Chi phí đưa cả nhà về quê ăn Tết là nỗi lo của nhiều cặp vợ chồng ở các thành phố lớn. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Kết hôn 8 năm, Hoàng Nguyên (33 tuổi, Hà Tĩnh) và chồng, là người TP.HCM, thống nhất luân phiên năm nay Tết nội thì năm sau Tết ngoại. Năm ngoái, gia đình 3 người đã ở lại TP.HCM nên năm nay dự tính về nhà ngoại đón Tết.
Kế hoạch là vậy nhưng Nguyên chờ xem có thưởng Tết hay không mới dám quyết định. Chị ước tính chi phí để về quê cho gia đình 3 người, cộng thêm mua sắm quà cáp và biếu bố mẹ hai bên dao động 70-100 triệu đồng.
"Nếu không có thưởng Tết, khả năng cao chúng tôi sẽ không về", Nguyên chia sẻ với Tri thức - Znews.
Đón Tết nhà ngoại hay nhà nội, lo lắng về kế hoạch chi tiêu cuối năm, sắp xếp thời gian trong kỳ nghỉ Tết... là những băn khoăn của các cặp vợ chồng sinh sống ở những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.
Chỉ còn vài tuần nữa là đến Tết Âm lịch, một số người đang tất bật với các công đoạn sắm sửa chuẩn bị, trong khi nhiều đôi vẫn chưa thể thống nhất chuyện ăn Tết như thế nào.
"Gom góp cả năm tiêu hết trong 3 ngày Tết"
Hoàng Nguyên nhẩm tính chỉ riêng tiền vé máy bay và di chuyển về nhà của mỗi người rơi vào khoảng 8 triệu đồng, nhân lên đã tốn gần 25 triệu đồng. Tết năm 2022 khi về quê, cô đã chi tổng cộng gần 80 triệu đồng.
"Nhưng năm đó tôi được thưởng Tết lớn, thu nhập trong năm cũng ổn định nên số tiền đó không phải là gánh nặng. Năm qua, kinh tế khó khăn, tôi phải đau đầu hơn để dự liệu", cô lý giải.
Nguyên cho biết hai năm mới về Tết một lần nên cô chi khá nhiều cho quà cáp, biếu họ hàng, tiền mừng tuổi cho rất đông con cháu ở quê. Thời tiết ở quê mùa này rất lạnh, trong khi gia đình cô ở miền Nam, trời nóng quanh năm, nên không có sẵn quần áo ấm. Mỗi lần về Tết, gia đình 3 người tốn thêm một khoản kha khá để mua đồ mới.
Nhiều người ở xa chọn về quê sau Tết để vé máy bay bớt đắt đỏ, nhưng nhân viên văn phòng 33 tuổi nói rằng cô khó làm như vậy, bởi gia đình còn phải sắp xếp theo lịch đi học của con. Nếu Tết không về, gia đình cô chỉ có thể sắp xếp về vào dịp nghỉ lễ lớn hoặc nghỉ hè.
Năm nay Tết nhẹ nhàng hơn khi vợ chồng Phương Thảo đã trả xong nợ. Ảnh: NVCC. |
Năm nay là cái Tết thứ 4 về nhà chồng, Phương Thảo (24 tuổi) đã quen với việc lên kế hoạch mua sắm và chuẩn bị mọi thứ chu toàn cho dịp lễ lớn trong năm. Tuy nhiên, cô thừa nhận có chút "ngợp" với cảm giác "gom góp cả năm tiêu hết trong 3 ngày Tết".
Thảo cho biết cô đã bắt đầu sắm sửa quần áo cho cả nhà từ tháng 11 Âm lịch, vì tới tháng 12 "không còn gì để lựa". Hơn nữa, tháng cuối năm là lúc bắt đầu phải dồn tiền sang sắm bánh kẹo và nhiều đồ khác phục vụ Tết.
"Thực ra tôi cũng mua sắm đồ theo mùa, trong năm đã có đầy đủ trang phục nên đến Tết chỉ mua thêm món nào đó nếu thấy cần, không tốn quá nhiều tiền", cô nói.
Đầu tháng 12 Âm lịch, Phương Thảo bắt đầu chia chi tiêu thành các khoản cho đồ ăn, bánh kẹo, tiền biếu ông bà, tiền mừng tuổi. Cô cũng dự trù một khoản tiền nhỏ để làm đẹp cuối năm, khoảng 1 triệu đồng để làm tóc và thêm một chút để làm móng, nhưng không phải năm nào cũng sẽ làm
Bên cạnh chi tiêu cho gia đình, tháng 12 Âm lịch đến ra Tết năm nay, Thảo còn một khoản khác phải lo khi đã nhận được 8 thiệp mời cưới. Hiện tại, các khoản đã nằm trong dự tính, cô chỉ ngại những thứ phát sinh thêm.
Nhưng Thảo nói rằng năm nay Tết bớt áp lực hơn với gia đình nhỏ vì hai vợ chồng đã trả hết nợ.
"Năm đầu kết hôn, cũng là lúc sinh em bé đầu lòng, vợ chồng tôi mắc nợ một khoản. Đến năm thứ 2 vướng dịch bệnh, làm ăn khó khăn. Năm thứ 3 cày cuốc trả nợ. Năm thứ 4 này, đã hết nợ, mong mọi thứ ổn hơn", cô tâm sự.
Ở lại TP.HCM còn tốn hơn về quê ăn Tết
Theo số liệu của Cục Hàng không, tính đến giữa tháng 12, các hãng cung ứng tổng cộng hơn 7 triệu ghế trên các đường bay quốc tế và nội địa trong giai đoạn từ 14/1/2025 đến 12/2/2025, tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm trước.
Chặng TP.HCM đi Huế, Pleiku, Tuy Hòa, Quy Nhơn, Quảng Bình, Thanh Hóa, Vinh ghi nhận tỷ lệ đặt chỗ cao, lên đến 90-100% vào các ngày từ 23 đến 26/1/2025. Sau kỳ nghỉ lễ tỷ lệ đặt chỗ trên các chuyến bay từ địa phương về lại TP.HCM cũng ở mức cao do người lao động quay lại thành phố làm việc.
Chi phí mua vé máy bay về quê đón Tết là gánh nặng tài chính với nhiều gia đình trẻ ở TP.HCM. Ảnh: Duy Hiệu. |
Tìm mua vé máy bay về quê trong dịp Tết Nguyên đán là nỗi đau đầu của nhiều gia đình sinh sống ở TP.HCM, trong đó có vợ chồng Hà Thư (30 tuổi). Quê ở Quảng Trị, cả hai thường bay về sân bay Phú Bài (Huế), nhưng hiện tại vé chặng TP.HCM đi Huế từ ngày 24/1 đến 26/1 đều đã bán hết. Vé những ngày trước và sau giai đoạn này có giá khoảng 3,4 triệu đồng.
"Nếu về sớm hơn thì tôi không xin nghỉ phép được, còn về trễ quá thì không ở được mấy ngày cả", Thư cho biết.
Cô nói thêm lý do hai vợ chồng tìm đặt vé sớm hơn là vì chồng cô phải làm việc theo dự án, không thể tính trước lịch nghỉ Tết.
Cuối cùng, hai vợ chồng quyết định mua vé khứ hồi TP.HCM - Đà Nẵng với giá hơn 10 triệu đồng. Bay về Đà Nẵng, họ có nhiều lựa chọn hơn về khung giờ, nhưng sẽ phải ngồi tàu hoặc xe lâu hơn nhiều khi di chuyển từ sân bay về nhà.
Giống như nhiều gia đình khác khi về quê ăn Tết, Hà Thư và chồng cũng phải sắp xếp các khoản tiền để lo chuyện mua quà, biếu bố mẹ hai bên, lì xì cho trẻ em và người lớn tuổi trong nhà.
"Tôi tính toán sơ sơ cũng phải tốn 50-60 triệu đồng", Thư cho hay.
Ngoài chi phí đi lại, các cặp vợ chồng trẻ còn phải tính toán tiền mua đồ dùng, quà cáp trong những ngày Tết. |
Năm ngoái, vì lo về quê tốn kém nên hai vợ chồng Thư đã quyết định ở lại TP.HCM dịp Tết, đến nghỉ lễ 30/4 mới về quê thăm bố mẹ. Tuy nhiên, cô nhận thấy rằng ở lại thành phố cũng không tiết kiệm hơn là bao.
"Những ngày đó, chỉ ở nhà thôi thì buồn mà tụ tập, đi chơi hoặc du lịch cùng hội bạn thân, họ hàng thì cũng tốn kém không khác gì về quê cả", cô nhớ lại.
Thư và chồng đã tốn khoảng 40 triệu đồng khi du lịch Malaysia và Singapore trong Tết Nguyên đán năm 2023. Tuy về quê dịp lễ Tết thường đắt đỏ, bù lại gia đình Thư có dịp quây quần bên những người thân yêu, sống trong không khí đầm ấm của những ngày đoàn viên.
"Tiền bạc có thể kiếm cả năm nhưng những dịp như Tết thì chỉ có vài ngày. Đó là lý do dù bận rộn và cũng không dư dả gì nhiều, vợ chồng tôi thống nhất về quê trong Tết năm nay", Thư chia sẻ.
Chia sẻ với Tri thức trực tuyến, đại diện FirstNews Trí Việt cho biết điểm chung của độc giả dòng sách chữa lành là người đã và đang chịu sự tổn thương mà không thể thoát ra được, hoặc không thể nói cùng ai. Lúc này, họ chọn sách chữa lành để vượt qua và phát triển bản thân. Còn đại diện truyền thông Huy Hoàng Books nhận định trước đây, độc giả thích đọc sách cuốn hút, kịch tính hoặc truyền tải thông điệp vĩ mô như nhân sinh, sắc tộc, thì giờ đây, những cuốn sách nhẹ nhàng, chữa lành tâm hồn dần có chỗ đứng riêng.