"Tôi rất ủng hộ việc hạn chế đi lại, nhưng gia đình tôi đã bị phân tán", Alix Indigo Holmgaard (Đan Mạch) nói với CNN. Cô không được gặp hôn phu và con gái riêng người Anh kể từ năm ngoái, khi đại dịch bùng phát.
Việc đóng cửa biên giới, liên tục thay đổi các hạn chế nhập cảnh và cách ly khiến nhịp sống của các gia đình đa quốc tịch như Alix xáo trộn.
Ngày càng nhiều người kêu gọi chính phủ các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với các thành viên trong gia đình họ, những người người không phải công dân EU.
Nhiều gia đình bị ảnh hưởng bởi các hạn chế đi lại cho biết việc các chính phủ liên tục thay đổi những quy tắc khiến một vấn đề vốn đã phức tạp càng trở nên khó hiểu hơn.
Trong nhiều tháng, Yulia Kulikova, luật sư mang hai quốc tịch Nga và Thụy Sĩ, kêu gọi nhiều quan chức chính phủ và cơ quan cho phép mẹ cô từ Nga đến thăm sau hơn một năm xa cách.
Nhiều gia đình đa quốc tịch như Alix không thể đoàn tụ trong đại dịch khi sống ở những quốc gia khác nhau. Ảnh: CNN. |
Cuối cùng, sau khi biết Thụy Sĩ cho phép các hoạt động như lễ rửa tội là lý do hợp lệ để người dân nước ngoài nhập cảnh, thăm thành viên gia đình là công dân Thụy Sĩ, Yulia và chồng quyết định thực hiện lễ này cho cặp song sinh 6 tuổi để cô có thể gặp lại mẹ.
"Không phải ai cũng có thể tạo lý do chính đáng như chúng tôi để gặp lại người thân. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không nhớ gia đình của họ. Nỗi mong mỏi được đoàn tụ của họ cũng nhiều như chúng tôi vậy. Và các quy định như thế rất không công bằng", Yulia nói.
Hy vọng
Việc gia đình bị phân tán có thể gây tác động lớn đến sức khỏe tâm thần của các thành viên.
"Mọi người đều đã trải qua mất mát và khó khăn, nhưng đối với những gia đình đa quốc tịch, họ dường như phải chịu đựng nhiều hơn thế. Trước đây, gia đình, bạn bè chỉ cách họ một chuyến bay nhưng giờ điều hiển nhiên và dễ dàng ấy không còn nữa", Irene Skovgaard-Smith, nhà nhân chủng học thuộc Đại học East Anglia (Anh), nhận xét. Cô đang tiến hành nghiên cứu về các gia đình đa quốc tịch và hạnh phúc của họ trong thời kỳ đại dịch.
Khi trở thành nguồn thông tin, tư vấn cho các gia đình khó khăn, mỗi ngày, Irene nhận được 4-5 cuộc gọi hoặc tin nhắn từ những người đang tuyệt vọng muốn gặp người thân của mình.
"Hộ chiếu vaccine" là hy vọng của nhiều gia đình đang bị phân tán trong đại dịch. Ảnh: Getty. |
Thời gian gần đây, hy vọng dần le lói cho những gia đình đang bị phân tán do đại dịch khi một số quốc gia cân nhắc sửa đổi quy định nhập cảnh.
Bên cạnh đó, "hộ chiếu vaccine", một loại giấy thông hành cho phép việc đi lại ít bị hạn chế hơn trong các quốc gia EU, đang tạo nhiều sức hút và có thể mở đường cho việc nới lỏng các hạn chế đối với các nước ngoài khối này.
Từ mùa hè này, những người Mỹ đã tiêm vaccine Covid-19 sẽ được phép tự do đi lại và du lịch đến EU. Pháp, Hy Lạp gần đây cũng công bố kế hoạch cho phép công dân các nước không thuộc EU nhập cảnh khi đáp ứng các yêu cầu về xét nghiệm và vaccine.
Dù vậy, cảm giác mất mát, đau buồn là điều khó có thể xóa nhòa với những người phải xa cách người thân trong một năm qua.
"Hai vợ chồng tôi là những người duy nhất chứng kiến con gái lớn lên. Không giống tôi, con bé có khả năng không có cơ hội ngồi nghe chú, dì hay người họ hàng nào kể về những kỷ niệm ngày còn bé của nó", Lindsey Silva, sống ở Mannheim (Đức) cùng chồng và con gái 18 tháng tuổi, nói.
Lindsey đến từ Texas (Mỹ), chồng cô là người Brazil. Hai vợ chồng hy vọng có thể gặp bố mẹ của Lindsey vào mùa hè này ở Đức hoặc Mỹ, tùy thuộc vào thời điểm các thành viên được tiêm vaccine Covid-19. Việc đoàn tụ gia đình chồng Lindsey ở Brazil vẫn bỏ ngỏ vì quốc gia này đang ghi nhận các ca nhiễm SARS-CoV-2 cao đột biến.
"Con tôi mới có một tháng ở bên ông bà vào cuối năm 2019. Tôi không kìm được mỗi khi nghĩ về điều đó", cô chia sẻ.