đánh lái. Ở phiên bản Premium, đèn pha là đèn thích ứng thông minh Adaptive LED Headlamps. Xét về tổng thể, phần đầu CX-8 không quá nổi bật do thiết kế đã cũ và quen thuộc với khách hàng.
Nhìn ngang thân xe, phần mâm của Forester có phần bắt mắt hơn CX-8, mặc dù kích thước chỉ 18 inch so với mâm 19 inch trên CX-8. Thiết kế CX-8 có phần "trường" xe hơn. Cả 2 mẫu xe đều có thiết kế khá hợp lý về tỉ lệ và không rườm rà.
Phần đuôi CX-8 có phần đẹp mắt hơn với cụm đèn hậu dạng tròn, khá nhỏ và nối với nhau bởi dải crom mảnh trang trí. Thiết kế đuôi xe tương đối góc cạnh, cánh gió sau tích hợp đèn phanh và ống xả đôi 2 bên là những chi tiết khá thể thao.
Xét về thiết kế chung, Forester nam tính và góc cạnh, còn CX-8 thì khá trung tính, phù hợp với khách hàng ở các độ tuổi và giới tính khác nhau.
Nội thất CX-8 tinh tế, Forester thực dụng
Khoang nội thất của Forester không rộng rãi bằng CX-8, nhưng được trang bị khá tốt với ghế bọc da, ghế lái và ghế phụ chỉnh điện, nhớ vị trí ghế lái. Màn hình giải trí cảm ứng 8 inch, vô-lăng bọc da nhiều nút bấm, điều hòa tự động với cửa gió điều hòa cho hàng ghế sau. Thiết kế cửa gió điều hòa phía trước đặt dọc khá thú vị.
CX-8 cũng có ghế ngồi bọc da, điều hòa tự động có cửa gió cho hàng ghế sau. Điểm trừ của mẫu xe này là có màn hình nhỏ hơn, cỡ 7 inch, tích hợp Apple CarPlay/Android Auto. Lợi thế của CX-8 là sở hữu hệ thống 10 loa Bose với âm thanh được đánh giá khá tốt.
Cả Forester và CX-8 đều không có cửa sổ trời, một trang bị được khách hàng Việt ưa chuộng. Theo lý giải từ nhà sản xuất, không khí tại Việt Nam ô nhiễm, bụi bặm nhiều, cửa sổ trời sẽ không phát huy được tác dụng lại tiềm ẩn nguy cơ hỏng hóc nên trang bị này đã bị cắt bỏ.
Công nghệ hỗ trợ trên 2 mẫu xe khá tốt
Về trang bị an toàn, bên cạnh các công nghệ phổ biến thì gói công nghệ EyeSight là điểm nhấn trên Subaru Forester 2019. Các camera đặt trên kính lái và xung quanh xe giúp cảnh báo tình huống va chạm có thể xảy ra, theo dõi liên tục các xe phía trước, người đi bộ qua đường... Khung gầm chắc chắn, động cơ và các chế độ lái cũng được coi là thế mạnh của Forester.
Gói i-Activsense trên CX-8 là gói trang bị đáng giá, gồm các hệ thống cảnh báo điểm mù, cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi, đèn pha tự động chiếu theo góc đánh lái, cảnh báo lệch làn và hỗ trợ giữ làn đường, cảnh báo người lái thiếu tập trung... Xét về tính năng an toàn và hỗ trợ người lái, CX-8 hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu khách hàng đối với một chiếc xe có tầm giá dưới 1,5 tỷ đồng.
Động cơ CX-8 lớn hơn và mạnh mẽ hơn
Subaru Forester sử dụng động cơ 2.0L, dung tích xy-lanh thấp hơn CX-8 sử dụng động cơ 2.5L, do đó thông số sức mạnh động cơ có chênh lệch. Tuy vậy động cơ nhỏ hơn có thể sẽ mang lại lợi thế tiết kiệm nhiên liệu cho Forester.
Đối với thông số động cơ của CX-8 và Forester, đây không phải là thông số quá tốt nhưng hợp lý, cân bằng giữa nhu cầu sử dụng, điều kiện đường sá và khả năng tiết kiệm nhiên liệu.
Đánh giá chung
Cả 2 mẫu xe đều có ưu, nhược điểm riêng. CX-8 phù hợp với gia đình đông người, nhu cầu sử dụng xe trên 5 hành khách nhiều. Trang bị của xe cũng khá tốt nhưng giá bán tương đối cao.
Forester là mẫu xe phù hợp với những người đề cao cảm giác lái, độ chắc chắn của khung gầm và sự khác biệt so với số đông. Tuy nhiên kích thước khá nhỏ của Forester và thiết kế có phần hơi vuông vắn là những điểm có thể khiến khách hàng Việt không thực sự hài lòng.