Lần đầu tiên bị đuổi khỏi nhà để nhường chỗ xây dựng Sân vận động Quốc gia cho Thế vận hội Tokyo 1964, Kohei Jinno (87 tuổi) rất buồn nhưng tự hào vì đã đóng góp cho Nhật Bản trong thời khắc lịch sử.
Nhưng khi một lần nữa bị yêu cầu phải rời đi vào năm 2013 để chính phủ xây dựng lại sân vận động cho Olympic 2020, người đàn ông khi ấy đã 80 tuổi cảm thấy số phận thật cay đắng. Mọi thứ càng tồi tệ hơn bởi sự thờ ở của chính quyền.
Hơn 200 người, trong đó có nhiều người lớn tuổi, phải chuyển đi để nhường chỗ xây dựng sân vận động. Ông Jinno và vợ mình, bà Yasuko, buồn bã khi phải rời xa những người hàng xóm thân quen ở khu phố Kasumigaoka, nơi họ đã sinh sống hơn nửa thế kỷ.
"Thật khó để rời đi. Đó là nơi tôi đã sống lâu nhất trong cuộc đời mình", ông Jinno nói với Reuters.
Ông Jinno hai lần phải chuyển đi để nhường chỗ xây dựng sân vận động Olympic với khoản bồi thường nhỏ. |
"Không có bất kỳ sự cân nhắc nào. Họ không nói 'Ông bà được yêu cầu chuyển đi, xin vui lòng hợp tác', thay vào đó người ta bảo 'chúng ta có Thế vận hội, ông phải rời khỏi đây'", người đàn ông lớn tuổi ngậm ngùi nhớ lại.
Ông chuyển đến một khu nhà ở công cộng khác, nhưng cộng đồng cũ đã tan rã.
"Tôi hy vọng ai đó hiểu được cảm giác của chúng tôi. Chúng tôi nhận được 170.000 yen (1.500 USD). Số tiền đó thì làm được gì? Tôi chỉ biết cười. Phải có khoảng 1 triệu yen mới đủ để chuyển nhà".
Một quan chức của thành phố Tokyo cho biết 170.000 yen là khoản thanh toán tiêu chuẩn trong trường hợp của ông Jinno.
"Có nhà ở công cộng gần đó và các quan chức địa phương đã nghĩ ra nhiều cách sắp xếp khác nhau. Đáng ra họ phải thân thiện, nhưng một số lại khá lạnh lùng", vị này cho biết, đồng thời từ chối nêu tên vì không được phép nói chuyện với truyền thông.
Các nhà tổ chức Olympic Tokyo 2020 từ chối bình luận, chỉ lưu ý rằng tổ chức sân vận động thuộc trách nhiệm của Hội đồng Thể thao Nhật Bản (JSC) và việc di dời do chính quyền Tokyo xử lý theo luật của họ.
Người đàn ông 87 tuổi xúc động khi về thăm lại nơi từng là khu nhà mình sống, nay trở thành sân vận động lớn. |
Ông Jinno sinh ra ở Kasumigaoka, là con trai thứ 4 trong gia đình có 9 anh chị em. Sau khi nhà bị cháy trong Thế chiến thứ hai, gia đình ông đã chuyển đến ngôi nhà khác cách đó 20 m và mở một tiệm thuốc lá.
Trước Thế vận hội năm 1964, gia đình ông bị đuổi đi để nhường chỗ xây sân vận động và công viên. Khu nhà của họ đã được lát đá, cây xanh bao phủ khu vực bị chặt phá và một con sông gần đó bị chôn vùi trong bê tông.
Ông Jinno sau đó cùng vợ và hai đứa con ở trong một căn phòng nhỏ, làm nghề rửa xe để kiếm sống. Năm 1965, ông chuyển đến khu nhà ở công cộng và mở lại cửa hàng thuốc lá.
"Tôi không bao giờ hết người để nói chuyện. Tôi đặt một cái ghế dài ra, đủ cho 3 hoặc 4 ngồi. Bọn trẻ sẽ mang bài tập đến, xin lời khuyên nếu chúng gặp khó khăn", ông kể.
Sau thông báo năm 2013, gia đình ông đã chuyển đi vào năm 2016. Phải chuyển nhà là điều rất khó khăn, đặc biệt với bà Yasuko. Cuối năm 2018, bà qua đời ở tuổi 84.
Đang sống cùng con trai ở phía tây Tokyo, ông Jinno về thăm khu phố cũ vài tháng một lần.
Đối diện với sân vận động mới, ngay phía trên nơi ngôi nhà cũ đã bị phá hủy của ông, là một công viên nhỏ với một tập hợp các vòng tròn biểu tượng Olympic, nơi du khách tạo dáng và mỉm cười chụp ảnh.
"Tôi sinh ra và lớn lên ở đây. Khi nhìn những hàng cây dọc theo con phố không thay đổi chút nào, tôi cảm thấy nhớ nhung nhưng đồng thời cũng tràn ngập cảm giác cô đơn, buồn bã".
Bất chấp tác động của Thế vận hội đối với cuộc sống mình, ông Jinno hy vọng đại hội thể thao sẽ thành công. Ông rất buồn khi đại dịch khiến tinh thần của họ không được phát huy hết mức.