Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gia đình Italy bán nhà để chu du đại dương

Không ít người chỉ trích gia đình Barberis vì quyết định lên đường khám phá đại dương giữa dịch Covid-19. Song vì đã bán nhà từ đầu năm nay, họ không thể trì hoãn hành trình.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều nơi, các đại dương trở nên vắng vẻ khi người đi biển khắp thế giới tìm đến những bến cảng an toàn vì sợ mắc kẹt.

Điều này khiến cho quyết định lên đường chu du đại dương vào cuối tháng 9 của gia đình Barberis trở nên can đảm hoặc liều lĩnh hơn trong mắt một số người, theo CNN.

Stefano và Sara Barberis, cặp vợ chồng đến từ một thị trấn nhỏ ở vùng phía bắc Lombardy (Italy), đã bán nhà để dồn chi phí cho chuyến đi dự tính kéo dài 1 năm. Mục tiêu của họ là vượt Đại Tây Dương, khám phá vùng biển Caribe và có thể xa hơn nữa.

Ba con của cặp vợ chồng gồm Iago (11 tuổi), Nina (8 tuổi) và Timo (3 tuổi), cùng chú chó cưng Pepper sẽ đồng hành trong chuyến đi. Nơi trú ngụ sắp tới của cả gia đình là chiếc thuyền buồm dài 17 m, có tên Shibumi (nghĩa là “vẻ đẹp tinh tế” trong tiếng Nhật).

ban nha de chu du dai duong anh 1

Gia đình Barberis bán nhà để thực hiện chuyến khám phá đại dương dự tính kéo dài 1 năm.

“Tất nhiên chúng tôi cũng sợ hãi. Điều này thật điên rồ. Chúng tôi đã bán nhà vào đầu năm nay, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, nên không thể đợi tới sang năm nữa. Đến lúc đó, chúng tôi sợ đã tiêu hết số tiền trong tay”, Sara nói.

Gia đình 5 người sẽ khởi hành từ thành phố La Spezia (Italy), hướng tới quần đảo Balearic (Tây Ban Nha), sau đó là Gibraltar và Đại Tây Dương.

Vì dịch bệnh, Sara cho biết gia đình sẵn sàng điều chỉnh các kế hoạch trên đường đi nếu cần thiết.

"Chúng tôi sẽ đeo khẩu trang và găng tay khi xuống cảng ở nước ngoài. Nhưng trong phần lớn chuyến đi, cả nhà sẽ ăn tối trên boong và neo đậu thuyền tại những bãi biển vắng vẻ, yên tĩnh hoặc các vịnh không có tàu thuyền, người xung quanh".

Sống khác

Với vợ chồng Sara - Stefano, động lực cho chuyến du ngoạn xuất phát từ mong muốn trải nghiệm lối sống khác.

Sara, nhà thiết kế thời trang, cho biết: “Trong chuyến đi, chúng tôi có thể hòa mình vào thiên nhiên và chiêm ngưỡng những địa điểm đẹp như thiên đường, không bị ô nhiễm trước khi con người hủy hoại chúng”.

Nhiều tháng qua, cặp vợ chồng đã chuẩn bị mọi thứ và sửa sang lại chiếc thuyền để biến nó thành một "ngôi nhà nổi" thoải mái.

ban nha de chu du dai duong anh 2

Những đứa trẻ nhà Barberis lớn lên cùng nhiều chuyến du ngoạn trên biển.

Gia đình Barberis đều ưa phiêu lưu. Những đứa trẻ lớn lên cùng với những chuyến đi quanh Địa Trung Hải cùng bố mẹ, thường trong điều kiện thời tiết khó khăn.

Theo Sara, việc bán nhà đã giúp gia đình cô có đủ tiền để tân trang con thuyền và sẽ dành 1 năm trên biển để trải nghiệm cuộc sống đơn giản.

“Đó là điều chúng tôi luôn muốn con cái học được. Cuộc sống trên thuyền có thể đỡ tốn kém hơn nhiều so với khi ở nhà. Tất cả phụ thuộc vào cách bạn tiêu tiền, tự nấu đồ ăn và chỉ cần vài bộ quần áo thay vì đi tới nhà hàng hoặc mua những chiếc áo đắt tiền”, người phụ nữ 40 tuổi nói.

Phòng thí nghiệm nổi

Việc chứng kiến ​​tình trạng thay đổi khí hậu và sự mở rộng đô thị ảnh hưởng đến những địa điểm gần nơi ở cũng là lý do khiến vợ chồng Sara - Stefano quyết tâm thực hiện chuyến phiêu lưu.

Họ hy vọng con cái sẽ học hỏi, khám phá được nhiều điều về môi trường. Con thuyền đóng vai trò như “phòng thí nghiệm nổi” để thu thập dữ liệu về mức tiêu thụ năng lượng và nước, ô nhiễm, đồng thời trở thành đài quan sát cá heo, cá voi.

Các video và dữ liệu gia đình thu thập sẽ được chia sẻ thông qua nền tảng trực tuyến với sinh viên của một số trường học ở Italy.

“Chúng tôi nghĩ điều quan trọng là trẻ em phải hiểu đầy đủ ý nghĩa của năng lượng và mức độ tiêu thụ quá mức có thể ảnh hưởng đến hành tinh này, ví như việc tắm vòi hoa sen kéo theo những gì, lượng nước bị lãng phí hay mức tiêu thụ năng lượng để sạc pin điện thoại”, Sara cho biết.

ban nha de chu du dai duong anh 3

Vợ chồng Sara - Stefano muốn con cái khám phá nhiều điều về môi trường.

Cuộc phiêu lưu trên biển của gia đình Barberis hiện gây ra một số tranh cãi trên mạng xã hội Italy. Một số người cho rằng họ chọn thời điểm không thích hợp. Số khác chỉ trích cặp vợ chồng vì quyết định đưa con cái đi cùng trong một cuộc hành trình tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Chúng tôi bị chửi bới là đồ ích kỷ. Nhưng vợ chồng tôi sẽ cảm thấy tồi tệ khi ra khơi mà bỏ mặc lũ trẻ, không cho chúng sống trong cơ hội mà có thể nói là duy nhất như vậy”, Sara nói.

Theo nhà thiết kế thời trang, con thuyền của gia đình cô được trang bị bộ dụng cụ sơ cứu khẩn cấp, thuốc kháng sinh và mọi thứ họ có thể cần.

"Chúng tôi sẽ luôn chèo thuyền gần bờ ngoại trừ 2-3 tuần băng qua Đại Tây Dương. Nhưng chúng tôi có tất cả công nghệ cần thiết để kêu gọi sự giúp đỡ nếu bất cứ điều gì xảy ra”.

“Tận hưởng từng khoảnh khắc”

Maurizio Martini, chuyên gia chèo thuyền người Italy đã vượt Đại Tây Dương nhiều lần, nói rằng gia đình Barberis có khả năng tận hưởng chuyến đi suôn sẻ với thời tiết thuận lợi vào thời điểm này trong năm.

Tuy nhiên, họ có thể gặp một số nguy cơ, đặc biệt là sự bất ổn do biến đổi khí hậu gây ra.

“Có thể xuất hiện các cơn bão nhiệt đới kéo dài sau tháng 11, lưu lượng tàu chở hàng dày đặc, các mảnh nhựa khổng lồ hay vật thể trôi nổi khác có thể bị kẹt trong cánh quạt của thuyền”, Martini cảnh báo.

Ông cũng cho rằng một trong những mối nguy lớn nhất gia đình Barberis có thể gặp phải là việc điều hướng qua eo biển Gibraltar, nơi có địa hình phức tạp.

ban nha de chu du dai duong anh 4

Gia đình Barberis không lo về việc lâm vào cảnh "không nhà cửa" khi trở về Italy sau chuyến du ngoạn trên biển.

Trong khi cha mẹ phụ trách việc xử lý các tình huống nguy hiểm, Iago, Nina và Timo đều có thể tham gia hỗ trợ một số nhiệm vụ trên tàu.

Vợ chồng Sara không lo lắng về việc họ không có nơi nào để sống ở quê hương khi hành trình kết thúc. Cô cho biết bạn bè và người thân đã hứa sắp xếp nơi ở khi gia đình mình trở về. Đó có thể là chiếc xe tải cắm trại mà cha Sara sở hữu.

“Ước mơ của chúng tôi là một ngày nào đó được chèo thuyền đến Polynesia, lênh đênh trên biển thêm 1-2 năm nữa. Hiện tại, chúng tôi mong muốn tận hưởng từng khoảnh khắc của chuyến đi sắp tới”, Sara chia sẻ.

Cuộc sống ở nơi dịch Covid-19 chưa đặt chân tới

Với Weisi Low, cuộc sống ở quần đảo Svalbard đầy ắp sự phiêu lưu và khám phá đến nỗi cô gần như quên rằng đại dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới phần còn lại của thế giới.

Thiên Nhi

Ảnh: CNN

Bạn có thể quan tâm