Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gia đình 17 người sống chung, lây Covid-19 cho nhau

Cùng nhau ăn uống, sinh hoạt dưới một mái nhà trong mùa dịch, 11/17 thành viên của đại gia đình Ấn Độ đã lây nhiễm Covid-19 cho nhau.

Khi một thành viên trong gia đình dương tính với SARS-CoV-2, Mukul Garg biết rằng đó chỉ là khởi đầu.

Đại gia đình của Garg đã tự cách ly nhiều tuần trong thời gian giãn cách xã hội. Tổng cộng 17 người, từ 3 tháng đến 90 tuổi, đã cùng nhau ăn uống, sinh hoạt trong một ngôi nhà ở Delhi, Ấn Độ.

“Chúng tôi biết rằng tất cả sẽ đều bị nhiễm virus và khá chắc chắn về viễn cảnh chết chóc”, Mukul Garg (33 tuổi) nói.

dich covid-19 anh 1

4 thế hệ của gia đình Garg sống cùng nhau trong một ngôi nhà ở Delhi. Ảnh: Mukul Garg.

Chỉ vài ngày sau, 10 người khác trong gia đình Garg cho kết quả dương tính với virus corona. Trong số đó có ông nội 90 tuổi của Garg đang nằm liệt giường; bà ngoại 87 tuổi; cha 62 tuổi và chú 60 tuổi đều bị tiểu đường và huyết áp cao.

Ngôi nhà Garg nằm cuối con đường ở Delhi đã biến thành ổ dịch, được đánh dấu kiểm dịch và bị cách ly khỏi thế giới bên ngoài.

Câu chuyện của gia đình Garg chỉ là một phần nhỏ của bức tranh Covid-19 tại Ấn Độ, quốc gia đang có số ca nhiễm nhiều thứ 3 thế giới. Đến ngày 5/7, nước ngày có 650.000 trường hợp nhiễm corona và hơn 19.000 người tử vong được xác nhận do đại dịch.

Ở Ấn Độ, thông thường nhiều thế hệ sống chung một mái nhà. Điều này trở thành một thách thức đối với những người trẻ muốn bảo vệ người thân già yếu, dễ bị tổn thương hơn trong mùa dịch. Khoảng một nửa số ca tử vong do Covid-19 ở Ấn Độ là những người trên 60 tuổi.

dich covid-19 anh 2

Ở Ấn Độ, thông thường nhiều thế hệ sống chung một mái nhà. Ảnh: AP.

Đối với Gargs, sống cùng nhau có thể vừa là thách thức nhưng cũng là một nguồn sức mạnh. 3 anh em và gia đình riêng của họ và cả cha mẹ đã chung sống với nhau trong nhiều thập kỷ qua.

Mỗi gia đình nhỏ chiếm một tầng rộng rãi trong căn nhà 4 tầng ở phía tây bắc Delhi. Thông thường, họ có những thói quen, giờ giấc sinh hoạt riêng. Nhưng khi bị mắc kẹt với nhau trong mùa dịch, họ thường tụ tập ăn uống, vui chơi cùng nhau.

Các thành viên trong gia đình đều tuân thủ việc phòng ngừa dịch bênh. Họ hạn chế ra ngoài. Chỉ một số người nhận nhiệm vụ đến cửa hàng tạp hóa để mua đồ dùng cho cả gia đình. Mukul nói gia đình anh thường xuyên khử trùng nhà cửa và vệ sinh cá nhân đúng cách.

Vào cuối tháng 4, một trong những người chú của Mukul bắt đầu ho và sốt. Ban đầu, gia đình nghĩ rằng đó là bệnh cúm thông thường. Vài ngày sau, dì Anita cũng nhiễm bệnh. Sau đó lần lượt cha mẹ rồi đến bà của Mukul đều bị sốt.

“Chúng tôi cực kỳ thận trọng và tin rằng mình không thể nhiễm virus. Nhưng sau đó, từng người một đều bị sốt”, mẹ của Mukul, Meena Devi, 58 tuổi, nói.

dich covid-19 anh 3

Hơn 19.000 người tử vong được xác nhận do đại dịch tại Ấn Độ. Ảnh: PTI.

Ban đầu, gia đình Gargs đã do dự việc kiểm tra vì lo sợ sẽ bị tẩy chay nếu cho kết quả dương tính. Tuy nhiên, sau 5 ngày bị sốt, dì Anita bắt đầu khó thở. Bà được xét nghiệm dương tính vài ngày sau đó. “Tất cả đã sụp đổ”, Gargs viết trong một bài đăng trên MXH kể về những trải nghiệm của gia đình anh.

Anita là trường hợp nghiêm trọng nhất trong gia đình Gargs. Trong khi đó, ông nội 90 tuổi của Gargs, Shyamlal, cũng nhiễm virus nhưng không có triệu chứng gì đặc biệt. Bà ngoại 87 tuổi của họ, Beena, bị sốt kéo dài cả tháng, cùng với ho và đau đầu, nhưng tình trạng của bà không xấu đến mức phải nhập viện. Một người anh em họ 29 tuổi, vợ của anh ta và 4 trẻ em dưới 6 tuổi được xét nghiệm âm tính.

Đến hiện tại, câu hỏi về nguồn gốc lây bệnh cho gia đình Gargs vẫn là bí ẩn. Họ suy đoán rằng chú của Mukul, người đầu tiên bị bệnh, có thể đã nhiễm virus trong khi mua đồ tạp hóa, nhưng không hoàn toàn chắc chắn. Vì vào thời điểm đó, không có trường hợp nhiễm virus nào được ghi nhận trong khu vực.

Đầu tháng 6, sau khi tất cả các thành viên đều xét nghiệm âm tính, cuối cùng gia đình Gargs được đoàn tụ. “Có tiếng cười, thức ăn ngon và có thể ôm con cháu sau một thời gian dài là cảm giác tuyệt vời”, một thành viên nói.

Sinh viên Hàn chật vật hồi hương, dở dang giấc mơ Mỹ vì đại dịch

Nhiều người trẻ Hàn Quốc từng dành nhiều năm học tập, làm việc ở xứ cờ hoa, nay chọn cách hồi hương vì một tương lai an toàn hơn.

Lê Vy (Theo Washington Post)

Bạn có thể quan tâm